Điều ám ảnh khiến vị hoàng đế Trung Hoa sát hại hàng vạn người, thái tử cũng không thoát

Thời Hán Vũ Đế, hàng vạn người lâm vào cảnh 'máu chảy đầu rơi' vì hoàng đế bị ám ảnh bởi cổ trùng - loại trùng độc được luyện kỳ công, tương truyền có khả năng giúp chủ nhân ăn nên làm ra, thậm chí sát hại kẻ thù.

Những vụ án ly kì, bí ẩn bậc nhất xảy ra thời phong kiến Trung Quốc không những hại chết hàng trăm, hàng vạn người mà còn làm nghiêng đổ cả triều đại.

Hán Vũ Đế, hoàng đế thứ 7 của nhà Hán (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hoàng đế tài giỏi nhưng mê tín

Hán Vũ Đế (156 TCN – 87 TCN), tên thật Lưu Triệt, là hoàng đế thứ 7 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Hán Vũ Đế được đánh giá là hoàng đế tài ba và quyền lực. Dưới thời trị vì của ông, Con đường Tơ lụa được mở mang, buôn bán Đông – Tây thông suốt, Hung Nô bị đánh bại, lãnh thổ nhà Hán mở rộng về phía bắc.

Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, Hán Vũ Đế oanh liệt một thời lại trở nên… sợ chết và mê tín.

Tư trị thông giám (bộ chính sử Trung Quốc) chép, Hán Vũ Đế gả một công chúa cho Dịch Đại (một đạo sĩ giang hồ), phong hắn làm tướng quân và giao cho 10 vạn cân vàng để đi tìm thuốc trường sinh. Dịch Đại tìm mãi không thấy thuốc trường sinh, bị Hán Vũ Đế ra lệnh xử trảm.

Theo Sohu, Hán Vũ Đế đã lần lượt xử tử 5 thuật sĩ giang hồ vì tội khi quân (nói dối vua) khi rêu rao rằng có thể tìm được thuốc trường sinh. Mãi đến năm 89 TCN, Hán Vũ Đế mới thừa nhận rằng trên đời không có thuốc trường sinh và ngừng việc tìm kiếm.

Vì giao du nhiều với đám thuật sĩ lừa gạt, Hán Vũ Đế ngày càng trở nên mê tín, lo sợ một kẻ nào đó có thể ám hại ông bằng tà thuật.

Tư trị thông giám chép: “Thời Hán Vũ Đế, bọn phương sĩ và thầy đồng tu tập rất đông ở kinh thành, đa phần đều dùng ‘vu thuật’ mê hoặc chúng sinh. Bọn nữ đồng cốt lai vãng trong cung, dạy các cung nữ, phu nhân cách cầu cúng. Mỗi gian phòng đều đặt một hình nhân gỗ để cúng bái. Nhân đó mỗi khi tranh cãi, đám cung nữ lại thi nhau bới móc, tố giác đối phương nguyền rủa nhà vua. Hán Vũ Đế tức giận, giết ở hậu cung rồi giết đến các quan đại thần, chết tới hàng trăm người. Hán Vũ từ đó ngủ thường gặp ác mộng, hốt hoảng hay quên”.

Những sự kiện này xảy ra vào khoảng năm 91 TCN, khi Hán Vũ Đế đã cao tuổi.

Hán Vũ Đế rất ghét những kẻ dùng vu thuật (ảnh minh họa)

Vu thuật hại người

Theo Sohu, người dân tộc Miêu ở Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, từ xưa đã nổi tiếng với thuật luyện cổ trùng (côn trùng, động vật có độc), gọi là thuật vu cổ. Đây là một nhánh của vu thuật (thuật phù thủy).

Người ta đồn rằng cổ trùng luyện ra rất lợi hại, chỉ một con sâu nhỏ cũng có thể khiến đối thủ trúng độc, phát điên, thậm chí mất mạng.

Trong cuốn “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân – thầy thuốc nổi tiếng thời nhà Minh – viết: Lấy một trăm con sâu bọ thả vào bình, một năm sau mở ra ắt sẽ có con ăn hết tất cả các con khác, nó gọi là “cổ”. Người ta gọi thuật này là “nuôi cổ”.

Ngoài vu cổ, vu thuật còn một nhánh khác cũng khá phổ biến là thuật hình nhân.

Dân gian đồn rằng, để thi triển thuật này, phù thủy cần chuẩn bị một con rối (bằng gỗ, vải hoặc rơm), bên trên ghi tên, ngày giờ sinh của người bị hại. Hàng ngày, phù thủy đem con rối ra đâm kim và đọc những lời nguyền rủa. Sức khỏe của người bị hại vì vậy ngày càng suy kiệt, thậm chí mất mạng.

Theo Sina, các triều đại phong kiến Trung Quốc đều cho rằng việc nuôi cổ trùng, dùng vu thuật là trọng tội và quy định hình phạt cực kỳ nặng nề.

Theo Đường luật (thời Đường), kẻ nuôi cổ trùng đều bị xử giảo (treo cổ).

Phần hình luật trong “Đại Thanh luật lệ” (thời Thanh) chép, kẻ nuôi, kẻ giấu, kẻ dùng vật độc, trùng độc đều bị xử chém.

Theo Tư trị thông giám, thời Hán Vũ Đế, kẻ nuôi, giấu cổ trùng, dùng tà thuật hại người đều bị xử chém ngang lưng. Tuy nhiên, những thảm án cổ trùng kinh hoàng nhất lịch sử Trung Quốc lại liên tiếp xảy ra vào thời điểm này.

Trần A Kiều, hoàng hậu bị trừng trị vì tội dùng vu cổ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hoàng hậu dùng “vu cổ”

Tư trị thông giám chép, năm 141 TCN, Hán Vũ Đế lên ngôi, phong Trần thị (Trần A Kiều) làm hoàng hậu. Ban đầu, tình cảm phu thê giữa hai người rất tốt đẹp.

2 năm sau, Hán Vũ Đế say mê sắc đẹp của Vệ Tử Phu, cho đón nàng vào cung làm phu nhân (thời Hán gọi quý phi là phu nhân), vô cùng sủng ái. Trần A Kiều không có con, lại bị đối xử lạnh nhạt. Bà căm ghét cả Hán Vũ Đế và Vệ Tử Phu.

Năm 130 TCN, có người tố giác Trần A Kiều cùng người đồng cốt (phù thủy) tên Sở Phục dùng vu cổ mê hoặc hoàng đế, nguyền rủa Vệ Tử Phu. Hán Vũ Đế ra lệnh điều tra, quả nhiên việc có thực.

Tư trị thông giám chép, Trần hoàng hậu bị giam vào lãnh cung cho tới chết. Sở Phục và 300 người khác bị xử tử. Vệ Tử Phu được phong làm hoàng hậu.

Theo Sohu, mối quan hệ giữa Trần hoàng hậu và Sở Phục đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Vạn lịch dã loại biên (truyện đọc thời Minh) viết, Trần hoàng hậu và Sở Phục có mối quan hệ đồng tính nữ, gọi là “đối thực”.

Tuy nhiên, các bộ chính sử thời Hán như Hán thư, Sử ký (của Tư Mã Thiên) không miêu tả rõ chi tiết này, chỉ chép chung chung rằng Trần hoàng hậu và Sở Phục làm chuyện “mị đạo” (quan hệ xấu).

Thái tử Lưu Cứ không được sủng ái, bị gian thần tìm cách hãm hại (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Thái tử số khổ

Sử ký chép, năm 128 TCN, thái tử Lưu Cứ chào đời. Lúc này, Hán Vũ Đến đã 29 tuổi mới có người con trai đầu tiên, cộng với việc Lưu Cứ là con của mỹ nhân Vệ Tử Phu nên vô yêu quý. Tuy nhiên, Lưu Cứ càng lớn lại càng thể hiện tính nết trái ngược với Hán Vũ Đế.

Lưu Cứ tính hình ôn hòa, thương dân nhưng ít thủ đoạn trị quốc, khác hẳn với người cha tài giỏi, quyền lực. Lưu Cứ chủ trương nhân nghĩa, thường khuyên Hán Vũ Đế bớt gây chiến với các nước lân bang. Vua Hán vì vậy không mấy hài lòng.

Năm 106 TCN, đại tướng quân Vệ Thanh (danh tướng 7 lần đại thắng Hung Nô, là em trai của Vệ Tử Phu, cậu thái tử Lưu Cứ) mắc bệnh qua đời. Lưu Cứ mất hẳn chỗ dựa bên ngoại.

Cùng khoảng thời gian này, Hán Vũ Đế cũng có thêm nhiều con trai khác như Lưu Hoành, Lưu Đán, Lưu Tư, Lưu Bác, Lưu Phất Lăng do các phu nhân khác sinh ra. Vệ Tử Phu cũng không còn được sủng ái như trước.

Năm 95 TCN, Triệu phu nhân mang thai 14 tháng mới sinh ra Phất Lăng, Hán Vũ Đế vui mừng, nói với quần thần: “Ta nghe nói vua Nghiêu khi xưa 14 tháng mới sinh. Nay Phất Lăng cũng như thế”.

Tư trị thông giám chép: “Đám gian thần dò xét tâm ý, biết rằng chúa thượng yêu đứa trẻ đó (Phất Lăng) khác thường, muốn cho nối ngôi, nên cố hết sức tìm cách gây hại cho thái tử. Rút cục tạo ra cái họa ‘vu cổ’ sau này. Đáng thương thay!”.

Thảm án vu cổ liên tiếp xảy ra (tranh minh họa)

Vu cổ - vu oan

Hán thư chép, năm 96 TCN, có viên quan nhỏ tên Công Tôn Ngao, vì vợ dùng vu cổ bị phát giác nên bị tội, phải chém ngang lưng. Hán Vũ Đế rất ghét kẻ nào dùng vu cổ.

Tư trị thông giám chép, phu nhân của quan thừa tướng Công Tôn Hạ là Quân Nhụ, chị gái của Vệ Tử Phu. Thái tử Lưu Cứ phải gọi Hạ là bác.

Năm 92 TCN, Công Tôn Kính Thanh, con trai Công Tôn Hạ, ỷ thế cha làm thừa tướng, không coi ai ra gì. Kính Thanh tham nhũng quân lương, bị bắt vào ngục.

Đúng lúc này, nạn đạo tặc nổi lên, Hán Vũ Đế ra lệnh lùng bắt tên cầm đầu là Chu An Thế rất gấp. Công Tôn Hạ xin lập công cứu con trai, ra sức bắt tên Chu An Thế về quy án. Hán Vũ Đế chấp thuận.

Chu An Thế bị bắt, cười lớn: “Thừa tướng sắp gặp họa đến cả tông tộc rồi”.

Từ trong ngục, Chu An Thế dâng thư tố cáo: “Tên Kính Thanh cùng công chúa tư thông. Hắn còn sai kẻ đồng cốt chôn giấu hình nhân, niệm chú nguyền rủa nhà vua, lời lẽ độc địa xấu xa”.

Mùa xuân năm 91 TCN, Hán Vũ Đế tra xét, cha con Công Tôn Hạ đều chết trong ngục. Cả họ bị chém. Một số công chúa (con gái của Hán Vũ Đế) có dính líu trong vụ án cũng bị xử chết.

Theo Sohu, những vụ án vu cổ trong lịch sử Trung Quốc đa phần là do vu oan, các đối thủ chính trị tìm cách triệt hạ lẫn nhau. Trong vụ án của Công Tôn Hạ, rất có thể Chu An Thế đã sai “đàn em” chôn giấu hình nhân, bùa chú để hãm hại thừa tướng. Nhưng Hán Vũ Đế quá u mê, thà giết lầm người tốt còn hơn bỏ sót…vu cổ.

Dùng chiêu bài “vu cổ”, Giang Sung muốn hại chết thái tử (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vu cổ hại chết thái tử

Tư trị thông giám chép, tháng 7 năm 91 TCN, Hán Vũ Đế ốm nặng.

Giang Sung, thủ lĩnh Trực chỉ sứ giả (lực lượng được ví như cảnh sát mật thời Hán Vũ Đế), tâu rằng, nhà vua mắc bệnh là do có kẻ dùng “vu cổ”. Hán Vũ Đế ra lệnh cho Giang Sung tra xét án “vu cổ”.

“Sung thống lĩnh trực chỉ sứ giả đào đất tìm hình nhân, bắt trùng độc, bắt những kẻ cúng bái ban đêm. Những kẻ tự xưng có thể nhìn thấy ma quỷ cũng bị bắt hết. Bọn Sung nung đỏ kìm sắt, ép người ta nhận tội. Dân chúng sợ hãi, vu cáo người này người kia dùng ‘vu cổ’. Từ kinh thành đến các vùng phụ cận, người mắc tội chết đến mấy vạn”, Tư trị thông giám chép.

