Thương hiệu bền vững không còn là câu chuyện của 'nhà giàu'

Theo lãnh đạo Vietnam Brand Purpose, doanh nghiệp Việt đang quan tâm nhưng vẫn còn loay hoay về xây dựng thương hiệu bền vững.

Ngày 22-11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Vietnam Brand Purpose (tổ chức tiên phong Tư vấn chiến lược Xây dựng Thương hiệu Quốc Gia Việt Nam và các thương hiệu Made-in-Vietnam) phối hợp tổ chức diễn đàn “Thương hiệu dẫn dắt bền vững”. Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước, hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp (DN) tham dự.

Thương hiệu bền vững dẫn dắt thay đổi thói quen người tiêu dùng

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết, một trong những trọng tâm xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam là câu chuyện phát triển bền vững, tạo bệ phóng giúp các DN vững vàng ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Bên cạnh các chính sách của nhà nước, chiến lược quản trị DN về bền vững thì thương hiệu dẫn dắt bền vững đóng một vai trò quan trọng.

Với xu hướng tương lai phát triển bền vững, sức mạnh của thương hiệu có thể tạo ra tác động mãnh liệt hơn khi thương hiệu có thể dẫn dắt thay đổi hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.

Theo ông Hòa, vừa qua, UBND TP.HCM phân công HUBA chủ trì phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM xây dựng “Đề án xây dựng một số DN lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”. Kết quả của nhiệm vụ còn là cơ sở thực tiễn để áp dụng triển khai đến các DN lớn, DN vừa có tiềm năng nhằm phấn đấu xây dựng thương hiệu DN mang tầm quốc gia và toàn cầu của TP.HCM.

Bà Trần Tuệ Tri, Đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose cho biết, thương hiệu có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng. DN Việt đang quan tâm nhưng vẫn còn loay hoay về xây dựng thương hiệu bền vững. Tuy nhiên, đầu tiên DN tạo ra giá trị cốt lõi, sản phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Yếu tố bền vững không chỉ về môi trường, xã hội mà chính người lao động của DN đó.

Chỉ khi có sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng thì trọng tâm chiến lược phát triển bền vững mới được hiện thực hóa

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA

Theo số liệu Kantar, những thương hiệu có thông điệp bền vững là những thương hiệu đạt kết quả kinh doanh tốt hơn chứ bền vững không phải là yếu tố thứ yếu. Do đó, DN xác định thương hiệu bền vững là cốt lõi của xây dựng thương hiệu. Đây là điều quan trọng DN Việt nắm bắt có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM phát biểu tại diễn đàn

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM phát biểu tại diễn đàn

Bà Trần Phương Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Thiên Long cho biết, xây dựng thương hiệu dẫn dắt bền vững là câu chuyện dài. Đối với DN mới, DN nhỏ và vừa sẽ là thách thức bởi để đầu tư phát triển bền vững cần có nguồn lực tài chính vững mạnh.

“Phát triển bền vững” thường được mặc định là câu chuyện của người giàu nhưng thực sự không phải vậy. Tuy nhiên, quan trọng là tư duy của người lãnh đạo muốn làm điều tốt cho xã hội, bắt đầu từ Tâm, đây mới là giá trị bền vững.

Theo bà Nga, cách đây hơn 10 năm Thiên Long đã sản xuất các sản phẩm như tấm bảng đen, bút bi, các tấm pallet dùng trong nhà máy... từ nhựa tái chế. Tuy nhiên, để có được các sản phẩm xanh công ty "trả giá", khi nhiều lần cho ra sản phẩm không đúng như mong đợi, sản phẩm không đẹp trong khi tốn nhiều chi phí đầu tư.

“Làm thế nào tiết giảm chi phí, làm sao cho sản phẩm đẹp hơn, thông điệp ra thị trường thế nào để người tiêu dùng biết được đây là sản phẩm xanh. Chưa kể học sinh thích sản phẩm đẹp, phụ huynh muốn mua sản phẩm giá tiền phù hợp, chất lượng an toàn và điểm bán muốn bán sản phẩm giá rẻ... đây là bài toán khó giải” – bà Nga nói.

Theo bà Nga, tại thị trường nội địa thương hiệu bút bi Thiên Long trải qua ba thế hệ và mỗi giai đoạn với khó khăn thử thách khác nhau.

