Đoàn đại biểu báo chí về nguồn tại chiến khu Rừng Sác nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước

Ngày 24/4, Đoàn đại biểu các cơ quan báo chí Trung ương và TP Hồ Chí Minh tổ chức về nguồn tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), với nhiều hoạt động đến thăm, tri ân, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ.

Tham gia đoàn còn có đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa và Thể thao; Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh; đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, cơ quan quản lý báo chí;...

Cùng tham gia Đoàn dâng hương tại bia tưởng niệm đặc công Rừng Sác - có đoàn các cơ quan báo chí và Đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 6, Bộ Tư lệnh Đặc Công - Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hồng Phúc.

Cùng tham gia Đoàn dâng hương tại bia tưởng niệm đặc công Rừng Sác - có đoàn các cơ quan báo chí và Đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 6, Bộ Tư lệnh Đặc Công - Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hồng Phúc.

Đây là hoạt động thiết thực của các cơ quan báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 56 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2025) và tiến tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Phóng viên báo chí phỏng vấn các nhân chứng lịch sử tại Chiến khu Rừng Sác. (Thiếu tá Ngô Đức Thịnh đứng hàng đầu, bên phải). Ảnh: Hồng Phúc.

Phóng viên báo chí phỏng vấn các nhân chứng lịch sử tại Chiến khu Rừng Sác. (Thiếu tá Ngô Đức Thịnh đứng hàng đầu, bên phải). Ảnh: Hồng Phúc.

Bồi hồi xúc động trong hành trình về nguồn, Thiếu tá Ngô Đức Thịnh, cựu chiến binh Tiểu đoàn 6 - Bộ Tư lệnh Đặc công xúc động: "Tiểu đoàn 6 vào từ năm 1971 và tiến từ mũi Xuân Lộc vào giải phòng hoàn toàn miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Gặp lại nhau sau hơn 50 năm, người mất, người còn, nhưng những anh em chúng tôi vẫn bồi hồi nhớ về những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống ở mặt trận miền Nam".

Nhà báo Vương Lê (báo Nhân Dân) đã không giấu được niềm xúc động, tự hào, cho biết: Tôi đã trở lại Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác nhiều lần, nhưng mỗi lần đều là một cảm xúc khó tả. "Thế hệ chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập, càng phải học tập, rèn luyện để xứng đáng với những hy sinh xương máu của thế hệ Cha Anh".

Gửi gắm cảm xúc của mình, nhà báo Vũ Trọng Thịnh (báo Tiền Phong) cho biết: Khi biết tin Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh tổ chức đoàn về nguồn, tôi đã báo cáo cơ quan báo, để đăng ký tác nghiệp. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, những cán bộ, chiến sĩ đặc công đã góp phần rất quan trọng để giúp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện nay, Khu di tích Rừng Sác là địa điểm di tích đầy quý giá để chúng ta giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Nhà báo Hữu Duyên, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: Khi được “mục sở thị” những hình ảnh, hiện vật, nghe các cán bộ khu đi tích thuyết minh về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa, chúng tôi cảm nhận và hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ của bộ đội đặc công. Theo Nhà báo Hữu Duyên, Khu di tích có 915 liệt sĩ đã hy sinh và đến nay vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Thân xác các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất. Đó là điều thế hệ chúng ta được hưởng hòa bình, luôn nhắc nhớ, khắc ghi.

Nhà báo Hữu Duyên phỏng vấn Thiếu tá Đồng Quảng Toan, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh trong chuyến về nguồn. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhà báo Hữu Duyên phỏng vấn Thiếu tá Đồng Quảng Toan, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh trong chuyến về nguồn. Ảnh: Hồng Phúc.

Điều đặc biệt, ngay tại Chiến khu Rừng Sác cách đây hơn 50 năm, các phóng viên "chiến sĩ trên mặt trận thông tin" của báo Giải Phóng, nay là báo Đại Đoàn Kết từ các vùng bưng biền miền Nam đã cùng với các đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước và tiếp tục ở lại tiếp quản Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong những năm sau giải phóng.

Đoàn xem phim tư liệu và nghệ thuyết minh về lịch sử chiến sĩ đặc công Rừng Sác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Hồng Phúc.

Đoàn xem phim tư liệu và nghệ thuyết minh về lịch sử chiến sĩ đặc công Rừng Sác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Hồng Phúc.

Bên cạnh đó, hoạt động về nguồn còn là dịp để tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí TP Hồ Chí Minh và cơ quan báo chí trung ương đóng chân trên địa bàn thành phố.

Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đã đến tham quan Chiến khu Rừng Sác; nghe thuyết minh về quá trình sống, chiến đấu của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác và người dân Cần Giờ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; dâng hương tại Tượng đài chiến sĩ đặc công Rừng Sác.

Đoàn cũng tham quan mô hình tái hiện doanh trại, hầm trú ẩn, nhà bếp dã chiến; khu vực tượng sáp tái hiện chiến sĩ đặc công và các trận đánh tiêu biểu.

Đoàn các cơ quan báo chí chụp hình lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác. Ảnh: Hồng Phúc.

Đoàn các cơ quan báo chí chụp hình lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác. Ảnh: Hồng Phúc.

Dịp này, Đoàn đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại Chiến khu Rừng Xác. Tại nơi dâng hương, đoàn dành phút mặc niệm để tưởng nhớ, với sự xúc động, tự hào sâu sắc....

Ngoài về nguồn tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ), dịp này TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức về nguồn cho các cơ quan báo chí, truyền thông về nguồn tại huyện Củ Chi, với chủ đề "Củ Chi - Đất thép thành đồng/Địa đạo trong lòng đất" và "Từ Mậu Thân đến mùa xuân đại thắng" (khu vực nội thành).

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doan-dai-bieu-bao-chi-ve-nguon-tai-chien-khu-rung-sac-nhan-dip-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-10304428.html
Zalo