Điểm tựa cho thanh niên lên đường nhập ngũ
Lịch sử hơn 80 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn có sự đồng hành của nhân dân cả nước, trong đó mỗi gia đình là những điển hình cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho Quân đội. Ban đầu họ là những thanh niên ưu tú, sau thời gian học tập, rèn luyện, trở thành những quân nhân có bản lĩnh, lập trường, phẩm chất, năng lực, giàu lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu và luôn biết chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Niềm vinh dự, tự hào của gia đình, dòng họ, quê hương
Gia đình là tế bào của xã hội, là cội nguồn sức mạnh, thành trì quan trọng nhất của mỗi con người. Gia đình là “tổ ấm” thân yêu, “cái nôi” nuôi dưỡng cuộc đời con người, kể từ tấm bé đến lúc trưởng thành và khi về già yếu, gia đình như một “bảo tàng” lưu trữ, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, quê hương, dòng họ cho các thế hệ kế tiếp nhau; còn có tác dụng “đề kháng” chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hạnh phúc gia đình là tiền đề để hình thành nên nhân cách tốt cho những công dân của xã hội, trong đó điển hình là những thanh niên đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự (NVQS). Đánh giá vai trò của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Gia đình tốt thì xã hội tốt, nhiều gia đình tốt cộng lại thì làm cho xã hội tốt hơn”.
![Thanh niên tỉnh Quảng Bình chia tay gia đình, phấn khởi lên đường nhập ngũ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_16_51484420/362f349507dbee85b7ca.jpg)
Thanh niên tỉnh Quảng Bình chia tay gia đình, phấn khởi lên đường nhập ngũ.
Thực hiện Luật NVQS năm 2025, ngày 31-10-2024, Bộ Quốc phòng ban hành Hướng dẫn số 4705/HD-BQP năm 2024 về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025. Kết quả khảo sát các địa phương trong cả nước cho thấy: Công dân đến tuổi đăng ký khám và trúng tuyển NVQS năm nay tương đối đồng đều về số lượng và chất lượng, có nhiều thanh niên đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Những ngày này, các thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2025 trong 63 tỉnh, thành phố đang có chung tâm trạng háo hức, bồi hồi và mang theo niềm tin, hy vọng lên đường tòng quân.
Với những thanh niên ưu tú nhập ngũ năm nay, ngoài “hành trang” là quân tư trang cá nhân, họ còn mang theo bên mình nhiều sự kỳ vọng, tin tưởng, động viên từ cấp ủy, chính quyền địa phương, từ gia đình, người thân của thanh niên nhập ngũ. Đây chính là động lực tinh thần lớn lao có ý nghĩa cổ vũ các thanh niên yên tâm lên đường, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện để trưởng thành trong môi trường quân đội; sau 2 năm hoàn thành NVQS trở về trở thành những công dân có ích hơn cho xã hội.
Thực tiễn hơn 80 xây dựng, phát triển Quân đội ta, mỗi thanh niên lên đường thực hiện NVQS không chỉ là câu chuyện về trách nhiệm, lòng yêu nước của những người trẻ mà còn là sự gửi gắm, niềm tự hào của những người làm cha, làm mẹ. Việc con em mình được đứng trong hàng ngũ quân đội để góp sức bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của gia đình, dòng họ, quê hương và là truyền thống, nét đẹp văn hóa của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Cùng với sự đồng hành của gia đình, khoảng thời gian trong quân ngũ cũng sẽ là hành trình đầy ý nghĩa và tự hào để tuổi trẻ cống hiến cho Tổ quốc.
Trách nhiệm của các chiến sĩ đối với gia đình, đơn vị và xã hội
Thứ nhất, trách nhiệm của quân nhân đối với gia đình, người thân giữ vai trò động lực nền tảng rất quan trọng.
Gia đình, người thân là hậu phương vững chắc, luôn đồng hành trong suy nghĩ, thôi thúc ý chí, quyết tâm giúp quân nhân sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, vất vả trước điều kiện khắt khe, yêu cầu cao của hoạt động huấn luyện, SSCĐ, xây dựng chính quy của các đơn vị quân đội; khích lệ họ sẵn sàng đón nhận sự nguy hiểm, hy sinh khi phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, kẻ thù… khi Tổ quốc cần (!). Biểu hiện chủ yếu thái độ, trách nhiệm của quân nhân đối với gia đình chính là tình cảm, tình thương yêu, sự kính trọng, lễ phép đối với ông bà, bố mẹ, vợ con của họ ở hậu phương; trách nhiệm cùng chung tay xây dựng, vun đắp và giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Thứ hai, khi quân nhân có trách nhiệm với đơn vị là điều kiện tiên quyết để họ sẵn sàng đón nhận và nỗ lực hoàn thành tốt, xuất sắc các phần việc được tổ chức, cấp trên giao cho.
![Thanh niên quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) hăng hái lên đường nhập ngũ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_16_51484420/6a6d6ad75999b0c7e988.jpg)
Thanh niên quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) hăng hái lên đường nhập ngũ.
Biểu hiện cao nhất về trách nhiệm quân nhân đối với đơn vị là ý thức, thái độ chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị, mệnh lệnh người chỉ huy các cấp; đó là kết quả của nỗ lực học tập, rèn luyện bản thân về đạo đức, lối sống; sự hiểu biết, thành thạo sử dụng các loại vũ khí, trang bị được biên chế; sự thuần thục động tác hiệp đồng kỹ, chiến thuật trong phân đội; phương pháp, tác phong công tác khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả. Đó còn là ý thức xây dựng, vun đắp mối đoàn kết, thống nhất trong tập thể quân nhân “đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em”. Và sau cùng, trách nhiệm của quân nhân với đơn vị là có xu hướng, quyết tâm hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Thứ ba, thái độ, trách nhiệm, hành vi của quân nhân đối với xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, đó là khoảng thời gian dài để họ chuyển hóa giá trị từ quân nhân thành công dân có ích hơn cho xã hội.
Biểu hiện cốt lõi đối với xã hội đó là định hướng giá trị nghề nghiệp sau khi quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Nhiều năm nay, Quân đội ta đang áp dụng chính sách “khuyến tặng” 1 phiếu học một số ngành nghề có giá trị trong 6 tháng đối với các quân nhân đã hoàn thành NVQS; khi sử dụng hiệu quả ưu đãi này các thanh niên xuất ngũ về các địa phương có điều kiện học, hành nghề, có việc làm và nguồn thu nhập ổn định cuộc sống.
Các doanh nghiệp, tập thể ở các địa phương sẽ thu hút được một nguồn lực lao động dồi dào về thể chất, phong phú về chuyên môn, có tính kỷ luật cao, tác phong nhanh nhẹn, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả… giúp gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, trực tiếp góp phần phát triển kinh tế gia đình, doanh nghiệp và làm giàu cho quê hương, đất nước.
Trước tình hình mới, xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, cả nước thực hiện kỷ nguyên vươn mình. Yêu cầu đối với mỗi thanh niên quân đội không chỉ là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn mà còn phải nêu cao ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, đơn vị và xã hội. Những trách nhiệm ấy không tách rời mà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên một hệ thống bổ sung, tương tác lẫn nhau, giúp quân nhân phát triển toàn diện cả về năng lực và đạo đức. Nếu mỗi quân nhân coi trách nhiệm với đơn vị, với xã hội là đích đến thì trách nhiệm đối với bản thân, gia đình là nền móng, điều kiện rất quan trọng để đạt đến cái đích đó.
Thượng tá, ThS PHAN HUY HÙNG - Trung tá, ThS NGUYỄN XUÂN THO - Thiếu tá, ĐẶNG VĂN LONG (Học viện Chính trị)