"Gần đây tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ đổ bộ vào Việt Nam nhiều, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) khiến chúng tôi chật vật trong cuộc cạnh tranh này. Bên cạnh đối mặt với sức mua thị trường giảm, cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc. Hàng hóa của chúng tôi bị làm giả ngày càng nhiều cũng là thách thức rất lớn", bà Nga chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, ông Lý Huy Sáng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1 cho biết, để xây dựng DN dẫn dắt bền vững đầu tiên DN phải có chủ ý tốt, quan tâm tới cộng đồng, lấy người tiêu dùng làm trọng tâm thì khách hàng mới ủng hộ. Nếu được khách hàng tin tưởng ủng hộ DN mới phát triển bền vững, trường tồn.

Ông Sáng chia sẻ, thông thường khi tham gia các tour du lịch, khách hàng sẽ được phát nón, chai nước uống như vậy sẽ tạo nên lượng rác thải nhựa ra môi trường lớn. Vì vậy, công ty cho ra đời bình/ly sứ trên đó thiết kế danh lam thắng cảnh các vùng miền. Du khách đi tour du lịch vùng nào sẽ được tặng bình nước uống có danh lam thắng cảnh vùng đó. Sau chuyến du lịch, du khách có thể giữ làm kỷ niệm và tiếp tục sử dụng. Qua đó, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn quảng bá văn hóa người Việt đến với thế giới.

“Ý tưởng này có gần 10 năm qua nhưng đến nay mới trở thành hiện thực. Do vấn đề sở hữu trí tuệ là thách thức của DN” - ông Sáng nói.

Theo ông Sáng, hàng ngàn sản phẩm của Minh Long đều có bản quyền nhưng khảo sát thị trường, nhất là phía Bắc hay làng Bát Tràng hàng nhái rất nhiều.

“Thậm chí khi tôi đến làng Bát Tràng người bán còn mời mua và giới thiệu đây là hàng Minh Long. Đặc biệt, tượng ba cô gái Bắc Trung Nam thể hiện văn hóa Việt Nam, quà tặng lưu niệm rất ý nghĩa cho khách du lịch là ý tưởng của Minh Long, có đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, 10 năm qua tượng ba cô gái ba miền từ chất liệu đá, nhựa, thạch cao, gỗ... bày bán đầy thị trường” - ông Sáng kể.

Người tiêu dùng "nói một đường quyết định một nẻo"

Ông Phil Worthington, Giám đốc Khách hàng Cấp cao MetrixLab cho biết, có 75% khách hàng Việt Nam cho rằng khá quen thuộc với khái niệm bền vững. 81% cho rằng nỗ lực hướng đến sự bền vững của thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của họ.

Phần lớn bền vững được gắn với các mối quan tâm về môi trường, sau đó là xã hội, tiếp theo là kinh tế. Người tiêu dùng lớn tuổi, đặc biệt với thu nhập cao, có mức độ sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững, 82% chấp nhận trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững.

Theo ông Phil Worthington, người tiêu dùng có hiểu biết và tiếp nhận tốt về các vấn đề bền vững, thậm chí sẵn sàng trả nhiều hơn cho các thương hiệu thực hiện tốt điều này. Nhưng hãy lưu ý khoảng cách giữa “Giá trị - Hành động” khi chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.

Vì vậy, các thương hiệu cần nhớ điều này và hiểu được bối cảnh của các yếu tố mua hàng khác thúc đẩy quyết định mua sắm. DN đừng chỉ nói “chúng tôi bền vững” trong khi người tiêu dùng cần một lý do để mua.

Cùng nhìn nhận trên, ông Lý Huy Sáng cho rằng, khoảng cách giữa hành vi và quyết định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng đó chính là giá cả. Do đó, nhà sản xuất luôn suy nghĩ làm sao tạo sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường, nhưng phải có giá thành phù hợp.

Diễn đàn với 13 bài tham luận, ba phiên thảo luận song song và hai tọa đàm xoay quanh nội dung: Vì sao tầm quan trọng của việc lấy người tiêu dùng làm trọng tâm trong thương hiệu dẫn dắt bền vững; Cách thức vận hành, đưa thương hiệu dẫn dắt bền vững lấy người tiêu dùng làm trọng tâm vào hành động; Ai là người dẫn dắt tạo thay đổi; Hành động cấp bách, hành động đúng và hành động ngay....

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuong-hieu-ben-vung-khong-con-la-cau-chuyen-cua-nha-giau-post821232.html
Zalo