Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kiểm tra, đánh giá
Ứng dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá được nhiều GV thực hiện để nâng cao tính khách quan, kịp thời, chính xác, cá nhân hóa cho người học.

Thầy Trang Minh Thiên trong giờ Công nghệ có ứng dụng AI tạo đề cho học sinh ôn tập.
Nhiều công cụ hỗ trợ giáo viên
Từ thực tiễn giảng dạy, thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) khẳng định, công nghệ và trí tuệ nhân tạo mang đến nhiều công cụ, giải pháp hỗ trợ giáo viên trong công tác kiểm tra, đánh giá, giúp nâng cao tính khách quan, kịp thời, chính xác và cá nhân hóa cho người học.
Cụ thể, công nghệ và trí tuệ nhân tạo giúp giáo viên tự động hóa quá trình ra đề, thống kê kết quả nhanh chóng; phân tích dữ liệu học tập sau kiểm tra đánh giá để nhận diện năng lực, tiến độ học tập của từng học sinh, từ đó xác định được điểm mạnh, điểm yếu của các em để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp.
Công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng giúp tạo các dạng bài đánh giá linh hoạt (trắc nghiệm tự động, mô phỏng tương tác, bài tập trực tuyến...) phù hợp với nhiều cấp độ tư duy của học sinh; phản hồi tức thời giúp học sinh tự điều chỉnh, giáo viên kịp thời hỗ trợ.
“Tôi đã sử dụng ChatGPT, Gemini để tạo ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đa dạng, bao phủ nhiều mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng). Sau đó, hiệu chỉnh nội dung các câu hỏi mà AI đã tạo và sử dụng Microsoft Forms để tổ chức kiểm tra online (trong ôn tập) với tính năng trộn câu hỏi, trộn đáp án, giới hạn thời gian và tự động chấm điểm.
Hệ thống sẽ trả kết quả ngay cho học sinh, đồng thời xuất dữ liệu sang Microsoft Excel để phân tích điểm số, xác định những phần kiến thức còn yếu, từ đó điều chỉnh nội dung ôn tập phù hợp hơn cho từng nhóm đối tượng học sinh. Ngoài ra, tôi cũng giao bài tập về nhà qua các phiếu học tập cho học sinh từ Diffit”, thầy Trang Minh Thiên cho hay.
Tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), nhiều giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá thông qua ứng dụng các công cụ số hiện đại. Việc chuyển từ hình thức kiểm tra truyền thống sang kiểm tra trực tuyến, trắc nghiệm khách quan, tự động chấm điểm, hay đánh giá bằng dự án học tập… đã góp phần nâng cao tính khách quan, chính xác và kịp thời trong đánh giá năng lực học sinh.
Cô Lã Thị Hè, giáo viên Lịch sử của nhà trường chia sẻ một số công cụ được sử dụng phổ biến gồm:
Google Forms, Microsoft Forms: Giúp tổ chức kiểm tra trắc nghiệm, tự luận trực tuyến, chấm điểm tự động.
Quizizz, Kahoot, ClassPoint, Pliker: Tạo trò chơi học tập, kiểm tra nhanh, tăng tính tương tác và hứng thú cho học sinh.
Azota: Giao và chấm bài kiểm tra online có chấm điểm tự động, tiện lợi cho cả giáo viên và học sinh.
Google Sheets, Excel: Xử lý dữ liệu, phân tích kết quả kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành và năng lực học sinh theo từng tiêu chí.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng thiết kế ma trận đề, bảng đặc tả, xây dựng rubric đánh giá sản phẩm học tập bằng biểu mẫu số, góp phần thực hiện hiệu quả đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
“Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp giảm tải công việc thủ công cho giáo viên, mà còn tạo điều kiện cho học sinh làm quen với môi trường học tập hiện đại, tự học, tự đánh giá và phản hồi nhanh chóng”, cô Lã Thị Hè nhận định.

AI phân tích đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Công nghệ công nghiệp.
Công nghệ chỉ là công cụ
Chia sẻ kinh nghiệm rút ra trong quá trình ứng dụng công nghệ, AI vào hoạt động kiểm tra, đánh giá, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, đầu tiên cần xác định rõ mục tiêu đánh giá, tùy từng dạng kiểm tra (đánh giá thường xuyên, định kỳ, ôn tập,…) mà lựa chọn công cụ và phương pháp công nghệ phù hợp.
Thứ hai, cần lựa chọn nền tảng tin cậy, dễ sử dụng cho cả giáo viên và học sinh (Microsoft Forms, Google Forms, Azota, Quizizz, Diffit, ClassPoint, ChatGPT, Gemini...).
Thứ ba, tận dụng AI một cách thông minh. Ví dụ, dùng AI để gợi ý câu hỏi, kiểm tra mức độ phù hợp, hỗ trợ xây dựng thang đo và phân tích kết quả.
Thứ tư, cần phối hợp hình thức đánh giá linh hoạt (tự luận, trắc nghiệm, sản phẩm học tập (video, truyện tranh,…) để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Tuy nhiên, theo thầy Trang Minh Thiên, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, mà xem đó là công cụ hỗ trợ. Giáo viên vẫn phải vẫn giữ vai trò trung tâm trong thiết kế, điều phối và đánh giá toàn diện; đồng thời, cần liên tục cập nhật các xu hướng mới và sẵn sàng đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Hướng sắp tới, mỗi giáo viên nên ứng dụng AI vào việc tạo riêng cho cá nhân mình một “AI Agents” để hỗ trợ học sinh học tập và tra cứu thông tin liên quan đến môn học cụ thể.
Từ thực tiễn tại Trường THCS Thụy Liên, cô Lã Thị Hè, giáo viên Lịch sử của nhà trường chia sẻ: Quá trình triển khai cho thấy một số giáo viên chưa quen với việc sử dụng phần mềm công nghệ. Thiết bị, đường truyền Internet đôi khi còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra. Chưa có nhiều tài liệu hướng dẫn hoặc khóa tập huấn chuyên sâu cho giáo viên về kỹ thuật số hóa kiểm tra đánh giá.
Từ thực tế này, cô Lã Thị Hè cho rằng, giáo viên cần được bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thường xuyên; ngành Giáo dục nên tổ chức nhiều hơn nữa các chuyên đề về công nghệ kiểm tra, đánh giá số. Nhà trường đầu tư thêm thiết bị, đường truyền Internet để đảm bảo việc kiểm tra trực tuyến diễn ra ổn định; tăng cường chia sẻ ngân hàng đề số hóa, bảng điểm mẫu trong tổ chuyên môn...