Nỗ lực bảo vệ 'lá phổi xanh' phía Tây Bắc Phú Yên

Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Phú Yên, huyện Đồng Xuân có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, địa hình nhiều sông suối, núi rừng. Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Đồng Xuân không chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt bảo vệ 'lá phổi xanh' vùng đất này, mà còn triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh trồng rừng, nâng độ che phủ, góp phần bảo vệ sinh thái tài nguyên và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nói đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân ở huyện Đồng Xuân không thể nào quên bài học đắt giá từ vụ phá rừng ở xã Phú Mỡ cách đây gần chục năm. 33ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại hai Tiểu khu 83, 90 trong rừng Bình Ấm ở xã Phú Mỡ đã bị tàn phá, một số cán bộ có chức trách bị kỷ luật từ cảnh cáo đến cách chức, khai trừ ra khỏi đảng; 4 đối tượng vào vòng tố tụng hình sự đã phải lãnh án 28 năm 6 tháng tù về tội hủy hoại rừng và phải bồi thường 2,1 tỷ đồng.

Trên những đồi núi ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân bạt ngàn màu xanh rừng trồng. Ảnh: Hữu Toàn

Trên những đồi núi ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân bạt ngàn màu xanh rừng trồng. Ảnh: Hữu Toàn

Sau sự cố đó, Huyện ủy, UBND huyện Đồng Xuân tiến hành nhiều cuộc kiểm điểm, rà soát, đánh giá và tập trung chỉ đạo các biện pháp đấu tranh phòng, chống nạn phá rừng tái diễn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác trồng rừng phủ xanh đất trồng, đồi trọc. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Đồng Xuân ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 22/9/2021 về “Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững”, gắn với trách nhiệm từng cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc thường xuyên; UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trồng mới 15 triệu cây xanh ở tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giao đất cho dân trồng rừng sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo, ổn định đời sống, chủ động ngăn chặn phá rừng làm nương rẫy.

Bên cạnh đó, công tác tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng với sự phối hợp của các lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, công an, dân quân các địa phương tăng cường siết chặt; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm lâm luật cũng được chú trọng triển khai sâu rộng đến từng thôn xóm, buôn làng bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ đã góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm người dân. Mặt khác, khi tiếp nhận nguồn tin hay phát hiện dấu hiệu vi phạm lâm luật, các lực lượng khẩn trương xác minh làm rõ, kiên quyết xử lý nghiêm minh… Bằng những biện pháp tích cực nêu trên, trong 5 năm qua số vụ vi phạm lâm luật giảm dần, rừng tự nhiên bảo vệ ổn định, diện tích rừng trồng tăng lên từng năm.

Hạt kiểm lâm Đồng Xuân trao đổi phương án tuần tra bảo vệ rừng với lực lượng Công an, dân quân và người dân. Ảnh: Khắc Sĩ

Hạt kiểm lâm Đồng Xuân trao đổi phương án tuần tra bảo vệ rừng với lực lượng Công an, dân quân và người dân. Ảnh: Khắc Sĩ

Theo ông Võ Banh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, nếu như năm 2020 trên địa bàn huyện phát hiện 32 vụ vi phạm lâm luật, thì những năm sau đó giảm dần, đến năm 2024 chỉ còn 11 vụ và không có vụ phá rừng. Trong tổng diện tích tự nhiên toàn huyện 103.000ha, có hơn 73.557ha rừng, bao gồm 33.559ha rừng tự nhiên và hơn 31.825ha rừng trồng, tỷ lệ rừng che phủ đã đạt 63,42%.

Chỉ riêng trong năm 2024, ngoài việc trồng mới 391ha rừng, trong đó có 339ha rừng sản xuất và gần 52ha rừng phòng hộ; trên địa bàn huyện còn có 1.998ha rừng trồng lại sau khai thác, nâng tổng diện tích rừng trồng lại trong 5 năm (2020-2025) lên 10.171ha và 515.000 cây keo lai, giáng hương, sao đen, bằng lăng, xà cừ... trồng phân tán. Từ nhiều năm qua, mỗi năm huyện Đồng Xuân khai thác trên dưới 2.000ha rừng trồng với sản lượng 75 tấn/ha, giá trị sản phẩm đạt 114,7 triệu đồng/ha.

Để minh chứng thực tế về hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương, ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đồng Xuân đưa chúng tôi về Phú Mỡ là xã vùng cao, tiếp giáp huyện Kông Chro (Gia Lai) và huyện Vân Canh (Bình Định), có diện tích tự nhiên 45.600ha, lớn nhất so với các xã trong tỉnh Phú Yên. Toàn xã có 854 hộ gia đình, gồm 3.243 người dân đều là đồng bào dân tộc Chăm, Ba Na sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Gần 10 năm về trước xã Phú Mỡ là “điểm nóng” phá rừng làm nương rẫy, mà nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất. Với quyết tâm ngăn chặn nạn phá rừng, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp; huyện Đồng Xuân phối hợp các ban, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp, nên đến nay đã có hơn 107 hộ gia đình ở xã Phú Mỡ được giao gần 308ha đất lâm nghiệp để trồng rừng. Bên cạnh đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cũng đã giao khoán hơn 16.000ha rừng cho gần 920 hộ gia đình bảo vệ với chi phí trong năm 2024 trên 5,5 tỷ đồng. Từ nguồn thu trồng rừng và bảo vệ rừng, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Phú Mỡ từ 69% năm 2022 đã giảm xuống 42,39% trong năm 2025.

Công tác tuần tra bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng ở huyện Đồng Xuân luôn được tăng cường siết chặt. Ảnh: Khắc Sĩ

Công tác tuần tra bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng ở huyện Đồng Xuân luôn được tăng cường siết chặt. Ảnh: Khắc Sĩ

Là một trong những người dân được giao đất lâm nghiệp, ông La Lan Khơi bộc bạch: “Tôi được giao 2ha đất rừng, trồng keo hai năm tuổi rồi, chỉ ba năm nữa thì nguồn thu nhập từ gỗ keo sẽ giúp gia đình tôi có thêm hàng trăm triệu đồng xây dựng căn nhà mới khang trang. Những gia đình nhận khoán bảo vệ rừng ở đây cũng có thu nhập ổn định, nên tình trạng phá rừng làm nương rẫy không còn tái diễn”.

“Giao đất lâm nghiệp cho người dân trồng rừng, giao khoán cho người dân bảo vệ rừng không chỉ là những biện pháp tích cực nâng cao hiệu quả phòng, chống nạn phá rừng, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh”, mở rộng diện tích rừng ở địa phương, mà còn giải quyết việc làm cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sinh kế bền vững để người dân ổn định sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” – ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đồng Xuân chia sẻ thêm.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/no-luc-bao-ve-la-phoi-xanh-phia-tay-bac-phu-yen-i767344/
Zalo