Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian kết tinh giá trị văn hóa và tinh thần gắn kết cộng đồng. Tại các địa phương trong tỉnh, nhiều trò chơi truyền thống được bảo tồn và khôi phục trong các lễ hội, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Phần thi địch hỏa tại Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Phần thi địch hỏa tại Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Đa dạng tích trò

Trò chơi dân gian trong lễ hội ở Nam Định đa dạng với nhiều loại hình khác nhau. Trước hết, có những trò chơi gắn liền với sự tích các nhân vật được tôn thờ, cũng như lịch sử hình thành và phát triển quê hương, tiêu biểu như diễn tích trò, đi kheo, thổi cơm thi. Bên cạnh đó, một số trò chơi dân gian mang tính chất lễ nghi ở làng nghề, điển hình là các cuộc thi chế tác sản phẩm, làm khuôn đúc, hiến xảo, dâng đồ khéo. Ngoài ra, còn có các trò chơi rèn luyện sức khỏe, giải trí như chơi đu, chọi gà, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, bơi chải. Đặc biệt, nhiều lễ hội còn tổ chức các cuộc thi đấu trí như tổ tôm, tam cúc, cờ người hoặc các trò thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc như đấu vật, biểu diễn võ thuật cổ truyền. Tại các lễ hội lớn như Lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng và Lễ hội Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (thành phố Nam Định) phần hội luôn có sự tham gia biểu diễn võ thuật của các em võ sinh thể hiện niềm tự hào, góp phần tái hiện giai đoạn rực rỡ về võ công, văn trị của triều đại nhà Trần. Tại lễ hội Đình Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên), vật cầu bùn trở thành tâm điểm thu hút đông đảo người dân. Anh Nguyễn Hữu Thưởng, người dân làng Tống Xá cho biết: “Xuất phát từ việc rèn luyện thể lực và chiến thuật của binh sĩ thời xưa, trò chơi này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên để giành quyền kiểm soát quả cầu bùn và đưa về phía đội mình. Qua trò chơi giúp người dân hiểu hơn về tinh thần đoàn kết, khéo léo và ý chí chiến đấu của cha ông ta”. Ở hội cướp trái tại đền Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh) tái hiện cảnh luyện binh của danh tướng Đỗ Công Hạo thời Lê sơ, với hai đội tranh giành quả trái, tượng trưng cho tinh thần quyết tâm bảo vệ quê hương. Hàng năm, người dân địa phương đều háo hức chờ đợi hội cướp trái, xem đây là dịp để ôn lại truyền thống và giáo dục con cháu về tinh thần thượng võ.

Bên cạnh đó, các cuộc thi văn hóa ẩm thực và lễ hội truyền thống tại nhiều vùng quê trong tỉnh vẫn được duy trì, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tiêu biểu là hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) diễn ra từ 12 đến 15 tháng Giêng với trò thổi cơm thi và làm cỗ chay dâng thánh thần, tổ tiên. Tại các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản) có các hội chọn lợn, gà, cá, tạo nên nét độc đáo riêng biệt. Lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được tổ chức 3 năm một lần vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, kéo dài từ mùng 9 đến 11/3 âm lịch, nổi bật với nhiều môn nghệ thuật dân gian như múa rồng, múa sư tử, múa lân, chơi đu do thanh, thiếu niên địa phương biểu diễn. Trước ngày hội, các cụ cao niên tuyển chọn trai tráng khỏe mạnh để chế tác rồng mây, làm đu, đảm bảo truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tại Lễ hội làng nghề Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên), diễn ra vào ngày 6 và 7/3 âm lịch các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, dân làng tổ chức tục kéo lửa khai hội để tưởng nhớ ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng. Những trai tráng khỏe mạnh được chọn tham gia nghi thức kéo lửa, tái hiện cảnh quân lính xưa vừa đi, vừa kéo lửa thổi xôi. Hoạt cảnh này giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử và công lao của tổ nghề.

Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Bên cạnh giá trị giải trí, trò chơi dân gian còn là phương tiện hữu hiệu để giáo dục truyền thống, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Thông qua những trò chơi này, các em nhỏ có cơ hội tiếp xúc với những câu chuyện lịch sử, học hỏi về phong tục tập quán và hiểu rõ hơn về tinh thần cộng đồng. Tại Bảo tàng Nam Định, các chương trình giáo dục ngoại khóa kết hợp với trò chơi dân gian đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn học sinh mỗi năm. Đồng chí Hoàng Văn Cương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Những năm qua, thực hiện Đề án tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh, nhiều trường ở các cấp học đã đăng ký chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có hoạt động tổ chức các trò chơi dân gian, trải nghiệm thực tế cách làm các đạo cụ, sản phẩm như đèn ông sao, trống bỏi cùng các nghệ nhân... Hiện nay, danh mục trò chơi dân gian của Bảo tàng tỉnh rất đa dạng, được chia theo từng cấp học, từng lứa tuổi, đối tượng để các cơ sở giáo dục lựa chọn. Mỗi trò chơi dân gian đều được cán bộ Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, sưu tầm cẩn thận về lịch sử, ý nghĩa của từng tích trò để thuyết minh cho người chơi. Tham gia các trò chơi dân gian giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung kiến thức lịch sử, văn hóa, hỗ trợ các bài học trên sách vở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thành phố Nam Định) là một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các buổi học ngoại khóa. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Những buổi tham quan kết hợp trò chơi dân gian tại bảo tàng giúp học sinh hứng thú hơn với lịch sử, thay vì chỉ học qua sách vở. Các em không chỉ nghe kể về các sự kiện mà còn trực tiếp trải nghiệm những trò chơi mang tính biểu tượng của nền văn hóa dân tộc".

Không chỉ dừng lại ở môi trường học đường, hàng năm nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Trong dịp Quốc khánh 2/9, Ngày hội văn hóa - thể thao ở các huyện như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường… thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia tranh tài ở các môn thể thao, các loại hình văn nghệ truyền thống, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: đi kheo, múa sư tử, trống hội, kéo co, bơi chải…

Để các trò chơi dân gian lưu giữ đầy đủ giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội, những năm qua, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan trong lễ hội… Bên cạnh đó, Sở VH, TT và DL tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lễ hội theo quy định pháp luật. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức lễ hội; phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội theo đúng quy định. Qua đó, các trò chơi dân gian trong các lễ hội ở tỉnh ta được tổ chức nền nếp, góp phần giáo dục và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, thực sự là sân chơi lành mạnh gắn kết cộng đồng.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/lan-toa-gia-trivan-hoa-truyen-thong-qua-tro-choi-dan-gian-4c1619d/
Zalo