Doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy, làm chủ công nghệ và tăng tính minh bạch
Trong bối cảnh chính sách thương mại toàn cầu đầy biến động và chiến tranh thương mại gay gắt, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Tại Diễn đàn CEO với chủ đề: 'Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại' do Báo Sài gòn Giải phóng phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), đã khẳng định: 'Thị trường hiện tại không dành cho sự trì trệ hay bảo thủ. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và vươn ra thế giới cần thay đổi tư duy, làm chủ công nghệ, tăng tính minh bạch và liên kết cùng nhau để phát triển bền vững'.

Các CEO thảo luận tìm giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trước bối cảnh chiến tranh thương mại
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp Việt còn đứng ngoài cuộc chơi
Theo thống kê từ HUBA, mặc dù chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn thờ ơ hoặc gặp khó khăn trong việc thích ứng. Chỉ có 37,4% doanh nghiệp tham gia chuyển đổi, trong khi đó, 27% không muốn chuyển đổi do lo ngại về doanh thu và lợi nhuận, 24% không có đủ thông tin về vấn đề này, và 11% hoàn toàn không quan tâm.
Ông Hòa nhận định, việc đầu tư vào chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thường đi kèm với chi phí kiểm định, kê khai, truy xuất nguồn gốc gia tăng, khiến các doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh về giá. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.
“Không phải doanh nghiệp không cố gắng, mà là họ không có đủ cơ chế hỗ trợ để bắt kịp các ‘luật chơi mới’ toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không thay đổi, rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị đào thải ngay trên sân nhà”, ông Hòa cảnh báo.

Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Những khó khăn chồng chất và kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ
Khảo sát của HUBA cũng chỉ ra những rào cản lớn mà doanh nghiệp đang đối mặt: sức mua yếu, thiếu vốn, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thiếu lao động, thiếu đơn hàng và năng lực quản trị rủi ro, công nghệ, nhân lực còn yếu so với yêu cầu hội nhập mới.
Để vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp đang đề xuất nhiều giải pháp từ phía nhà nước. Cụ thể, 58,7% doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất và các gói kích cầu tiêu dùng, đầu tư; 49% yêu cầu các giải pháp giảm/hoãn thuế, phí; 42% đề nghị nâng cấp hạ tầng giao thông logistics; và 41% mong muốn rút gọn các thủ tục hành chính.
Doanh nghiệp đặc biệt kỳ vọng vào những đổi mới từ Nghị quyết 68 với các chính sách giảm thuế, đặc biệt là chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, và mục tiêu giảm 30% các thủ tục hành chính. Ông Hòa khuyến nghị các cơ quan chức năng cần giải quyết các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp cần hỗ trợ một cách ưu tiên, đúng và linh hoạt tùy theo từng ngành, quy mô doanh nghiệp, thay vì chỉ "bơm tiền".

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh
Cấu trúc thị trường toàn cầu phân mảnh và rủi ro chồng chéo
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, đã phân tích sâu sắc về những thay đổi trong cấu trúc thị trường toàn cầu. Các chính sách của Hoa Kỳ như thuế đối ứng, cấm tiếp cận công nghệ, và khuyến khích chuyển sản xuất về nước đã dẫn đến sự phân mảnh của chuỗi cung ứng. Chiến lược "friendshoring" và "nearshoring" của Mỹ, EU đã thúc đẩy dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, mở ra cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc trở thành điểm trung chuyển cũng khiến Việt Nam bị gắn nhãn lẩn tránh thuế trong một số vụ kiện phòng vệ thương mại gần đây.
Tình hình xuất khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro khi Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ nhưng lại nhập siêu từ Trung Quốc. Sự chênh lệch lớn giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa cũng là một thách thức. Các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm tỷ trọng xuất khẩu hơn 40%, và cả thị trường Đông Bắc Á là hơn 57%. Sự phụ thuộc này khiến xuất khẩu thiếu tự chủ, đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp nội địa trong việc nâng cao sức chống chịu trước thuế đối ứng.
Ông An nhấn mạnh, doanh nghiệp nội địa với sức chống chịu tài chính yếu cần chính sách hỗ trợ kịp thời để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tuân thủ và truy xuất nguồn gốc, cũng như phân loại và định vị lại thị trường mục tiêu (thị trường bảo hộ cao, thị trường tiềm năng, thị trường ngách).
Nâng cao năng lực nội sinh và khai thác thị trường trong nước
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, khẳng định thành phố luôn xác định Hoa Kỳ là thị trường quan trọng. Do đó, doanh nghiệp cần có những giải pháp mang tính thời sự và những điều chỉnh mang tính chiến lược, lâu dài. Ông khuyến khích doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và phản hồi lại cho nhà nước để có chính sách tốt hơn.
Trong khi Bộ Công Thương đang đàm phán thương mại với Hoa Kỳ để có một mức thuế phù hợp, ông Vũ nhấn mạnh doanh nghiệp cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước với 100 triệu dân.
“Chúng ta cũng phải nâng cao năng lực nội sinh trong bối cảnh có "bộ tứ" Nghị quyết là căn cơ, nền tảng cho kinh tế tư nhân, cho doanh nghiệp, cho khoa học công nghệ, phải nâng cao sức mạnh nội sinh của từng doanh nghiệp”, ông Vũ nhấn mạnh.

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng
Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng cho biết gần đây, hàng loạt nghị quyết quan trọng đã được ban hành với tốc độ chưa từng có, như Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Những nghị quyết này không chỉ là lời khẳng định chính trị mạnh mẽ mà còn là cam kết thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và phát triển bền vững.
Ông Văn khẳng định: “Điều doanh nghiệp cần không chỉ là động lực mà là môi trường pháp lý nhất quán và liên kết chặt chẽ giữa các khu vực kinh tế”.
Diễn đàn CEO lần này là nơi khơi mở các góc nhìn đa chiều, góp phần hình thành giải pháp cụ thể, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, giúp doanh nghiệp Việt Nam vững bước trên con đường phát triển bền vững.