Doanh nghiệp cần chủ động nguyên vật liệu nội địa cho hàng dệt may xuất khẩu
Sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ vừa qua, nhiều doanh nghiệp dệt ngành may ở TP.HCM lo ngại có sự thay đổi về chính sách thuế khiến sản xuất hàng dệt may dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, mang đến nhiều thách thức cạnh tranh.
10 tháng qua, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 30,57 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TP.HCM chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước và 40%-50% hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Những năm qua, các nhãn hàng thời trang của Mỹ đã chuyển một phần đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có lợi thế như Việt Nam, Banglades...
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, nếu tới đây, Mỹ áp thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên 60% thì việc dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc sẽ nhiều hơn.
Đây cũng là cơ hội và thách thức với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, vì có đến 70% nguyên phụ liệu sản xuất là nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtex) cho rằng, để tránh rủi ro và tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tự chủ nguồn cung vật liệu nội địa, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu.
Thành phố nên chọn lọc vốn FDI và chỉ thu hút các dự án đang bị thiếu hụt phải nhập khẩu nhiều như vải sợi, nguyên phụ liệu.
Hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp hết sức cẩn trọng, kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu theo các quy định của các Hiệp định thương mại tư do với các nước và Mỹ… Chúng ta phải quan lý kĩ đừng để một vài doanh nghiệp liên kết "núp bóng" để hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng có nguồn gốc từ nước ngoài, điều này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến ngành dệt may trong nước.