Phụ nữ miền núi Thạch Thất chung sức xây dựng nếp sống văn hóa
Các hội viên phụ nữ tại 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Thạch Thất đã giúp phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường ở khu dân cư lan tỏa sâu rộng và đạt hiệu quả tích cực với sự phong phú về hình thức, đa dạng nội dung tuyên truyền cùng những hoạt động thiết thực.
Những tấm gương tiêu biểu
Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã và đang góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người, mọi nhà trong việc giữ gìn cảnh quan, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Là xã miền núi nằm ở phía tây nam huyện Thạch Thất, xã Yên Bình có người dân tộc Kinh và Mường cùng chung sống, trong đó người dân tộc Mường chiếm 40%. Với mục tiêu làm tốt công tác bảo vệ môi trường, phụ nữ xã Yên Bình tích cực tham gia làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng, trồng hoa ven các tuyến đường, tự phân loại rác thải tại hộ gia đình..., góp phần hình thành nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bình Bùi Thị Kim chia sẻ: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang phát triển những mô hình mới, những cách làm sáng tạo trong xây dựng nếp sống văn hóa, góp phần lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng. Hiện nay, 6/6 chi hội và 22/22 tổ hội trên địa bàn xã thường xuyên thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong năm 2024, Hội tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền phân loại rác thải tại hộ gia đình cho hơn 160 hội viên; ra mắt 4 mô hình sử dụng thùng rác có nắp đậy tại các chi hội thôn 3, 4, 5, 6 (mua hơn 400 thùng đựng rác) và mô hình sử dụng làn nhựa đi chợ tại thôn 1 (mua 50 làn nhựa tặng hội viên), tổng trị giá gần 150 triệu đồng. Các chi hội thôn 1, 2, 3 và 5 vận động xã hội hóa làm thêm 4 tuyến đường nở hoa dài 1.230m, trồng 152 cây hoa muồng hoàng yến, 61 cây hoa ban Tây Bắc, vẽ 4 đoạn tranh tường dài 112m, tổng trị giá hơn 50 triệu đồng, và tham gia 308 ngày công lao động. Ngoài ra, có hơn 4.500 lượt hội viên phụ nữ xã tham gia 2 đợt vệ sinh đồng ruộng và 7 đợt tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Tham gia cuộc thi giữ gìn thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, các gia đình hội viên phụ nữ và nhân dân ở 6 thôn đã đóng góp 1,36 tỷ đồng để mua, trồng 78 chậu hoa, cây cảnh, 218 cây xanh, lắp 134 bóng điện thắp sáng..., tham gia 2.108 ngày công lao động. Nhờ đó 100% số đoạn đường phụ nữ tự quản, các tuyến đường nở hoa và các xứ đồng trên địa bàn xã Yên Bình được giữ gìn xanh - sạch - đẹp.
Tương tự, tại xã Yên Trung, trong năm 2024, Hội Phụ nữ xã đã triển khai 2 đợt tổng vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, diệt bọ gậy, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật và rác thải chuyển về bãi tập kết để xử lý theo quy định; trồng 80 cây hoa ban dọc tuyến đường 446 sang cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; trồng 12 cây xanh bóng mát ở nhà văn hóa thôn Đầm Bối, thôn Sổ Tơi trị giá 12 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa... Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Trung Hoàng Thị Thắng cho biết, Hội cũng duy trì 4/4 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường; trồng mới và bổ sung hoa, cây xanh, thường xuyên chăm sóc, vệ sinh môi trường khuôn viên điểm sinh hoạt Hội; chăm sóc cây xanh, phát quang bụi rậm tại các tuyến đường liên thôn, liên xã; phát động cuộc thi hình thành tuyến đường nở hoa... Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động theo mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới việc tang” ở 4/4 chi hội, từ đầu năm đến nay, xã Yên Trung có hơn 30 đám cưới, 22 đám tang thực hiện đúng quy định, trong đó có 20/22 ca hỏa táng, đạt 90,9%... Các chi hội trên địa bàn xã tập trung quán triệt, tổ chức 11 buổi tuyên truyền thực hiện Đề án tang văn minh tiến bộ cho 1.396 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ; ra mắt mô hình thay đổi hành vi nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chi hội thôn Đầm Bối...
Còn tại xã Tiến Xuân, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, các hội viên phụ nữ xã duy trì hiệu quả 18 mô hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại 8 chi hội, xây dựng mô hình Đội văn nghệ du lịch cộng đồng tại Chi hội thôn 6 với 22 thành viên tham gia; ra mắt mô hình ''Phụ nữ ứng xử đẹp" trong hoạt động văn nghệ, du lịch cộng đồng tại Chi hội phụ nữ thôn 1 với 20 thành viên.
Ngoài ra, các chi hội cũng phối hợp tổ chức những giải thi đấu bóng chuyền hơi, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Chung sức bảo vệ môi trường khu dân cư, Chi hội phụ nữ thôn 2 phối hợp với Chi hội phụ nữ Trường Mầm non xã Tiến Xuân kêu gọi xã hội hóa lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường dài 1,5km, tiền điện hằng tháng có gia đình cá nhân trong thôn tài trợ; Chi hội thôn 6 phối hợp với nhóm thiện nguyện Trái tim xanh trồng 200 cây hoa ban, trị giá 45 triệu đồng...
Xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư
Chung sức xây dựng nếp sống văn hóa mới, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Thạch Thất đã tập trung tuyên truyền cho hội viên và nhân dân thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ văn minh, tiết kiệm. Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Thạch Thất, năm 2024, tỉ lệ hỏa táng tại các xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung đều đạt từ 80 - 90%. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng thôn văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực, 3 xã miền núi có 17/17 thôn (100%) đạt và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; 95,3% tổng số hộ đạt và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa". Việc xây dựng hương ước, quy ước văn hóa được quan tâm và được nhân dân đóng góp trên tinh thần tôn trọng phong tục, tập quán tốt đẹp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và theo đúng quy định pháp luật.
Công tác quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao được các xã miền núi quan tâm và đạt nhiều kết quả. Đến nay, xã Tiến Xuân có 7/7 nhà văn hóa thôn; xã Yên Bình có 1 trung tâm văn hóa xã và 6/6 nhà văn hóa thôn; xã Yên Trung có 4/4 nhà văn hóa thôn. Các nhà văn hóa thôn cơ bản phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng được nhu cầu, như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhân dân vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh ở các thôn của 3 xã miền núi với các môn thế mạnh như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, đẩy gậy, kéo co...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số; phát động sâu rộng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động lễ hội, mừng thọ, việc cưới, việc tang; chỉ đạo các địa phương tích cực nâng cao chất lượng xây dựng gia đình, thôn đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. Đồng thời, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số: Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi...