'Điểm sáng' chuyển đổi số của ngành GD và ĐT Hải Hậu

Nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hiệu quả quản trị nhà trường, Trường Tiểu học Hải Nam xác định chuyển đổi số là mũi nhọn nhằm đổi mới hoạt động giáo dục theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu quả, bắt nhịp xu thế số hóa trong hoạt động giáo dục và đào tạo (GD và ĐT).

Giờ học ứng dụng công nghệ thông tin tại Trường Tiểu học Hải Nam.

Giờ học ứng dụng công nghệ thông tin tại Trường Tiểu học Hải Nam.

Từ nhiều năm trước, nhà trường đã sớm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và dạy học như sử dụng một số phần mềm trong quản lý: Phần mềm SMAS, Cơ sở dữ liệu ngành (http://csdl.moet.gov.vn); phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ GD và ĐT (http://taphuan.csdl.edu.vn), đánh giá công chức: ETEP, TEMIS; phần mềm cho kế toán tài chính: MISA, quản lý tài sản, hỗ trợ kê khai thuế; giao dịch kho bạc, phần mềm quản lý thư viện, soạn thời khóa biểu bằng phần mềm Thời khóa biểu; sử dụng nhóm zalo, facebook... truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh. Cán bộ, giáo viên tích cực sử dụng một số phần mềm, ứng dụng trong quản lý dạy học như Elearning, PowerPoint, OLM, Shub classroom, Smas, Zalo..., đạt được hiệu quả bước đầu. Nhờ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, chất lượng giáo dục của nhà trường được giữ vững, ngày càng nâng cao.

Để công tác chuyển đổi số hiệu quả, nhà trường đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ. Toàn bộ các phòng học, phòng chức năng, tổ chuyên môn, thư viện đều được kết nối internet tốc độ cao, trang bị máy tính, máy chiếu, tivi thông minh, hỗ trợ tối đa cho hoạt động giảng dạy số và học tập trực tuyến khi cần. Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh trang bị thiết bị công nghệ cá nhân cho học sinh, tạo điều kiện để các em tiếp cận với tài nguyên số cả ở trường và tại nhà.

Đặc biệt, việc sử dụng hệ sinh thái Microsoft Office 365 như một trung tâm quản trị số toàn diện đã giúp ích rất nhiều cho nhà trường trong công tác điều hành, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu và tổ chức các hoạt động chuyên môn. Toàn bộ hồ sơ nhà trường, hồ sơ tổ chuyên môn, hồ sơ các đoàn thể, nhóm lớp… đều được số hóa và lưu trữ trên nền tảng Microsoft Teams. Điều này giúp nhà trường tiết kiệm thời gian, tối ưu không gian lưu trữ, tăng tính linh hoạt và bảo mật dữ liệu. Nhờ đó, cán bộ, giáo viên có thể truy cập, chỉnh sửa, chia sẻ và sử dụng tài liệu ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Ban giám hiệu nhà trường đã vận động, tuyên truyền cán bộ, giáo viên tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học; đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ cho toàn thể cán bộ, giáo viên. Ban chuyển đổi số nhà trường thường xuyên tổ chức hướng dẫn sử dụng các công cụ như PowerPoint, OneNote, Forms, Quizizz… giúp thầy cô tự tin ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy. Hiện, 100% giáo viên nhà trường có thể thiết kế bài giảng điện tử, khai thác hiệu quả các kho học liệu số từ các nền tảng uy tín như: https://igiaoduc.vn; https://violet.vn; https://tech12h.com. Mỗi năm, mỗi giáo viên được yêu cầu tạo mới ít nhất 5 học liệu số (bài giảng E-learning, video bài giảng, thiết bị dạy học số…). Học liệu số sau khi tạo xong được tổ chuyên môn thẩm định và hiệu trưởng nhà trường phê duyệt sẽ được đưa lên kho dùng chung trên Office 365, tạo nên một ngân hàng học liệu phong phú phục vụ toàn trường.