Theo Hán thư, Giang Sung vốn có mâu thuẫn với thái tử Lưu Cứ từ lâu. Nhân cơ hội này, hắn cũng tìm cách nhổ “cái gai trong mắt”.

“Sung trước tiên tìm từ hậu cung của các phu nhân ít được sủng ái, sau đến cung của hoàng hậu và thái tử, đào bới tứ tung, đến nỗi thái tử và hoàng hậu không còn chỗ mà kê giường. Sung rao lên rằng:

Ở trong cung của thái tử tìm được rất nhiều người gỗ, lại có tấm lụa trắng, bên trên viết những lời lẽ vô đạo, phải tấu lên”, Hán thư chép.

Sự kiện này như “giọt nước tràn ly”, buộc thái tử Lưu Cứ phải tạo phản, theo Sohu.

Tháng 7 năm 91 TCN, Lưu Cứ muốn đến cung Cam Tuyền gặp Hán Vũ Đế để thanh minh, nhưng Giang Sung ra lệnh bắt thái tử rất gấp. Lưu Cứ quẫn bách, đem quân bắt Giang Sung và chiếm giữ các vị trí trọng yếu ở kinh đô Trường An.

Theo Tư trị thông giám, Giang Sung bị Lưu Cứ tự tay chém chết.

Hán Vũ Đế ra lệnh trấn áp kẻ làm phản.

Hán thư chép, Lưu Cứ ít quân, ra lệnh không tướng nào nghe, phải đến 4 chợ trong thành Trường An, “bắt dân chúng 4 chợ cả thảy được mấy vạn người, ép phải vũ trang”.

Quân của Lưu Cứ giao chiến với quân của Hán Vũ Đế 5 ngày “chết đến mấy vạn người, máu chảy đầy ngòi rãnh”. Dân chúng đều nói “thái tử làm phản” vì vậy binh bại như núi đổ.

Sau cùng, Lưu Cứ bỏ chạy khỏi thành Trường An. Hoàng hậu Vệ Tử Phu cũng vì sự kiện này mà tự vẫn.

Tư trị thông giám chép, Lưu Cứ dẫn 2 con trai chạy đến huyện Hồ, ẩn náu trong làng Tuyền Cưu. Nhà chủ nhân (người che giấu Lưu Cứ) rất nghèo, phải bán dép cỏ để nuôi thái tử.

Ở huyện Hồ, Lưu cứ quen biết một người giàu có, xin nhờ giúp đỡ. Ai ngờ kẻ này dẫn quan sai đến bắt thái tử. Lưu Cứ uất hận tự vẫn trong nhà, 2 con trai cũng chết trong cuộc ẩu đả.

Con trai, cháu trai chết, Hán Vũ Đế ân hận (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hối hận muộn màng

Thái tử Lưu Cứ đã chết, nhưng vụ án vu cổ khiến hàng vạn người đổ máu vẫn chưa khép lại, theo Sohu.

Năm 90 TCN, Hán Vũ Đế tra lại án vu cổ, phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy thái tử quả thực bị oan. Hán Vũ Đế hối hận, sai chém cả 3 họ nhà Giang Sung.

Theo Tư trị thông giám, những kẻ khi trước bêu xấu thái tử bị Hán Vũ Đế ra lệnh thiêu chết hoặc diệt tộc. Những kẻ có công vây bắt thái tử cũng bị bức ép phải tự sát hoặc bị chém cả họ.

Vì những thứ “mơ mơ hồ hồ” như vu cổ, vu thuật, máu lần nữa lại nhuộm đỏ một góc thành Trường An. Sử sách Trung Quốc gọi sự kiện này là “vu cổ chi họa”.

_____________

Một "gã điên" thình lình xuất hiện, xông thẳng vào phủ thái tử đánh giết. Hoàng thượng lên ngôi chưa đầy 30 ngày, vì uống thuốc bổ mà chết. Những chuyện như vậy đã xảy ra trong một triều đại Trung Hoa. Mời quý độc giả tìm hiểu về sự kiện này trong bài kỳ sau, xuất bản vào 19h tối 6/1/2025.

Vương Nam – tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dieu-am-anh-khien-vi-hoang-de-trung-hoa-sat-hai-hang-van-nguoi-thai-tu-cung-khong-thoat-20425050117510686.htm
Zalo