Doanh nghiệp bất động sản tính phát triển nhà ở cho người cao tuổi

Cùng với tốc độ đô thị hóa, lối sống cá nhân và thay đổi trong cấu trúc gia đình, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở thành thị lựa chọn sống độc lập với con cháu. Họ cần môi trường có bầu bạn để được lắng nghe, chia sẻ và chăm sóc.

Người cao tuổi đang có xu hướng sống riêng

Trong xã hội truyền thống, mô hình gia đình ba thế hệ "tam đại đồng đường" phổ biến là ông bà, cha mẹ, con cái thường sống chung, hỗ trợ và chăm sóc lẫn nhau. Nhưng hiện nay, tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng, hình thức này đang thu hẹp.

Nguyên nhân thay đổi lối sống truyền thống đến từ nhiều phía như: Người trẻ lập gia đình muộn, có xu hướng ra riêng. Bên cạnh đó, áp lực không gian sống trong căn hộ chật hẹp cũng khiến cho nhiều gia đình muốn mở rộng không gian sống riêng.

Ngoài ra, sự khác biệt về lối sống, thói quen và quan điểm giữa các thế hệ cũng thúc đẩy xu hướng ở riêng ngày càng gia tăng.

Người cao tuổi tại các đô thị đang dần có xu hướng lựa chọn những không gian sống riêng.

Mặt khác, một bộ phận người cao tuổi chủ động lựa chọn sống riêng để có sự tự do, không làm phiền con cháu. Bà Đặng Thị Lan (59 tuổi, Hà Nội), hiện đang sống tại một căn hộ cùng chồng trên đường Nguyễn Chí Thanh tâm sự: "Ngày nào cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, hết nấu cơm lại xem ti vi. Con cháu thỉnh thoảng mới qua thăm, già rồi cái mình cần nhất là có người trò chuyện".

Để giữ tinh thần minh mẫn và cơ thể dẻo dai, ngoài việc duy trì nếp sống độc lập như tự nấu ăn, đi chợ, bà Lan và chồng cũng thường tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, tập thể dục sáng, tham gia câu lạc bộ hưu trí…

Tuy nhiên, để tham gia những hoạt động này thường phải đi xa, tới những nơi tụ tập bạn bè. Còn tại căn hộ đang sống, hầu hết mọi người đều chỉ đi làm và sinh hoạt trong gia đình, ít giao tiếp hàng xóm.

Ông Trần Văn Hạnh (67 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi ở với vợ, còn hai đứa con đã ra ở riêng. Mình cũng buồn, nhưng các cháu có cuộc sống riêng, mình đâu thể ép. Sống riêng trong một căn hộ chung cư nhỏ là lựa chọn của chúng tôi khi con cháu quá bận và không đủ điều kiện để ở chung".

Tuy nhiên, việc sinh hoạt tại căn hộ chung cư đôi lúc cũng khiến ông Hạnh và vợ cảm thấy bí bách, đơn cử như việc chờ thang máy và chen chúc mỗi giờ cư dân đi lại đông, hay thiết kế của căn bếp quá cao khiến cho ông bà phải tìm thêm các vật dụng hỗ trợ và không thể đứng nấu ăn quá lâu...

Cần mô hình sống cho người cao tuổi ở đô thị

Người cao tuổi cần những môi trường được quan tâm, chăm sóc và lắng nghe.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đề xuất nên phát triển mô hình trung gian như các khu nhà ở riêng cho người cao tuổi, có dịch vụ hỗ trợ, y tế, sinh hoạt cộng đồng đi kèm cho người già tại các đô thị.

Nhà ở dành cho người cao tuổi không phải là mô hình viện dưỡng lão truyền thống, mà là các sản phẩm bất động sản cao cấp, trong đó có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người cao tuổi. Trên thế giới, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đang phát triển mạnh loại hình này.

Ở Việt Nam, mô hình này mới bắt đầu manh nha. Một số khu dân cư, dự án nhà ở bắt đầu dành riêng một phần tiện ích cho người cao tuổi như sân tập dưỡng sinh, phòng sinh hoạt chung, dịch vụ chăm sóc tại chỗ.

Theo bà Lê Trang, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, đơn vị này đã làm việc với một số chủ đầu tư trong nước để nghiên cứu loại hình nhà ở dành cho người cao tuổi. Bà Trang cho biết, đã có chủ đầu tư nghiên cứu kỹ mô hình này, và dự tính triển khai trong thời gian tới, các bên nghiên cứu và đơn vị cũng đã thảo luận để tìm được điểm đến tốt nhất cho loại hình nhà ở này.

Bà Trang cho biết, trong tương lai thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có nhà ở dành cho người cao tuổi. Theo bà Trang, định hướng mô hình nhà ở dành cho người cao tuổi phải là mô hình bất động sản cao cấp, cộng dịch vụ chăm sóc đi kèm. Mô hình sẽ cao cấp và phức tạp hơn cả mô hình khách sạn, vì có thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Người cao tuổi tại đô thị cần những không gian nhà ở tích hợp nhiều tiện ích chăm sóc sức khỏe.

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tư vấn tâm lý độc lập Phạm Minh Anh cho rằng: "Điều quan trọng không phải là người già ở đâu, mà là họ có được kết nối, lắng nghe, và tôn trọng hay không. Một người già sống cùng con cháu nhưng bị bỏ mặc thì cô đơn hơn nhiều so với người sống một mình nhưng có cộng đồng gắn bó".

Ở cùng hay sống riêng, theo chuyên gia, mỗi cách đều có ưu, nhược điểm riêng và cần được nhìn nhận khách quan. Quan trọng nhất là người cao tuổi được lựa chọn, được hỗ trợ, và không bị cô lập trong chính cuộc sống của mình.

Theo ông Huy Thắng, Founder tại Kiến trúc Koreahomes, trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng, việc phát triển các dự án nhà ở dành cho người cao tuổi tại các đô thị đang dần nhận được sự quan tâm của xã hội và khả năng sẽ trở thành mô hình quan trọng trong tương lai.

Môi trường sống tốt có thể ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của người cao tuổi. Chính vì vậy, ông Thắng cho rằng, các dự án bất động sản thiết kế cho người cao tuổi cần hướng tới việc tạo dựng môi trường sống thân thiện, an toàn và đầy đủ tiện nghi cho người cao tuổi.

Bên cạnh những thiết kế bên trong nhà ở, các dự án bất động sản có thể tích hợp thêm các tiện ích như trung tâm chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí, các lớp học nghệ thuật, kết nối người già để đáp ứng nhu cầu về thể chất lẫn tinh thần cho người già.

Việc phát triển triển nhà ở cho người cao tuổi tại các đô thị không chỉ giúp cho thế hệ này có một môi trường sống lành mạnh, gần gũi mà còn góp phần xây dựng cộng đồng cư dân hòa nhập, hỗ trợ lẫn nhau.

Trang Lê

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/can-mo-hinh-phat-trien-nha-o-cho-nguoi-cao-tuoi-tai-cac-do-thi-lon-192250505114905373.htm
Zalo