Lễ hội Đền Kỳ Sầm

Tối 6/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng), xã Vĩnh Quang (Thành phố) tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Kỳ Sầm. Tham dự có các đồng chí: Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy; Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ; lãnh đạo các sở, ban, ngành và Thành phố.

Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Thành phố thắp hương tại Đền Kỳ Sầm.

Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Thành phố thắp hương tại Đền Kỳ Sầm.

Đền Kỳ Sầm được xây dựng từ thời nhà Lý, thờ nhân vật lịch sử, danh tướng Nùng Trí Cao (1025 - 1053), dân tộc Tày, người đã có công đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước dưới triều vua Lý Thái Tông. Nùng Trí Cao là con của thủ lĩnh Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng. Vốn thông minh, lại được về kinh đô Thăng Long theo học, Nùng Trí Cao trở thành người có tài thao lược. Ông đã có một thời oanh liệt, đánh tan giặc Tống xâm lược, được vua phong Thái Bảo, được lưu danh trong lịch sử, là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Sau khi mất, ông được Vua Lý phong là Khâu Sầm Đại Vương. Đền được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993.

Tiết mục múa rồng đặc sắc tại lễ hội.

Tiết mục múa rồng đặc sắc tại lễ hội.

Lễ hội đền Kỳ Sầm được tổ chức từ tối mùng 9 và kéo dài đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, gồm 2 phần: phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ được thực hiện vào đêm mùng 9 với các nghi thức truyền thống như dâng hương, tế lễ được tiến hành trang trọng và tôn nghiêm.

Là năm kỷ niệm 1.000 năm ngày sinh Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao, Lễ hội Đền Kỳ Sầm năm nay được tổ chức với nhiều chương trình nghệ thuật chào xuân ấn tượng, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc miền Non nước Cao Bằng.

Ngay từ sớm, đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã nô nức về trẩy hội, không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân cũng như để hiểu hơn về những nét truyền thống văn hóa của dân tộc, tín ngưỡng văn hóa dân gian của địa phương.

Phần hội diễn ra trong ngày 7/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), bên cạnh việc thực hiện các trò chơi dân gian truyền thống như tung còn, đu tre, lày cỏ, cờ tướng, bịt mắt đập bóng,... lễ hội còn có thêm các không gian hát then, chế tác đàn tính, viết thư pháp, trưng bày sản vật địa phương,… đem lại không khí sôi nổi, náo nhiệt cho lễ hội.

Thùy Linh - Nha Nguyễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/le-hoi-den-ky-sam-3175340.html
Zalo