Dìu dặt tiếng sáo bản Mông ngày xuân
Sáo Mông là một loại nhạc cụ truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Mông. Trong không khí rộn ràng của ngày Tết, âm thanh vang vọng khắp núi rừng của sáo Mông không thể thiếu, trở thành biểu tượng của niềm vui và khát vọng hạnh phúc trên vùng núi cao Tây Bắc.
Sáo Mông thường được làm từ các vật liệu tự nhiên như trúc, nứa – những chất liệu dễ kiếm ở vùng rừng núi, với thiết kế nhỏ gọn nhưng tạo ra âm thanh vang vọng và ấm áp. Ông Thào Chứ Trịa, ở xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vừa là nghệ nhân, vừa là người chế tác sáo cho biết: Sáo có hai loại chính, là sáo dọc và sáo ngang. Sáo dọc khi thổi có âm lượng cao hơn, còn sáo ngang thì lại có âm trầm và thấp.
![Những cây sáo và khèn Mông đã hoàn chỉnh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_65_51415165/090de504dd4a34146d5b.jpg)
Những cây sáo và khèn Mông đã hoàn chỉnh
Cây sáo có 2 bộ phận chính, đó là miệng thổi và thân sáo. Miệng thổi được gắn thêm một cái lưỡi gà được làm bằng miếng đồng có độ đàn hồi tốt để tạo âm cơ bản. Bên trên được gắn nắp miệng thổi vừa để người chơi đặt môi vào thổi vừa để bảo vệ lưỡi gà. Nhưng có một số cây sáo nắp miệng đực chết bằng tre trúc. Thứ 2 là thân sáo, phần này đóng vai trò là hộp cộng hưởng của cây sáo, được làm từ trúc, nứa và được khoét 6 lỗ bấm hoặc 8 lỗ 1 lỗ định âm. Cây sáo có độ dài trung bình 20cm và đường kính khoảng 0,7cm. Tùy theo cách chế tác của từng nghệ nhân mà tiếng sáo có âm vực và độ vang khác nhau.
Để làm được cây sáo ưng ý, phải chọn những cây trúc, nứa hơi già nhưng không quá cỗi, âm chắc, đanh, không sâu bệnh hay mối mọt. Sau đó cắt mang về phơi nắng, hong bếp khô.
![Ngoài thổi ở các phiên chợ, lễ Tết, Sáo Mông còn là tiết mục rất đặc sắc tham gia các hội diễn văn nghệ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_65_51415165/3c6dd364eb2a02745b3b.jpg)
Ngoài thổi ở các phiên chợ, lễ Tết, Sáo Mông còn là tiết mục rất đặc sắc tham gia các hội diễn văn nghệ
Ông Thào Chứ Trịa nói: "Tuy cây sáo đơn giản, nhỏ gọn nhưng rất kỳ công nên đòi hỏi người nghệ nhân phải có kỹ thuật khoét lỗ, đặc biệt là việc chế tác lá đồng tạo âm thanh của cây sáo cho âm thanh ưng ý nhất. Sau khi lắp xong lá đồng vào cây sáo, khoét lỗ xong, nếu tiếng chưa tròn, âm vực không ngọt, giọng sáo không đều thì cây sáo vẫn chưa được coi là đạt".
Thổi sáo Mông cũng phải đúng cách thì giai điệu của sáo mới hay. Phải dùng cả hai tay cầm vào thân sáo, tay phải dùng ngón út bấm vào nút dưới cùng, 3 ngón còn lại bấm vào các lỗ tiếp theo, ngón cái để phía dưới cây sáo. Tiếp theo tay trái: ngón út để dư, 3 ngón còn lại bấm vào các lỗ còn lại phía trên, còn ngón cái bấm vào nốt cuối cùng. Khi thổi thì bấm kín hết tất cả các nốt, miệng ngậm vào lưỡi gà và thổi, thở rất nhẹ để phát ra tiếng sáo…
Trong dịp Tết, những thanh niên người Mông thường mang sáo ra thổi giữa những phiên chợ xuân, trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, hay trong lễ hội truyền thống. Âm điệu của sáo Mông mang đến sự mộc mạc, sâu lắng, thể hiện tình cảm của con người với núi rừng, quê hương và cộng đồng, nó như lời mời gọi mọi người hòa mình vào niềm vui ngày đầu năm. Tiếng sáo bay bổng, du dương còn là cầu nối tình yêu đôi lứa, thường được các chàng trai dùng để bày tỏ tình cảm với người mình thương mỗi khi nhớ nhung hoặc xa cách, như một đoạn lời và tiếng sáo của ông Thào Chứ Trịa.
![Sáo Mông hòa tấu cùng các nhạc cụ khác tạo nên những bản nhạc, bài hát đầy trữ tình, đi vào lòng người](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_65_51415165/c81c2b15135bfa05a34a.jpg)
Sáo Mông hòa tấu cùng các nhạc cụ khác tạo nên những bản nhạc, bài hát đầy trữ tình, đi vào lòng người
Ngày Tết là dịp để người Mông sum họp gia đình, bạn bè, và cộng đồng. Tiếng sáo vang lên không chỉ để giải trí mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ông Lầu Xó Lồng, nghệ nhân ở bản Pá Sáng, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nói: "Sáo thường được mang theo người như một người bạn đường, bạn trong lao động, đặc biệt là trong những ngày lễ tết để mời gọi bạn bè, anh em họ hàng gần xa cùng chung vui, giao lưu. Đồng thời, đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc chinh phục trái tim các cô gái. Tiếng sáo say đắm gọi người yêu và thổ lộ tâm tình cùng nàng trong những đêm trăng sáng trên các triền núi cao".
Người Mông quan niệm “con trai không biết thổi sáo, khó lấy vợ”. Có lẽ vì vậy mà hầu hết các chàng trai Mông đều biết thổi sáo. Và từ đời này sang đời khác, đồng bào Mông luôn trân trọng và gìn giữ sáo Mông. Những nghệ nhân am hiểu về sáo Mông như ông Thào Chứ Trịa đã và đang miệt mài truyền dạy cách làm và thổi sáo cho con cháu để sáo Mông không bị mai một. Ngày xuân, tiếng sáo trầm bổng, dìu dặt cất lên là lời mời gọi du khách gần xa đến các bản làng của đồng bào Mông trải nghiệm niềm vui và khát vọng hạnh phúc, vươn lên của đồng bào.