Điều kiện song hành

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm học thêm được xem là bước tiến trong quản lý giáo dục, đã chính thức có hiệu lực được 1 tuần.

Một tuần qua các con đường đi học ngoài giờ chính khóa đã trở nên vắng vẻ hơn, “khoảng lặng” trong dạy thêm học thêm đã được thiết lập. Thế nhưng, đằng sau “khoảng lặng” ấy lại đang có sự âm thầm với những câu chuyện biến tướng, lách luật được nhiều người đề cập.

Trở lại thời điểm trước ngày thông tư có hiệu lực, nhiều người đã phán đoán sẽ có giáo viên không được phép dạy học sinh của mình như quy định của thông tư, có thể sẽ đổi chéo lớp với đồng nghiệp. Các trung tâm dạy thêm sẽ mọc lên nhiều hơn với cái đích cuối cùng đầy biến hóa là giáo viên đứng lớp vẫn có thể dạy được học sinh của mình bên ngoài nhà trường. Và dường như ở một số nơi sự đoán định của dư luận đang bắt đầu diễn ra, vừa lặng lẽ vừa thần tốc. Trên nhiều nhóm học sinh học thêm đã bắn tin “chuẩn bị đi học trở lại, có thể chỉ cuối tháng này”.

Chúng ta đã có một quy định, nhưng rồi vẫn chưa hết lo lắng.

Nhiều người cho rằng quy định dù vượt trội nhưng vẫn chỉ là phục vụ giải quyết “phần ngọn”. Việc dạy thêm, học thêm là kết quả tất yếu khi mà học sinh không thể lĩnh hội hết kiến thức trên lớp, giáo viên không thể sống đủ bằng lương, và phụ huynh luôn lo lắng con mình thua kém bạn bè. Vậy nên, nhiều phụ huynh kiến nghị ở tầm vĩ mô cơ quan quản lý giáo dục hãy giảm tải chương trình, chỉ nên tập trung vào kiến thức nền tảng. Ở các trường học, ban giám hiệu phải có biện pháp để giáo viên dạy sâu hơn trên lớp thay cho việc giữ kiến thức đem về nhà.

Và quan trọng nữa, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục nghiên cứu để thúc đẩy nhanh hơn lộ trình cải cách tiền lương. Để lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng như kết luận của Bộ Chính trị.

Trước Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã từng có những quy định cấm dạy thêm, học thêm ở một số nhóm đối tượng và địa phương, nhưng rốt cuộc quy định cũng chỉ tồn tại trên giấy. Vì bởi, khi đồng lương chưa đủ để trang trải thì việc dạy thêm không còn là một lựa chọn nữa, mà trở thành điều bắt buộc với rất nhiều giáo viên, họ sẽ tìm cách để thoát ra khỏi sự kiểm tỏa của quy định.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT sau khi ban hành, có hiệu lực, được dư luận đánh giá là bước tiến trong quản lý giáo dục. Tuy nhiên, để thông tư đi vào cuộc sống thì cần phải có thêm những điều kiện song hành. Vậy nên, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của thông tư, cả xã hội phải tập trung để giải quyết được những tồn tại của ngành giáo dục, và chỉ khi những bất cập của cả giáo viên và học sinh được thay đổi theo chiều hướng tích cực, vấn đề dạy thêm học thêm mới được giải quyết một cách căn cơ gốc rễ. Nhược bằng không, thông tư dù có chặt chẽ đến đâu cũng chỉ là một “manh áo hẹp” so với cơ thể cao lớn, trước sau gì thì những tật nguyền bên trong cũng sẽ hiện hình trở lại.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dieu-kien-song-hanh-240274.htm
Zalo