Khó khăn đến mấy tỉnh Thanh Hóa cũng quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Chiều 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tổ chức Phiên họp thứ hai. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì phiên họp.
Cùng dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Phiên họp kết nối tới tất cả điểm cầu ở 4 cấp trên toàn quốc.
Dự tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (Gọi là Ban Chỉ đạo tỉnh); Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh; Vũ Văn Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; không hy sinh tiến bộ, công bằng, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”; thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có công giúp công...
Thủ tướng cho biết, từ Phiên họp thứ nhất đến nay, sau 2 tháng, cả nước đã hoàn thành, bàn giao hơn 44 nghìn căn nhà và đang xây dựng 34,2 nghìn căn. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 240 nghìn căn phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp. Vì vậy, phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng. Thủ tướng đề nghị VTV và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chương trình “đếm ngược hàng tuần” để công bố số liệu thực hiện hàng tuần.
Để bảo đảm hoàn thành Chương trình trong năm 2025, Thủ tướng đề nghị cần phải nêu cao tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả).
Cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 12/1/2025 đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn, trong đó 48.989 căn đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn. Cụ thể, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 5.196 căn; hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia là 50.909 căn; đặc biệt hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 28.783 căn.
Cũng theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến nay có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ 12 đơn vị với tổng kinh phí 1.370 tỷ đồng. Tính đến ngày 2/1/2025 Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho 4.082 hộ gia đình
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nêu rõ: Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm trong toàn tỉnh, nhất là tại các địa bàn có số lượng nhà tạm, nhà dột nát lớn về các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Đặc biệt là Kết luận tại Phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương, Công điện số 117 và Chỉ thị số 42 của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh chủ động, kịp thời thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); đồng thời ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chương trình của tỉnh theo tinh thần “5 rõ".
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức phát động Cuộc vận động ủng hộ “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, đợt 1 được 226 tỷ đồng; phát động đợt 2 được 172 tỷ đồng; Tổng cả hai đợt đã vận động được 398 tỷ đồng và tiếp tục có Thư kêu gọi của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh.
Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình tiếp nhận hỗ trợ từ Trung ương; huy động nguồn lực xã hội của địa phương và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, theo đó: Tổng số nhà tạm, nhà dột nát toàn tỉnh là 13.769 căn. Số nhà đã khởi công và khánh thành là 4.082 căn (đạt 30%), bằng 226 tỷ đồng. Số nhà còn lại là 9.687 căn (xây mới hơn 6,2 nghìn căn; sửa chữa gần 3,5 nghìn căn).
Tổng kinh phí cần có năm 2025 để thực hiện Chương trình là 602,51 tỷ đồng, trong đó: Từ nguồn NSNN theo các chương trình mục tiêu quốc gia là 133,96 tỷ đồng (chiếm 22,2% tổng kinh phí); từ vận động trên địa bàn là 468,55 tỷ đồng (chiếm 78,8% tổng kinh phí). Có thể thấy nguồn ngân sách của Trung ương là rất quan trọng, nhưng nguồn vận động của địa phương chiếm tỷ lệ rất lớn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: Tỉnh Thanh Hóa xác định xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với tinh thần dù bất cứ địa bàn nào, công tác triển khai khó khăn đến mấy cũng quyết tâm hoàn thành trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát. Vì vậy, để hoàn thành Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa có một số đề xuất, kiến nghị gồm: Đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương kịp thời phân bổ nguồn Ngân sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa.
Là địa phương có diện tích rộng, với 3/4 diện tích là miền núi, dân số khu vực miền núi trên 1,1 triệu người, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; số lượng nhà tạm, nhà dột nát còn lớn (gần 10 nghìn căn, số kinh phí cần huy động lớn), đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ.
Ai có gì giúp nấy, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều, có của giúp của, có công giúp công
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể, các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm cao trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, chỉ sau thời gian ngắn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; trân trọng cảm ơn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng, tính cực ủng hộ thực hiện chương trình, với những nghĩa cử rất cao đẹp. Đồng thời, thẳng thắn phê bình một số bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục ngay; trong đó phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, với tinh thần ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, có của giúp của, có công giúp công; thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng Công an, Quân đội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Chương trình cũng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực, thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, chốt số liệu cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 20/1/2025, để có cơ sở cân đối, phân bổ nguồn lực thực hiện. Đồng thời, trước ngày 15/1 tất cả các địa phương phải ban hành kế hoạch thực hiện chương trình. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu thiết lập phần mềm để cập nhật thông tin về tiến độ thực hiện; theo dõi, đôn đốc các địa phương, kịp thời đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; làm tốt công tác thi đua khen thưởng và kỷ luật.
Phát biểu kết thúc hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nêu rõ các cấp, các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở cần phải quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Hàng tuần phải cập nhật, báo cáo tình hình triển khai thực hiện về Ban Chỉ đạo, đặc biệt là các số liệu, chỉ tiêu liên quan. Các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, không để chậm trễ. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị lực lượng cho việc tham gia xây dựng, sửa chữa nhà cho các hộ gia đình khi địa phương có nhu cầu.
Qua rà soát tỉnh còn cần khoảng 100 tỷ đồng đề thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, vì vậy các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần kêu gọi sự vào cuộc, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.