Ai trả tiền cho doanh nghiệp giữ chân nhân tài?

ESOP cần phải hiểu đúng với bản chất và được coi như một dạng chi phí ảnh hưởng tới lợi ích cổ đông.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) mới đây công bố kế hoạch phát hành hơn 19,9 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương với 1,36% số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tới 80% so với mức giá quanh 56.000 đồng/cổ phiếu MWG đang giao dịch trên thị trường.

Số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng hai năm kể từ thời điểm phát hành, dự kiến vào quý I/2025 này.

Đối tượng tham gia là cán bộ lãnh đạo, người lao động nói chung có nhiều đóng góp cho sự phát triển của công ty, công ty con theo tiêu chuẩn và danh sách được HĐQT phê duyệt. Chủ tịch và các thành viên HĐQT không điều hành không tham gia chính sách ESOP.

ESOP là một chiến lược được MWG thường xuyên thực hiện với mục tiêu mà ban lãnh đạo nói đến là nhằm giữ chân nhân tài. Trong nhiều năm qua, chỉ có năm 2023 là MWG không ESOP do tình hình kinh doanh không thuận lợi.

Không chỉ riêng MWG, nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn tại Việt Nam như Masan, Techcombank hay SSI cũng thường xuyên có những phương án ESOP quy mô lớn với mục đích tương tự.

Theo đó, thay vì thưởng tiền mặt cho nhân viên, các công ty sẽ bán cho họ tài sản của công ty - ở đây là cổ phiếu, với mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Tại Việt Nam, mức giá mua ESOP thường là mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, hay thậm chí là 0 đồng.

Đi kèm với mức giá phát hành ưu đãi thì cổ phiếu ESOP thường sẽ có một số điều kiện nhất định. Phổ biến nhất là hạn chế chuyển nhượng trong một khoảng thời gian cụ thể, hay mất quyền trong trường hợp người lao động nghỉ việc trong giai đoạn trao quyền.

Chu kỳ một phương án phát hành ESOP. Nguồn: KPMG

Chu kỳ một phương án phát hành ESOP. Nguồn: KPMG

Tại Việt Nam, việc thực hiện ESOP hiện nay cho thấy nhiều bất cập mà rõ ràng nhất là việc phát hành ESOP được thực hiện tương tự như việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông thông thường.

Trong đó, doanh nghiệp nhận tiền từ nhân viên và tăng vốn tương ứng số lượng cổ phiếu nhân với giá phát hành cổ phiếu cho chương trình ESOP.

Lấy ví dụ về trường hợp của MWG, doanh nghiệp này phát hành gần 20 triệu cổ phiếu MWG với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng số tiền sẽ thu của đợt ESOP này là 200 tỷ đồng.

Số tiền này sau đó sẽ được bổ sung vào vốn điều lệ của doanh nghiệp, số lượng cổ phiếu lưu hành của MWG tăng tương ứng thêm gần 20 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau thời gian đóng băng, số cổ phiếu này được tự do giao dịch theo giá thị trường. Nếu tính theo giá giao dịch hiện tại, số cổ phiếu trên có giá trị hơn 1.100 tỷ đồng.

Khoản chênh lệch hơn 900 tỷ đồng – phần thưởng của nhân viên lại thường là vấn đề khiến nhiều cổ đông MWG không hài lòng.

Các cổ đông, những người bỏ tiền vào doanh nghiệp, cũng đồng hành nhiều năm, phải chấp nhận giá trị đầu tư của bị suy giảm để trả thưởng cho một số nhân viên mà doanh nghiệp đánh giá là “xứng đáng”.

Các cổ đông nhỏ lẻ thường không đủ lượng cổ phần để phủ quyết những kế hoạch ESOP mà ban lãnh đạo đưa ra. Vì vậy, họ cũng chỉ có lựa chọn chấp nhận hoặc từ bỏ cơ hội đầu tư và chuyển sang doanh nghiệp khác.

Lợi ích mâu thuẫn

Để cân bằng lợi ích, bên cạnh kết quả kinh doanh, MWG khi thông qua kế hoạch ESOP cũng đã cam kết việc giữ hiệu suất cổ phiếu cao hơn tối thiểu 10% so với mức trung bình của VNIndex.

Mặc dù vậy, giá cổ phiếu MWG vẫn giảm ngay lập tức sau khi có thông tin ESOP, cho thấy các cổ đông cảm thấy lợi ích của mình bị tổn hại.

Trên thực tế, trường hợp MWG vẫn còn khá "nhẹ nhàng" nếu so với một số thương vụ ESOP khác từng được công bố.

