Doanh nghiệp khó khăn, nguy cơ lao động bị cắt giảm việc làm sẽ tăng cao

Do sụt giảm và thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, dự báo tình trạng này sẽ tăng cao nếu không có giải pháp hỗ trợ, ứng phó kịp thời.

Báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do sụt giảm đơn hàng, khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, phát triển thị trường nước ngoài.

Theo đó, có 509.903 người lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương tính đến ngày 31/5. Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là 279.409 người (chiếm 54,79%).

Tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đồng thời đang tập trung vào các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, bên cạnh một số ngành cắt giảm lao động thì nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn (nhu cầu tuyển lao động trong 4 tháng đầu năm 2023 là 481,2 nghìn người; trong đó nhu cầu tuyển tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 146 nghìn lao động).

Dù nhận định tình trạng cắt giảm lao động hiện tại mang tính cục bộ, nằm trong khả năng kiểm soát được. Song Bộ Lao động, Thương binh nhấn mạnh, nếu khó khăn về thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết thì số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, nguy cơ sẽ lan sang các ngành nghề khác trong thời gian tới.

Theo một kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện cuối tháng 4/2023 với hơn 9.500 doanh nghiệp cũng dự báo làn sóng cắt giảm lao động sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023.

Trong tổng số hơn 9.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.

Trước khó khăn của doanh nghiệp cũng như người lao động, Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo. Trong đó, ngày 26/5/2023 Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc xử lý thông tin về lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất chính sách trước mắt và lâu dài để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng.

Ngoài ra, ngay khi có báo cáo về cắt giảm lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành liên quan vào cuộc, tìm giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm, sau khi nhận được báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam.

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đã đề xuất một số giải pháp. Đó là, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử...

Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã nêu một số giải pháp cần tăng cường triển khai, như: Hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động gồm: Hướng dẫn, đảm bảo chi trả các chính sách an sinh xã hội theo quy định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; đa dạng hóa các hình thức giao dịch việc làm, kịp thời điều tiết, hạn chế tình trạng nơi thừa lao động, nơi không tuyển được lao động; thu thập, nắm bắt thông tin thị trường lao động để định hướng về đào tạo, việc làm cho người lao động.

Mặt khác, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần bổ sung thêm nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm của người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh; nghiên cứu, có chính sách giảm các khoản đóng góp cho doanh nghiệp (ví dụ giảm mức đóng bảo hiểm tại nạn lao động bệnh nghề nghiệp...).

Trong 5 tháng đầu năm, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 393.377 người, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 337.432 người, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động cả nước hiện nay là 3,5 triệu đồng/người/tháng. Các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 754.921 lượt người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-kho-khan-nguy-co-lao-dong-bi-cat-giam-viec-lam-se-tang-cao-256665.html
Zalo