Khởi đầu của mùa xuân

Mùa xuân đang đón chờ chúng ta ở những kế hoạch và dự định của mỗi người nhưng dù ở lối đi nào cũng cần tạo ra những câu chuyện đẹp, mở ra tương lai khiến lòng ta náo nức. Đó là khởi đầu, là cách để chúng ta làm mới mình trước mùa xuân...

Mùa xuân này, nếu phải nói về một điều gì khiến bản thân thấy hối tiếc thì đó là việc tôi chưa được bước lên “chuyến tàu xuân” trong đêm Giao thừa. Từ ga Hà Nội, tàu SE1 mang theo 113 hành khách xuất phát lúc 22h10 ngày 28/1/2025 (tức 29 tháng Chạp). Ở chiều ngược lại, tàu SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 19h30, đón 330 hành khách bắt đầu hành trình tuyệt vời ấy. Còn gì thú vị hơn bằng cách đón Giao thừa như thế, còn gì hạnh phúc hơn khi bạn được du xuân theo chiều dài đất nước để tận hưởng vẻ đẹp thanh bình và phồn thịnh...

Thật ra, sự nuối tiếc của tôi không xuất phát từ sự thiếu may mắn mà là một biểu hiện của sự náo nức và vỡ òa cảm xúc. Đường xuân muôn nẻo, biết bao niềm vui chờ đón chúng ta có một khởi đầu cho năm mới. Dù biết trước những kết tinh của ngày hôm nay là thành quả từ nỗ lực của hôm qua nhưng không khỏi bất ngờ. Sự lựa chọn đúng đắn sẽ tạo ra thành công, thành quả phản ánh qua chất lượng cuộc sống, thể hiện khát vọng nâng tầm cuộc sống trên nhiều phương diện.

Khởi đầu cho mùa xuân mới.

Khởi đầu cho mùa xuân mới.

Từ ngàn năm trước, tổ tiên ta đã tạo ra bản sắc văn hóa đặc sắc mà Tết Việt là một minh chứng rõ nét. Nếu phải nhắc đến một tour trải nghiệm thú vị, được số lượng người dân hưởng ứng một cách tự giác, nồng nhiệt thì đó là Tết, sức hút của Tết chính từ hồn vía của bản sắc, từ chính đôi tay chúng ta tạo nên. Nhưng, đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta yêu Tết đến vậy?

Nếu có dịp thảnh thơi ngồi đọc lại những thi phẩm “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ, “Chiều xuân” của Anh Thơ và đặc biệt là những câu thơ đặc sắc của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính, bạn sẽ cảm nhận được mùa xuân đúng nghĩa “là cả một mùa xanh” như thế nào. Chiếc bánh chưng, cái thắt lưng xanh của cô thôn nữ duyên dáng, câu đối Tết..., tất cả cũng bắt đầu từ mảnh ruộng mà người nông dân chân lội bùn “cấy trong gió bấc”, từ nương dâu chờ tay hái để tằm nhả tơ, từ tiếng chày sớm mai giã dó...

Tết đủ đầy, sang quý có được là từ giọt mồ hôi thấm vào bùn nâu. Người dân Việt bao đời vui với những gì mà bàn tay mình làm ra. Tết đáng yêu vì điều đó. Mùa xuân vừa là món quà bất ngờ kì diệu của thiên nhiên nhưng cũng là kết tinh thành quả của con người. Hay, nói cách khác, Tết cũng là “hàn thử biểu” đo đếm đời sống tinh thần.

Không gian rực rỡ trên chuyến tàu du xuân.

Không gian rực rỡ trên chuyến tàu du xuân.

Nhiều năm qua, người viết lặng lẽ quan sát những thay đổi trong quan niệm về Tết của người Việt từ những gì đơn giản nhất. Điều quan trọng ở đây không phải là việc phân tích, lý giải nguyên nhân nên giữ Tết (âm lịch) hay theo Tết dương lịch mà thông qua sự chuyển động này sẽ nói lên sự nhận thức về cuộc sống một cách tích cực hơn.

Nếu lên Google và search từ khóa “Tết là để về nhà”, bạn sẽ nhận được khoảng hơn 180 triệu kết quả tương tự chỉ trong khoảng 0,22 giây. Đó là một ý thức đầy thao thiết với mỗi chúng ta và hàm nghĩa của cụm từ này cần được hiểu rộng hơn. Nếu các nhà kinh doanh đón đợi những cơ hội bứt tốc của nền kinh tế, các nhà khoa học có thể mong chờ ở sự bùng nổ của năng lượng hạt nhân, kỷ nguyên lượng tử hay sự tiến hóa của robot hình người... thì những người làm văn hóa, coi trọng văn hóa đón đợi những kết tinh từ sự chuyển biến tinh thần đó.

Còn nhớ, GK Chesterton từng nói: “Mục tiêu của năm mới không phải là chúng ta cần có một năm mới. Cái chính là ta phải có một tâm hồn mới”. Phải chăng, “tâm hồn mới” mà tiểu thuyết gia người Anh nhắc đến chính là cảm quan, là tâm thế, là cảm hứng và khát vọng trước mùa xuân của mỗi người?