Chẳng hạn, năm 2021, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) trình phương án ESOP với lượng cổ phần dự kiến tới 4,5% cổ phiếu đang lưu hành. Mức giá chào bán vẫn bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, thị giá cổ phiếu SIP của công ty này giao dịch quanh ngưỡng 180.000 đồng/cổ phiếu. Tính theo mức giá này, lượng phát hành ESOP của SIP có giá trị lên tới 650 tỷ đồng. Những người được mua cổ phiếu có thể thu về khoản lợi nhuận gấp 18 lần số tiền bỏ ra.

Không chỉ phát hành ESOP với tỷ lệ lớn, SIP còn công bố phát hành thưởng phần lớn cho thành viên HĐQT, ban kiểm soát và nhân sự chủ chốt… Trong khi doanh nghiệp còn đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi, giảm tới 53% so với thực hiện trong năm trước.

Chứng khoán SSI cũng là một công ty thường xuyên có những phương án ESOP với số lượng lớn. Cuối năm 2023, SSI đã phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, đối tượng mua chủ yếu là thành viên HĐQT và nhân sự chủ chốt của SSI.

Có thể nói, phát hành ESOP trong nhiều trường hợp không khác gì ban lãnh đạo doanh nghiệp đang “chia tiền” công khai trước sự bất lực của các cổ đông nhỏ lẻ.

Tìm điểm cân bằng

Thực tế, các cổ đông, khi rót vốn vào doanh nghiệp thông qua việc mua và nắm giữ cổ phiếu, cũng kỳ vọng doanh nghiệp có một đội ngũ nhân sự tốt, gia tăng sức cạnh tranh và từ đó tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chi phí ESOP phải đúng với bản chất của nó và được coi như một dạng chi phí ảnh hưởng tới lợi ích cổ đông.

Theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam, giá trị ESOP không được ghi nhận là chi phí doanh nghiệp.

Điều này đồng nghĩa với lợi ích của cô đông bị suy giảm nhưng không được ghi nhận. Đây cũng là điểm mấu chốt khiến cổ đông cảm thấy mình bị thiệt hại bởi các chương trình ESOP.

Để giải quyết tình trạng này, theo công ty kiểm toán KPMG, các nền kinh tế phát triển như Mỹ và EU, phương pháp phổ biến là doanh nghiệp sẽ thành lập quỹ ESOP.

Quỹ ESOP được hình thành từ việc công ty dùng tiền của mình để mua lại cổ phiếu trên thị trường theo thị giá.

Sau khi mua lại, quỹ ESOP sẽ thực hiện quản lý và phân bổ cổ phiếu cho các nhân viên đủ điều kiện trong suốt giai đoạn hưởng quyền.

Nhân viên sẽ nhận được cổ phiếu hay tiền bán cổ phiếu lại cho công ty theo giá thị trường sau giai đoạn hạn chế chuyển nhượng được quy định trong chương trình phát hành.

Theo quy tắc này, câu chuyện ESOP thưởng cho nhân viên được gói gọn lại bên trong hoạt động doanh nghiệp chứ không còn liên quan tới thị trường chứng khoán.

Nếu nhìn từ góc độ cổ đông, sẽ không có hiện tượng pha loãng cổ phiếu do doanh nghiệp không phát hành thêm.

Mặt khác, việc công ty mua vào cổ phiếu sẽ làm giảm lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường, từ đó tạo động lực đẩy giá cổ phiếu.

Trong trường hợp này, thông tin ESOP có thể là tin tích cực để “kéo giá” cổ phiếu chứ không phải thông tin tiêu cực cho nhà đầu tư như hiện nay.

Nếu nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, khoản đóng góp vào quỹ này sẽ được khấu trừ thuế ở một mức xác định, từ đó tiết kiệm được chi phí thuế.

Mặc dù vậy, hiện tại ở Việt Nam chưa áp dụng phương thức phát hành thông qua quỹ ESOP như đã đề cập trên.

Về mặt hạch toán chi phí, để phản ánh hết được bản chất của ESOP thì cần phải tuân theo Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). Khi đó, ESOP sẽ được ghi nhận vào chi phí của doanh nghiệp.

Khi đó, quyền chọn mua cổ phiếu của nhân viên sẽ được đo lường theo giá trị hợp lý của công cụ vốn được cam kết vì thực tế không thể ước tính một cách đáng tin cậy giá trị hợp lý của dịch vụ nhân viên cung cấp cho công ty.

Khi đó, cổ đông và nhà đầu tư sẽ có góc nhìn khách quan hơn, chân thực hơn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và đó là xu hướng tất yếu trong tương lai khi Việt Nam áp dụng theo IFRS.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ai-tra-tien-cho-doanh-nghiep-giu-chan-nhan-tai-d39027.html
Zalo