Trong kiểm tra đánh giá, giáo viên sử dụng các công cụ như Microsoft Forms, Quizizz, Plickers… để xây dựng bài thi trắc nghiệm online, giúp quá trình kiểm tra nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian chấm điểm, và đặc biệt mang lại trải nghiệm thú vị cho học sinh. Đối với môn Tin học, việc tổ chức kiểm tra định kỳ hoàn toàn trên nền tảng số đã trở thành hoạt động thường xuyên, minh chứng cho sự chuyển biến tích cực trong đổi mới đánh giá học sinh của nhà trường.

Điểm nổi bật trong quá trình chuyển đổi số tại Trường Tiểu học Hải Nam không dừng lại ở dạy học và kiểm tra đánh giá, mà đã mở rộng tới toàn bộ hoạt động điều hành, quản lý giáo dục của nhà trường. Các sổ chuyên môn như sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn… được số hóa sử dụng ứng dụng OneNote đồng bộ trên mọi thiết bị và hệ điều hành. Từ năm học 2022-2023 đến nay, cán bộ, giáo viên nhà trường đã sử dụng sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn... trên OneNote, từ đó giáo viên có thể tạo ghi chú, lập kế hoạch, theo dõi kết quả học tập của học sinh từ bất kỳ đâu, tạo điều kiện tối ưu hóa công việc và nâng cao hiệu suất lao động. Ngoài ra, việc tổ chức các cuộc họp, giao ban, sinh hoạt chuyên đề, hoặc hoạt động của Công đoàn, Đoàn - Đội của nhà trường cũng đều ứng dụng các công cụ số trong quản lý và truyền thông nội bộ. Mọi văn bản, tài liệu, kế hoạch đều được “số hóa”, giúp tiết kiệm thời gian in ấn, thuận tiện trong chia sẻ và tìm kiếm thông tin. Đặc biệt, thông qua việc triển khai hệ thống
hồ sơ số nhà trường, từ dữ liệu học sinh, giáo viên, đến công tác tài chính, hành chính, thi đua, đánh giá… đều được số hóa đồng bộ. Đây chính là bước quan trọng hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình “trường học thông minh” theo định hướng của Bộ GD và ĐT.

Việc tích cực chuyển đổi số đã góp phần rất lớn đổi mới cách dạy của giáo viên, cách quản lý của nhà trường, từng bước hình thành thói quen học tập chủ động, sáng tạo, hiện đại cho học sinh. Học sinh nhà trường đã quen với việc tiếp cận thông tin qua nền tảng số, làm bài tập trực tuyến, tham gia các tiết học ứng dụng công nghệ cao. Nhờ có sự hỗ trợ từ công cụ trực quan sinh động từ các nền tảng số, học sinh hào hứng hơn với bài học, tăng khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Những giờ học Toán, Tiếng Việt, Khoa học tự nhiên và Xã hội... đã sinh động hơn rất nhiều với video, hình ảnh, thuyết trình tương tác. Qua đó, học sinh vừa được tiếp thu kiến thức, vừa được rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề - những kỹ năng cốt lõi cần thiết của công dân số trong tương lai. Chuyển đổi số tại nhà trường còn cũng giúp tăng kết nối giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Phụ huynh có thể theo dõi kết quả học tập, tình hình sinh hoạt của con em mình qua hệ thống trực tuyến, từ đó phối hợp chặt chẽ hơn với giáo viên trong việc giáo dục con em.

Việc áp dụng chuyển đổi số tại Trường Tiểu học Hải Nam đang tạo ra nhiều thay đổi tích cực, tạo nên một hệ thống rất chặt chẽ từ quản lý đến giảng dạy, nâng cao khả năng sáng tạo, chủ động học tập của người học; đặc biệt tạo dựng được một nền tảng vững chắc trên hành trình đổi mới giáo dục trong thời đại công nghệ.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/diem-sang-chuyen-doi-socua-nganh-gd-va-dt-hai-hau-d3825d5/
Zalo