Điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Huyện Đông Anh (Hà Nội) là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, nơi làng đang rục rịch lên phố. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Song, với việc triển khai nghiêm túc, sáng tạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, Đông Anh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong gìn giữ văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Di tích lịch sử kiểu mẫu đình Nhạn Tái.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Di tích lịch sử kiểu mẫu đình Nhạn Tái.

Đến đình Nhạn Tái (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), bất kỳ ai cũng cảm thấy thư thái, dễ dịu khi bước vào một không gian tôn nghiêm mà sạch, đẹp.

Cả khuôn viên ngôi đình rộng lớn không một cọng rác. Các thùng rác được đặt ngay ngắn với những lời nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh. Ngay ở sân đình có bảng niêm yết Quy tắc ứng xử, bảng mã QR code để phục vụ mọi người tìm hiểu bằng phương tiện thông minh nếu có nhu cầu.

Đình Nhạn Tái là một trong những địa điểm triển khai mô hình Di tích lịch sử kiểu mẫu trên địa bàn huyện Đông Anh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Nộn Nguyễn Thị Giang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Nộn về thực hiện Quy tắc ứng xử, chị em phụ nữ đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ phía trong và ngoài khuôn viên đình làng; tuyên truyền vận động các hộ gia đình sinh sống xung quanh khuôn viên đình làng cùng chung tay xây dựng tuyến đường quanh khuôn viên đình thành tuyến đường xanh-sạch-đẹp-nở hoa; tuyên truyền việc thực hiện Quy tắc ứng xử tại di tích. Hiện mô hình này đang được nhân rộng ở các di tích khác trên địa bàn xã Xuân Nộn.

Triển khai Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trong bối cảnh huyện chuẩn bị lên quận, Đông Anh rất coi trọng việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Toàn huyện có 413 di tích, 93 lễ hội cùng các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống độc đáo. Ngoài những di tích đã được tu bổ từ giai đoạn trước, trong nhiệm kỳ công tác 2020-2025, huyện đã chỉ đạo rà soát 100% các di tích, phân bổ ngân sách tu bổ những di tích xuống cấp; đồng thời, triển khai các biện pháp bảo tồn bền vững, phát huy giá trị mà di tích đình Nhạn Tái chỉ là một trong nhiều điển hình.

Đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc thù của huyện Đông Anh là có nhiều làng quê lưu giữ những loại hình diễn xướng dân gian như: Tuồng ở xã Xuân Nộn, Cổ Loa; rối nước ở Đào Thục… do đó, hằng năm, huyện hỗ trợ kinh phí để tập huấn, đào tạo thế hệ nghệ nhân trẻ, hỗ trợ hoạt động biểu diễn của Phường Rối nước Đào Thục và các Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian.

Để cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của người dân, huyện Đông Anh chú trọng vào xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa.

Trong đó, huyện đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhà văn hóa cấp huyện hiện đại nhất toàn quốc trên diện tích 6,3ha, với 800 chỗ ngồi.

Đối với cấp cơ sở, đến nay có 10/24 xã, thị trấn đã khai thác Trung tâm văn hóa, thể thao.

Toàn huyện có 155 thôn thì 154 thôn có nhà văn hóa , 30/30 Tổ dân phố có nhà văn hóa . Tính chung các khu dân cư, có gần 100% khu dân cư có nhà văn hóa và khu sinh hoạt cộng đồng. Nhiều nhà văn hóa thôn cũng được lắp đặt wifi miễn phí và cơ bản đã được đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất đồng bộ, bảo đảm cho các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng.

Để nhà văn hóa phát huy hiệu quả, huyện đã thành lập Ban chủ nhiệm, kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, thành lập được 1.172 câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao. Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động từng năm để thực hiện nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, nội dung hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, huyện Đông Anh còn cho ra mắt mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu ở khu dân cư Thăng Long (xã Hải Bối) với nhiều điều kiện cơ sở, vật chất “vượt chuẩn”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, đây là một công trình mang ý nghĩa của sự đoàn kết, đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, cũng là sự cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của thành phố và huyện Đông Anh trong việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa. Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được chia sẻ, lan tỏa và nhân rộng ra các thôn khác trên địa bàn huyện Đông Anh.

Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể, những nét văn hóa truyền thống của người dân Đông Anh được giữ gìn, nhiều nét văn hóa mới tích cực đi vào cuộc sống.

Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh, việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn phải dựa trên quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới và đề nghị cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở cần tiếp tục khai thác mọi nguồn lực, phát huy những kết quả đã đạt được; chú trọng nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/diem-sang-trong-xay-dung-doi-song-van-hoa-co-so-post847382.html
Zalo