Chỉ 10% người tiêu dùng thực hiện tuyên bố của họ về hành vi môi trường

Có 72% người tiêu dùng Việt được khảo sát nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường, nhưng chỉ khoảng 10% trong số họ thực hiện những gì đã tuyên bố.

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn "Thương hiệu dẫn dắt bền vững" lần đầu tiên tại TPHCM do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và Vietnam Brand Purpose tổ chức vào 22-11.

Ông Phil Worthington thông tin kết quả khảo sát về sự quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững của người tiêu dùng Việt. Ảnh: L.H

Ông Phil Worthington thông tin kết quả khảo sát về sự quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững của người tiêu dùng Việt. Ảnh: L.H

Tại sự kiện, ông Phil Worthington, Giám đốc khách hàng cao cấp tại MetrixLab, đơn vị tổ chức khảo sát về hành vi tiêu dùng bền vững, chia sẻ kết quả phản ánh người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Cụ thể có khoảng 75% người tham gia khảo sát cho biết họ hiểu biết về tính bền vững, và 81% khẳng định rằng yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của họ khi chọn mua sản phẩm.

Khi được hỏi về ý nghĩa của tính bền vững, hầu hết những người được khảo sát liên tưởng tới các vấn đề môi trường như bảo vệ tài nguyên, phát triển bền vững với thiên nhiên.

Khảo sát cũng chỉ ra các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, và rác thải nhựa là những mối lo hàng đầu của người tiêu dùng. Cụ thể, 65% số người được hỏi bày tỏ quan ngại về các vấn đề liên quan đến môi trường, cao gấp đôi so với các vấn đề liên quan đến xã hội (37%) và kinh tế (dưới 30%).

Đáng chú ý, theo ông Worthington, có 72% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát nói sẵn sàng trả thêm ít nhất 10% giá trị sản phẩm cho các sản phẩm bền vững, và 20% trong số này còn sẵn sàng chi trả cao hơn 20%.

Dù vậy, ông Phil Worthington lưu ý rằng đang có khoảng cách giữa giá trị và hành động. Cụ thể, chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.

Ông Worthington cho rằng, người tiêu dùng cần một lý do để mua hàng và các doanh nghiệp phải hiểu những yếu tố thúc đẩy quyết định khác ngoài thông tin rằng "chúng tôi bền vững".

Phân tích cụ thể, ông Roberto Sosa Jerez, chuyên gia tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp, Tập đoàn Thales (Pháp), chỉ ra người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quá trình sản phẩm, dịch vụ được tạo ra như thế nào, chứ không dừng lại ở chất lượng, giá cả…

Do đó, doanh nghiệp muốn thay đổi tư duy tiêu dùng của khách hàng thì phải đổi mới sáng tạo để thiết kế nên một chu kỳ tiêu dùng khép kín và dễ dàng ứng dụng trong đời sống và kể về câu chuyện phía sau quy trình sản xuất sản phẩm.

Theo ông, có khoảng cách giữa nói và làm nên vai trò của thương hiệu là không chỉ quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, mà là truyền tải triết lý, văn hóa doanh nghiệp; câu chuyện sản xuất kinh doanh và nỗ lực của người lao động phía sau sản phẩm, dịch vụ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa, cho rằng với xu hướng "phát triển bền vững", sức mạnh của thương hiệu có thể tạo ra tác động mãnh liệt hơn, dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.

Còn bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose, chia sẻ ước mơ một ngày nào đó Việt Nam có thương hiệu toàn cầu vào TOP 500 thế giới. Để làm được điều này thì doanh nghiệp phải định vị và đưa thương hiệu ra toàn cầu.

Đồng thời, doanh nghiệp phải tập trung vào hành vi của người tiêu dùng và thay đổi hành vi này theo hướng bền vững. Thông qua sáng tạo, truyền thông, thương hiệu có vai trò trách nhiệm, giáo dục, hướng dẫn người tiêu dùng theo hướng bền vững. Ngày nay, thành tựu về công nghệ của các thương hiệu lớn đã làm thay đổi rất nhiều thói quen của người tiêu dùng.

Lê Hoàng

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/chi-10-nguoi-tieu-dung-thuc-hien-tuyen-bo-cua-ho-ve-hanh-vi-moi-truong/
Zalo