OCOP nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ xã Bàn Thạch

Năm 2023, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện, mở ra hướng phát triển bền vững, nhất là góp phần giữ gìn nghề truyền thống.

Chị Thị Mỹ Diên Hạnh (bên phải) trao đổi với người dân về sản phẩm đan đát.

Chị Thị Mỹ Diên Hạnh (bên phải) trao đổi với người dân về sản phẩm đan đát.

Chị Thị Mỹ Diên Hạnh - Hộ kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch luôn trăn trở về việc giữ gìn và phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhất là sản phẩm đan đát truyền thống của địa phương.

Chị Hạnh cho biết: “Tôi muốn giữ gìn và phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với nghề đan đát truyền thống ở địa phương nên tôi cùng người dân cải tiến mẫu mã, thiết kế nhãn mác, nâng chất lượng sản phẩm. Nhờ sự nỗ lực đó, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023”.

Bà Thị Vẹn (70 tuổi), ngụ ấp Tà Yểm, xã Bàn Thạch chia sẻ: “Tôi đan đát hơn 50 năm nay. Ban đầu, tôi chỉ đan những sản phẩm đơn giản dùng trong gia đình. Sau khi tham gia lớp học nghề do xã tổ chức, tôi biết thêm nhiều mẫu mới, đan nhanh hơn và có thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tôi vui lắm”.

Người dân xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) tăng thu nhập từ nghề đan đát.

Người dân xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) tăng thu nhập từ nghề đan đát.

Bà Vẹn là 1 trong 43 người dân xã Bàn Thạch làm nghề đan đát, biến tre, trúc thành những vật dụng hữu ích trong đời sống hàng ngày. Hiện người dân tận dụng thời gian nhàn rỗi để đan đát rổ, thúng, xà nia-nông, xề, nôm trang trí… có giá bán từ 30.000 - 70.000 đồng/sản phẩm, giúp người dân có thêm thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thúy, người tiêu dùng tại TP. Rạch Giá, chia sẻ: "Tôi thích xài rổ và đồ trang trí trong nhà đan đát từ tre, trúc. Những sản phẩm này vừa bền, đẹp, thân thiện với môi trường vừa tạo cảm giác ấm áp, gợi nhớ quê nhà”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Trần Hoàng Trọng cho biết: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ xã Bàn Thạch đạt chuẩn OCOP 3 sao không chỉ góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm truyền thống mà còn mở ra cơ hội lớn cho địa phương trong việc phát triển kinh tế, từ đó góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện sản phẩm được kết nối tiêu thụ tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên OCOP Kiên Giang giúp mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người dân.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở xã Bàn Thạch có từ lâu đời, từng phát triển mạnh vào những năm 1976 -1979. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ sản phẩm nhựa trong những năm 1990 đã khiến các sản phẩm truyền thống gặp khó khăn, mai một dần.

Năm 2022, sản phẩm cái thúng là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đoạt giải ba toàn quốc tại hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Năm 2023, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của xã chính thức được chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc đưa nghề đan đát lên một tầm cao mới.

Hộ kinh doanh Thị Mỹ Diên Hạnh (bìa phải) nhận giải thưởng tại hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

THỦ CÔNG MỸ NGHỆ

Sản xuất tại Giồng Riềng - Kiên Giang

Hộ Kinh doanh Thị Mỹ Diên Hạnh

Địa chỉ: ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng)

Số điện thoại: 0857.930522

Bài và ảnh: BÍCH THÙY

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/ocop-nang-tam-san-pham-thu-cong-my-nghe-xa-ban-thach-23839.html
Zalo