Doanh nghiệp dệt may thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2025

Trước những biến động về chính sách thương mại, hàng rào thuế quan từ các thị trường lớn, trong đó có Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam - nhiều doanh nghiệp trong ngành đặt mục tiêu kinh doanh khá dè dặt trong năm nay.

Doanh nghiệp dệt may thận trọng hơn với các mục tiêu kinh doanh năm 2025 do lo ngại tác động từ thuế quan của Mỹ.

Doanh nghiệp dệt may thận trọng hơn với các mục tiêu kinh doanh năm 2025 do lo ngại tác động từ thuế quan của Mỹ.

Bối cảnh thị trường tiêu dùng hàng dệt may toàn cầu trong năm nay biến động mạnh hơn, khả năng bị tác động không thuận lợi bởi chính sách thuế quan của Mỹ, nhiều doanh nghiệp trong ngành này khá thận trọng với mục tiêu sản xuất, kinh doanh.

Tai ĐHĐCĐ vừa diễn ra, Tổng công ty May Đức Giang đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 với 2.700 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 85 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng.

Mục tiêu này tăng nhẹ so với năm trước. Trong năm 2024, doanh thu thực hiện của May Đức Giang là 2.396 tỷ đồng, đạt 99% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 24 tỷ đồng.

Ông Phạm Tiến Lâm, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc May Đức Giang thừa nhận, năm nay, khó khăn, bất ổn trong kinh doanh nhiều hơn năm ngoái do thuế quan đối ứng của Mỹ áp thuế đối ứng lên nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt nam, cùng đó là chiến tranh thương mại khiến chuỗi cung ứng sẽ một lần nữa đứt gãy và phân hóa gây khó khăn cho hoạt động xúc tiến thương mại.

Để thực hiện mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ so với năm ngoái, May Đức Giang sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp thích ứng với tình hình thị trường mới trong bối cảnh thuế quan bất định, đẩy mạnh hoạt động Marketing và ứng dụng AI trong mọi hoạt động, cải thiện liên tục chất lượng sản phẩm, kiểm soát chi phí và rủi ro, quy hoạch và đào tạo nhân sự trẻ có chuyên môn cao.

Đối với Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP (Hugaco), mục tiêu doanh thu năm nay được doanh nghiệp đưa ra ở mức 616 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 50 tỷ đồng.

Đối chiếu với kết quả kinh doanh của năm ngoái, mục tiêu 2025 đã giảm đi đáng kể, trong đó, doanh thu dự kiến giảm hơn 62 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 23 tỷ đồng.

Kinh doanh khó khăn hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân cho người lao động từ mức 12 triệu đồng/người/tháng của năm ngoái lên mức 12,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2025.

Để đạt được kế hoạch đề ra, trước mắt, doanh nghiệp huy động người lao động tập trung cao nhất về hiệu suất lao động nhằm hoàn thành những đơn hàng đã ký với khách hàng xuất vào Mỹ. Mục tiêu là kịp giao hàng cho khách ttrong thời gian 90 ngày Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng ở mức 46%.

Theo bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Hugaco, căng thẳng thương mại leo thang ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đơn hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp đang bám sát động thái tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như kết quả đàm phán về thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ để chuẩn bị phương án đàm phán với khách hàng Mỹ và các thị trường khác về tăng thuế (so với các nước khác).

Việc có phương án đàm phán với các khách hàng nhằm chia sẻ với khách hàng giữ thị phần, ổn định việc làm cho người lao động. Tiếp tục duy trì và phát triển mở rộng các thị trường và các bạn hàng cũ như Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc… , đồng thời phát triển thị trường mới như Nga, Trung Đông, Nam Á…

Để tăng tính bền vững, giảm rủi ro về xuất xứ, doanh nghiệp đang rốt ráo tìm kiếm khách hàng dùng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sợi cũng lo lắng thị trường xuất khẩu 2025 bị thu hẹp. Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài cho biết, năm 2024, doanh nghiệp vẫn duy trì được kết quả sản xuất kinh doanh tương đối khả quan, tổng doanh thu hơn 1.327 tỷ đồng, tăng 26,4% so với kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 55%.

Nhận định thị trường 2025, Ban lãnh đạo dpanh nghiệp cho biết, lúc này, dù các thị trường chính như Nhật Bản và Hàn Quốc chưa chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng nguy cơ giảm nhu cầu là hiện hữu.

Để duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, bên cạnh việc giữ vững hai thị trường xuất khẩu chủ lực, Sợi Phú Bài chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, trong đó có Trung Quốc, kết hợp triển khai đồng bộ các giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên các dòng hàng có giá trị gia tăng cao; kiên định theo định hướng phát triển sản phẩm tái chế, có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt với nguyên liệu xơ; xây dựng mục tiêu rõ ràng theo từng quý, phản ứng linh hoạt trước các thay đổi từ chính sách thuế quan.

Năm ngoái, ngành dệt may đóng góp doanh thu xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2023. Ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 47- 48 tỷ USD năm 2025.

Quý I/2025, xuất khẩu dệt may đạt 8,694 tỷ , tăng 11,1%, xơ sợi đạt 1,03 tỷ USD, giảm nhẹ 2%, xuất khẩu nguyên phụ liệu (gồm cả da giày) đạt 560 triệu , tăng 12,4%. Tổng cộng, xuất khẩu toàn ngành xấp xỉ 10,3 tỷ USD, theo số liệu của Cục Thống kê.

Xuất khẩu trong quý II/2025 dự báo còn khó khăn hơn do thị trường lớn giảm tiêu dùng, thuế đối ứng của Mỹ cũng làm ảnh hưởng tới các đơn hàng xuất khẩu, một số nhà nhập khẩu đã thông báo tạm hoãn đơn hàng do lo ngại thuế quan...

Theo Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công, nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ rệt, trong bối cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn, nhất là với một số ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50% như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-det-may-than-trong-voi-ke-hoach-kinh-doanh-2025-d272936.html
Zalo