Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Thị trường đã có tuần rung lắc và các cổ phiếu được khuyến nghị cũng phân hóa nhẹ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* MBS khuyến nghị khả quan TPB, BSC khuyến nghị nắm giữ MBB và mua NAB

* MBS khuyến nghị khả quan TPB, BSC khuyến nghị nắm giữ MBB và mua NAB

MBS duy trì khuyến nghị khả quan và nâng giá mục tiêu của TPB thêm 5,1% so với dự báo trước đó, nhờ vào 1) điều chỉnh tăng EPS năm 2025/2026 lần lượt 4,4%/4,8% so với dự báo trước và 2) chuyển định giá sang năm 2025. Hiện TPB đang giao dịch ở 1.0x P/B năm 2025, thấp hơn 30% so với mức trung bình 3 năm (1.25x). Chúng tôi tin rằng TPB vẫn là lựa chọn hợp lý với động lực tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm trong giai đoạn 2025-2026, cùng với chất lượng tài sản ở mức tốt nhất trong hai năm qua.

Trong khi đó, xét định giá lịch sử, MBB đang giao dịch tại P/B = 1.3x và tiệm cận mức trung bình quá khứ sau khi giá cổ phiếu đã tăng khoảng hơn 7% trong 3 tháng qua. Dựa trên giá mục tiêu gần nhất (sau điều chỉnh cổ tức cổ phiếu) là 26.300 đồng/CP, BSC hiện khuyến nghị nắm giữ với MBB và đang xem xét cập nhật lại dự báo.

Đồng thời, BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NAB và giữ nguyên giá mục tiêu 21.300 đồng/CP, tương đương upside 24% (theo giá tham chiếu ngày 07/02/2025), với P/B mục tiêu là 1.2x, mức hợp lý so với trung bình ngành và các đối thủ có cùng quy mô.

Sau những tuần liên tiếp duy trì diễn biến khởi sắc dù chưa bứt tốc mạnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có dấu hiệu yếu hơn trong tuần vừa qua, khi có những phiên rung lắc và điều chỉnh. Trong đó, cổ phiếu TPB đã đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu TPB tăng nhẹ 350 đồng (+2,1%) từ mức 16.550 đồng/CP lên 16.900 đồng/CP. Tuy nhiên, TPB đã có tuần giao dịch sôi động, đặc biệt là phiên bùng nổ ngày 11/2 với thanh khoản lên tới hơn 42,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu MBB đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu MBB tăng nhẹ 100 đồng (+0,44%) từ mức 22.750 đồng/CP lên 22.850 đồng/CP.

Còn cổ phiếu NAB đã đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu NAB cũng tăng nhẹ 150 đồng (+0,87%) từ mức 17.150 đồng/CP lên 17.300 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PLX

Triển vọng kinh doanh của PLX trong năm 2025 vẫn giữ được đánh giá lạc quan, nhờ vào việc dự thảo Nghị định mới dự kiến sẽ sớm được thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phân phối xăng dầu, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty. Đồng thời, biên lợi nhuận sẽ được cải thiện nhờ vào việc điều chỉnh tăng chi phí định mức trong các năm 2023 và 2024, qua đó thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2025. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PLX, với giá mục tiêu 51.283 đồng/CP (tăng 24% so với giá đóng cửa ngày 12/02/2025).

Bên cạnh kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.960 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ so với năm trước và vượt 37% kế hoạch, cùng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó HĐQT Công ty vừa phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào, cổ phiếu PLX đã có tuần hồi phục tích cực. Tính chung tuần qua, với 5 phiên tăng liên tiếp, tổng cộng giá cổ phiếu PLX tăng 2.500 đồng (+6,27%) từ mức 39.850 đồng/CP lên 42.350 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GVR

Chúng tôi đánh giá triển vọng cơ bản GVR tương đối lạc quan trong năm 2025 dựa trên: (1) Hoạt động kinh doanh sản phẩm cao su tăng trưởng về nhu cầu và giá bán; (2) GVR có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu cho thuê các KCN mới trong các năm tiếp theo, và (3) Lộ trình chuyển đổi hơn 20 nghìn ha đất trồng cao su sang đất KCN, KĐT trong tương lai sẽ giúp công ty ghi nhận lợi nhuận đáng kể từ đền bù đất. Đồng thời, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 34.656 đồng/cp, dựa trên triển vọng tích cực của doanh nghiệp trong các năm tới.

Mặc dù vẫn có những nhịp rung lắc nhẹ cùng thị trường, nhưng GVR tiếp tục ghi nhận thêm tuần tăng giá, đặc biệt là phiên giao dịch bùng nổ ngày cuối tuần 14/2. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu GVR tăng 950 đồng (+3,23%) từ mức 29.400 đồng/CP lên 30.350 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PC1

Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị mua và giá mục tiêu của cổ phiếu PC1 ở mức 29.200 đồng/CP (upside 25%). Chúng tôi nhận thấy PC1 có triển vọng khả quan 2025 nhờ: Mảng bất động sản dân dụng thúc đẩy tăng trưởng với dự án Tháp Vàng – Gia Lâm; Mảng năng lượng kỳ vọng hoạt động ổn định và PC1 tiếp tục mở rộng công suất; Mảng xây lắp có backlog tích cực với các dự án điện gió, truyền tải và hạ tầng KCN.

