Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận một số dự thảo luật

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ đối với dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ số 19 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Thọ và Bình Dương.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng; đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định của pháp luật có liên quan; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên. Việc sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu, tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Góp ý kiến cụ thể đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng. việc quy định ngành nghề có tổng đầu tư từ 30 nghìn tỷ đồng trở lên và giải ngân ít nhất 10 nghìn tỷ đồng trong 3 năm đầu mới được ưu đãi thuế thì sẽ có rất ít dự án đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi vì lượng đầu tư quy định được hưởng ưu đãi thuế là quá cao; thực tiễn cho thấy nếu quy định mức vốn được hưởng ưu đãi thuế cao như vậy chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy sẽ làm lợi cho doanh nghiệp nước ngoài là chính, còn doanh nghiệp trong nước không được hưởng lợi, dẫn đến việc muốn làm cho doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh lại khó khăn hơn. Do vậy trong dự thảo Luật nên hạ mức vốn được hưởng ưu đãi đầu tư thấp hơn. Chẳng hạn như ở mức 10 nghìn tỷ đồng và giải ngân khoảng 1/3 trong 3 năm đầu đối với ngành nghề đầu tư. Về nội dung ngành nghề đầu tư, Ban soạn thảo Luật nên xem xét đưa lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm vào được hưởng ưu đãi đầu tư theo điều 12 dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung thêm quy định nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết, định hướng hành vi sản xuất, tiêu dùng đối với sản phẩm này, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng cần bổ sung quy định đối với các loại nước giải khát không theo tiêu chuẩn Việt Nam mà cũng có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Về việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo lộ trình, Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí phương án 2 của chính phủ đưa ra. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị dự thảo Luật có bổ sung định nghĩa “thuốc lá” nhưng chưa phù hợp với định nghĩa về “thuốc lá” trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Tin: Văn Trọng
Ảnh: PV

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202411/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-nam-dinh-tham-gia-thao-luan-mot-so-du-thao-luat-f5658c6/
Zalo