Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng đột phá nhờ Nghị quyết 68

Các doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng những chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết 68-NQ/TW, không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang gặp vấn đề về thủ tục, chậm tiến độ, mà còn khai thác hiện quả nguồn lực đất đai.

“Thủ tục pháp lý là rào cản lớn đối với doanh nghiệp và sự phát triển của thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding thẳng thắn chia sẻ khi được hỏi về những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải khi phát triển dự án.

Ông Hậu kể, doanh nghiệp của ông thực hiện một dự án tại Bình Chánh (TP.HCM). Từ khi được chấp thuận chủ đầu tư, phải mất đến 4 năm mới hoàn thành thủ tục pháp lý. Như vậy, nếu mỗi năm mất 10% lãi vay, thì doanh nghiệp phải mất 4 năm trả khoản lãi vay.

“Về tiến độ pháp lý, câu chuyện này là muôn thuở. Tôi mong muốn làm sao để doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất dễ hơn, còn về vấn đề tài chính thì chúng tôi tự sắp xếp được”, ông Hậu nói và cho biết thêm, do tắc thủ tục pháp lý nên trong thời gian gần đây thị trường thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội.

Là doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành cũng gặp không ít khó khăn về thủ tục. Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chỉ mong đạt mức lợi nhuận rất khiêm tốn khoảng 7%, nhưng nếu thủ tục pháp lý kéo dài, chi phí tăng lên, thì mức lợi nhuận này cũng khó đạt được.

Trong nhiều năm qua, những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý đã trở thành “điểm nghẽn” kéo dài. Bởi thế, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 68) đã mang lại hy vọng về một cuộc cải cách mạnh mẽ. Với tinh thần đổi mới tư duy và cải cách thể chế, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý từ 3-4 năm xuống còn 2-3 năm, giảm thiểu chi phí và lãng phí cho doanh nghiệp. Đây chính là cú hích quan trọng để bất động sản Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp bất động sản nhận định, Nghị quyết 68 là văn bản mang tính toàn diện, đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Không chỉ tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án đang chậm tiến độ, Nghị quyết còn mở ra cơ hội khai thác nguồn lực đất đai đang bị lãng phí, bao gồm đất công chưa sử dụng và các khu đất đang trong tình trạng tranh chấp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest hào hứng, Nghị quyết 68 là “liều thuốc” đem lại niềm tin cho doanh nghiệp. Những va vấp trong quá trình thực hiện dự án sẽ không bị hình sự hóa nếu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Cơ chế giải quyết tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp thay vì phải "xin - cho", giúp rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục từ 3-4 năm xuống còn 1 năm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, Nghị quyết 68 sẽ tạo ra bước đột phá mạnh mẽ cho lĩnh vực đất đai. Các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, kết nối với các hệ thống quốc gia sẽ tăng tính minh bạch, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tháo gỡ cho hàng ngàn dự án đang ách tắc.

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ rà soát và loại bỏ các quy định kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh. Đây là bước tiến quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu xây dựng cơ chế kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Điều này nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, tạo khan hiếm giả và thao túng giá, góp phần ổn định niềm tin của nhà đầu tư và người dân, thu hút dòng vốn trở lại thị trường.

“Nghị quyết 68 là bước ngoặt chiến lược, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản bước vào giai đoạn phát triển mới, với tư duy chủ động, sáng tạo và tận dụng tối đa nguồn lực”, ông Phạm Lâm, CEO DKRA Group tin tưởng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai Nghị quyết 68 vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Hiện vẫn còn tình trạng “trên nóng - dưới lạnh”, nhiều địa phương thực hiện quy định một cách máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, để Nghị quyết 68 thực sự tạo ra bước đột phá, các doanh nghiệp kỳ vọng vào sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền, đặc biệt là trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/doanh-nghiep-dia-oc-ky-vong-dot-pha-nho-nghi-quyet-68-d285907.html
Zalo