Phiên giảm khá mạnh cùng thị trường chung ngày 10/2 đã khiến cổ phiếu PC1 ngắt nhịp hồi phục sau 3 tuần tăng liên tiếp. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu PC1 giảm nhẹ 350 đồng (-1,46%) từ mức 23.950 đồng/CP xuống 23.600 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua và điều chỉnh giảm 3,5% giá mục tiêu xuống 47.000 đồng/cổ phiếu cho NLG. Chúng tôi kỳ vọng giao dịch BĐS sơ cấp sẽ tăng trưởng tích cực vào năm 2025, với NLG có vị thế tốt để tận dụng đà tăng trưởng này, nhờ uy tín thương hiệu, chiến lược hợp tác phát triển, các sản phẩm phân khúc trung cấp và tiến độ pháp lý kỳ vọng khả quan tại các dự án trọng điểm.

Trái với nhận định của VCI, cổ phiếu NLG đã có tuần giao dịch kém lạc quan khi đón nhận 5 phiên giảm liên tiếp. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu NLG giảm 2.450 đồng (-7,07%) từ mức 34.650 đồng/CP xuống 32.200 đồng/CP.

* AGR và SSI cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KDH

Theo AGR, KDH đang phát triển hai dự án hợp tác với Keppel là Emeria và Clarita dự kiến sẽ thúc đẩy KQKD trong hai đến ba năm tới của KDH. Doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn nhờ sở hữu quỹ đất 600ha tại các vị trí trọng điểm khu vực phía Đông TP. HCM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu KDH, giá mục tiêu là 42.000đ/cp (upside 23% so với giá hiện tại).

SSI cho biết, ngày 11/2, Nhà Khang Điền đã tổ chức cuộc họp trao đổi về kết quả kinh doanh quý IV/2024 và cập nhật tiến độ các dự án Bất động sản của Công ty. SSI duy trì khuyến nghị mua cho KDH, với giá mục tiêu là 41.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng 22,1%.

Thông tin đáng chú ý tại KDH là theo báo cáo tài chính quý IV/2024, tính đến cuối năm qua, Khang Điền đã ghi nhận lượng hàng tồn kho kỷ lục tới hơn 22.179 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 803 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Về diễn biến giá, cũng như “anh em” cùng ngành là NLG, cổ phiếu KDH đã có tuần giao dịch không mấy lạc quan. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu KDH giảm 700 đồng (-2,03%) từ mức 34.550 đồng/CP xuống 33.850 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu GAS

Với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong trung và dài hạn nhờ thúc đẩy mảng kinh doanh LNG, định giá cổ phiếu đã chiết khấu về vùng hấp dẫn với P/E và P/B hiện tại đều thấp hơn trung bình cổ phiếu 5 năm, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư Tăng tỷ trọng GAS tại các nhịp điều chỉnh của thị trường với giá mục tiêu 80.000đ/cp.

Dù khá ấn tượng với doanh thu năm 2024 cao nhất lịch sử và mỗi ngày doanh nghiệp thu về khoảng 4 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng, nhưng cổ phiếu GAS đã có tuần giao dịch rung lắc cùng thị trường chung. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu GAS tăng nhẹ 400 đồng (+0,59%) từ mức 67.300 đồng/CP lên 67.700 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu CTR

CTR đã đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số và hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng KQKD năm 2025 của CTR sẽ duy trì tăng trưởng hai chữ số nhờ các mảng kinh doanh đều tăng trưởng ổn định, trong đó mảng xây lắp và mảng hạ tầng cho thuê sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh. Chúng tôi khuyến nghị Nắm giữ cổ phiếu CTR với giá mục tiêu sau điều chỉnh là 140.000đ/cp (upside 11% so với giá hiện tại).

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt 539 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu CTR không nằm ngoài diễn biến chung của nhóm ngành viễn thông tuần qua. Cụ thể, với 2 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu CTR giảm 6.500 đồng (-5,16%) từ mức 126.000 đồng/CP xuống 119.500 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 4,3% lên 50.900 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua cho PVS. Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu là do (1) số dư tiền mặt cao hơn dự kiến 36% (tiền mặt ròng vào cuối năm 2024 đạt 541 triệu USD; tăng 64% so với cùng kỳ, tăng 44% so với quý trước; 83% giá trị vốn hóa thị trường, chủ yếu từ các khoản tạm ứng của khách hàng, dự án Lô B và các trang trại điện gió ngoài khơi-OWF) và (2) dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của chúng tôi tăng 0,6%.

Cổ phiếu PVS tiếp tục có thêm tuần khởi sắc dù mức tăng không quá lớn, bất chấp thông tin nhà đầu tư ngoại đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PVS tăng 700 đồng (+2,08%) từ mức 33.700 đồng/CP lên 34.400 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu REE

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu REE với giá mục tiêu 76.000 đồng/cp (tương đương triển vọng tăng 15% so với giá hiện tại) như trong công bố trong báo cáo ngành điện nửa đầu năm 2025. Chúng tôi đánh giá REE có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2025 với các luận điểm sau: (1) Doanh thu bất động sản và cho thuê VP tăng trưởng nhờ hai sản phẩm mới; (2) Mảng M&E phục hồi với backlog tích cực từ sân bay Long Thành; (3) Mảng năng lượng kỳ vọng tăng trưởng với nhà máy thủy điện Thác Bà 2.

Thông tin đáng chú ý với REE tuần qua là một sếp kỳ cựu bất ngờ xin từ nhiệm trước thềm ĐHCĐ và diễn biến cổ phiếu này vẫn duy trì đà khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu REE tăng nhẹ 700 đồng (+1,05%) từ mức 66.800 đồng/CP lên 67.500 đồng/CP.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post363398.html
Zalo