Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Cần thời gian để thay đổi hành vi

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thảo luận về dự án Luật Tiêu thụ đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý việc đưa các sản phẩm rượu, bia vào danh sách chịu thuế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng nên lùi thời gian chịu thuế để doanh nghiệp thích nghi và người dân thay đổi hành vi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: Có thời gian để doanh nghiệp, người dân thích nghi, thay đổi hành vi

Mục tiêu trước hết của thuế tiêu thụ đặc biệt là thay đổi hành vi người tiêu dùng; để người dân giảm bớt tiêu dùng những sản phẩm có tính độc hại cho sức khỏe hoặc ảnh hưởng đến môi trường, không phải để thu ngân sách. Tuy nhiên, khi đưa ra giải pháp tăng thuế, cần phải đánh giá khả năng đáp ứng hai mục tiêu: Có chuyển đổi hành vi tiêu dùng hay không và tác động đến thu ngân sách như thế nào?

Hiện, biện pháp xử phạt tại Nghị định 100 đã khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi rõ ràng; còn mức thuế đánh vào bia tác động ra sao thì vẫn chưa rõ. Cũng cần chú ý việc tăng giá của bất kỳ mặt hàng tiêu dùng nào trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống đều có ảnh hưởng lập tức đến tăng trưởng kinh tế và điều này cần phải xem xét kỹ. Với thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, tôi kiến nghị cần cân nhắc lộ trình tăng thuế và cách thức đánh thuế như nào cho hiệu quả.

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ban hành vào năm 2025, nhưng thời gian áp dụng nên lùi lại 1 năm so với Dự thảo để người tiêu dùng có thời gian thay đổi hành vi. Trong thời gian lùi, Nhà nước tích cực truyền thông đến người tiêu dùng để thay đổi hành vi.

Đại biểu Âu Thị Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Đại biểu Âu Thị Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Đại biểu Âu Thị Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Đề xuất lựa chọn phương án 1

Dự thảo Luật đã đưa ra hai phương án thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, theo đó lộ trình tăng thuế là 5% từ năm 2026 đến năm 2030.

Tôi đề nghị lựa chọn phương án 1 và lùi thời gian bắt đầu lộ trình tăng thuế từ năm 2027 là phù hợp với thực tiễn.

Tình hình kinh doanh của các donah nghiệp rượu, bia trong và ngoài nước hiện đang khá khó khăn. Nhu cầu tiêu thụ cũng giảm mạnh do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu; bên cạnh đó lại có áp lực về thuế, phí như: Thuế nhập khẩu, phí tái chế đóng góp vào Quỹ bảo vệ môi trường, chi phí mua tem thuế…

Áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao có thể dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước. Doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm khiến các doanh nghiệp rượu, bia cắt giảm kinh doanh, dừng hoạt động các nhà máy, giảm nguồn đóng góp vào ngân sách cho địa phương.

Chưa kể việc tăng thuế suất quá cao sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm rượu, bia trái phép nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, có giả rẻ hơn do không bị đánh thuế, cũng dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội): Cần xem xét ảnh hưởng đến việc làm của người lao động

Đối với mặt hàng rượu, bia, tôi nhất trí về việc tăng thuế suất để hạn chế tình trạng lạm dụng sử dụng, gây tác hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội. Quy định này cũng sẽ làm giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân do tác hại của rượu bia gây ra, giữ an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, xét về nhiều mặt thì khi tăng thuế xuất đối với mặt hàng nào đó chúng ta cần cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp. Nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp làm sụt giảm sản lượng đột ngột dẫn đến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi được vốn.

Việc giảm sản lượng quá nhanh tác động tiêu cực đến công ăn, việc làm của người lao động, số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia chưa kịp để chuyển đổi nghề nghiệp.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Nên giãn đến năm 2027 mới áp dụng

Tôi đề xuất ủng hộ phương án 1, nhưng chỉ nên đánh thuế từ sau năm 2026. Bởi trong 3-4 năm vừa qua và tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi nếu áp thuế này ngay trước năm 2026 thì không hợp lý.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng ngay thì doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất bia sẽ chưa kịp xây dựng lộ trình phù hợp để thích ứng trong bối cảnh đã khó khăn sẵn. Do đó, sẽ dễ dẫn đến việc doanh nghiệp suy thoái dần dần.

Vì vậy, nên giãn việc áp dụng thuế này đến ít nhất là từ năm 2027.

Tạ Nguyên/báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ap-dung-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-can-thoi-gian-de-thay-doi-hanh-vi-20241122175936259.htm
Zalo