Một ngày đầu xuân, người viết tình cờ đọc được bài báo với nhan đề “Yêu, tin và hy vọng ở năm 2025” của nhà báo Hoàng Anh Tú trên Báo Dân trí và nhận ra những điều tâm đắc như thế này: Thật ra những từ khóa trong đoạn văn này không mới nhưng ai cũng muốn biết liệu trong bối cảnh hôm nay nó sẽ được nhận thức như thế nào? Tác giả viết: “Niềm tin có hy vọng nên niềm tin càng vững chắc hơn. Khi ta trao lòng tin của mình cho một người chẳng phải là ta cũng đã nhận về một hy vọng đó sao? Hy vọng vào việc lòng tin này đặt đúng chỗ, đến người xứng đáng. Việc họ bất tín với chúng ta không khiến ta mất đi hy vọng đâu. Bởi, tôi vẫn luôn tin rằng người ta chỉ trở nên tốt đẹp khi người ta còn trao cho nhau những hy vọng cùng lòng tin”.

Ngẫm ra, giữa những chuyến xe trở về quê hương và những chuyến du xuân đón Tết ở mọi miền đất mới những tưởng là khác biệt cũ-mới trong cách sống của mỗi người nhưng suy cho cùng đều có một điểm chung: Chúng ta đang hy vọng ở mùa xuân. Sự vận hành của đất trời chính là một tiền đề cho niềm tin của con người ở những đổi thay của đất nước. Đi để học hỏi, trở về để tìm lại những giá trị truyền thống. Đất nước đang vào xuân, đất nước cũng đang mới mẻ từ những thay đổi lớn lao, tư duy mới, dám từ bỏ những bất cập cũ kĩ để mới mẻ, gọn ghẽ hơn, tiến bộ hơn.

Một đoạn suối bảo tồn cá được nhiều đoàn khách đến tham quan. Ảnh Bé Vinh

Một đoạn suối bảo tồn cá được nhiều đoàn khách đến tham quan. Ảnh Bé Vinh

Mùa xuân, đương nhiên không thể thiếu những câu chuyện mang hơi thở mùa màng và ước nguyện xanh. Ngoài kia, tháng Giêng đang chờ đón chúng ta với những lễ hội chùa Hương, Yên Tử, đền Gióng, hội hoa Vị Khê, hội Xoan... và biết bao lễ hội nức tiếng ở khắp mọi miền đất nước. Nhưng, nếu có dịp ghé qua xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), bạn sẽ cảm nhận được một cách nghĩ mới từ "ngày hội bắt cá mát". Ngày hội mới mẻ này là sự đồng lòng của nhân dân và chính quyền để cùng bảo vệ môi trường sống, đem lại sức sống cho quê hương mình.

Được biết, cuối năm 2022, HĐND xã Diên Lãm đã thông qua đề án "Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá mát Nặm Cướm". Chỉ cần nghe một câu nói của người dân với cán bộ khiến chúng ta ấm lòng: “chúng tôi sẽ giám sát hộ, tất cả vì lợi ích chung". Sau 3 năm thực hiện: “Nhiều loài khác như chạch suối, láu, còm... sinh sôi nảy nở rất tốt. Nếu 3-4 năm trước, thả lưới xuống suối cả buổi chỉ bắt được vài con, giờ đứng trên cầu hoặc bờ suối, chỉ cần rải ít cám gạo, hàng nghìn con bơi về, quẫy nước tí tách” (theo: Đức Hùng - Báo Dân trí). Lợi ích chung mà người dân trân trọng chính là con đường mở ra những lợi ích vô giá cho miền quê này từ môi trường sống, giáo dục ý thức và tinh thần đoàn kết...

Tương tự như ở xã Diên Lãm, chương trình "Quyên góp quất cảnh - Phủ xanh vườn dạo" do Quận đoàn Sơn Trà (TP Đà Nẵng) phát động cũng khiến nhiều người quan tâm. Cụ thể, những cây quất từ các hộ gia đình thay vì bị bỏ đi sau Tết một cách lãng phí sẽ được chăm sóc và trồng tại các khu vườn dạo công cộng, tạo ra không gian xanh cho thành phố.

Có thể, đây chưa phải một việc làm có sức ảnh hưởng lớn như trồng rừng, phủ xanh đồi trọc nhưng khiến chúng ta nhận ra một cách nghĩ khác: Tết đến không chỉ tạo sự gấp gáp, lãng phí tiền của và sau đó là sự ô nhiễm môi trường, tạo nên gánh nặng cho các công ty môi trường mà bước đầu có những dấu hiệu hình thành một vòng tuần hoàn được khởi phát từ mùa xuân: Cây cảnh có chỗ đứng và hạn chế xả thải. Điều đó có nghĩa là bạn có thể hướng đến những mục tiêu xa hơn, bền vững, để cùng có được niềm vui lớn thay vì những mục tiêu trước mắt.

Mùa xuân đang đón chờ chúng ta ở những kế hoạch và dự định của mỗi người nhưng dù ở lối đi nào cũng cần tạo ra những câu chuyện đẹp, mở ra tương lai khiến lòng ta náo nức. Đó là khởi đầu, là cách để chúng ta làm mới mình trước mùa xuân...

Thu Trang

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khoi-dau-cua-mua-xuan-i758336/
Zalo