Giáo viên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Tiêu chí và quyền lợi

Giáo viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải là những 'tinh hoa' của nhà trường và tấm gương cho học sinh, đồng nghiệp noi theo.

Liên quan đến việc đánh giá viên chức giáo viên vào cuối mỗi năm học, thời gian qua, nhiều bài viết về đề tài này trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Có thể liệt kê một số bài viết như: "Xếp loại viên chức cuối năm mỗi trường làm một kiểu, có giáo viên "tâm tư"; "Không ít giáo viên tâm tư, hụt hẫng khi trường công bố kết quả xếp loại viên chức"; "Đánh giá, xếp loại viên chức ở trường học vẫn là việc dễ gây "tâm tư" nhất";...

Nội dung các bài viết cho biết, kể từ năm học 2023-2024, giáo viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tối đa là 20%. Điều này khiến không ít giáo viên tâm tư, bàn tán vì sao mình không được xếp loại xuất sắc nhiệm vụ nhưng người khác thì được.

Trong phạm vi bài viết này, người viết tiếp tục bàn về những quy định liên quan về đánh giá viên chức giáo viên mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để bạn đọc có thêm một góc nhìn, quan tâm tham khảo.

Quy định xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có gì đáng chú ý?

Điều 12 Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chứcquy định tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:

1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;

b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

Theo quy định này, giáo viên, nhân viên phải thỏa cả 2 điều kiện về: 1) Chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và 2) Ít nhất 50% nhiệm vụ về chuyên môn phải hoàn thành vượt mức thì mới được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật, hầu hết giáo viên đều thực hiện nghiêm túc quy định này.

Chẳng hạn, giáo viên phải chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức. Hay, giáo viên gần như không có cơ hội để tham ô, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

Hoặc, giáo viên phải có nhiệm vụ báo cáo đầy đủ, trung thực, cung cấp thông tin chính xác, khách quan về những nội dung liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao khi được hiệu trưởng yêu cầu.

Điều đáng bàn, giáo viên phải có ít nhất 50% nhiệm vụ về chuyên môn, công tác kiêm nhiệm phải hoàn thành vượt mức thì mới được đánh giá mức hoàn thành xuất sắc là rất khó đạt.

Điều 69 Luật Giáo dục 2019 quy định nhiệm vụ giáo viên (trích): "Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục."

Theo quy định này, giáo viên có nhiệm vụ chính là giảng dạy, giáo dục học sinh có chất lượng chương trình giáo dục.

Giáo viên muốn hoàn thành vượt mức ít nhất 50% nhiệm vụ thì trước hết phải nắm vững chương trình giáo dục. Ví dụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Tiếp đến, về chuyên môn, chất lượng giảng dạy của giáo viên phải vượt định mức của tổ chuyên môn đề ra đầu năm, đã được hiệu trưởng phê duyệt cho từng năm học.

Ví dụ, đối với môn Toán, tổ chuyên môn đăng kí chỉ tiêu 70% học sinh có điểm trung bình trên 5,0 và 30% dưới 5,0 thì giáo viên giảng dạy phải vượt mức này. Chẳng hạn, điểm trung bình môn Toán của học sinh khối 10 do giáo viên A giảng dạy đạt 85% là vượt mức.

Hoặc tổ chuyên môn Ngữ văn đăng kí có 6 học sinh giỏi cấp tỉnh chia đều cho cả 3 khối lớp 10, 11, 12. Chẳng hạn, giáo viên B dạy học sinh giỏi khối 10 có 3 em đạt giải là vượt mức.

Tiếp theo, đối với giáo viên chủ nhiệm thì lớp học phải được xếp loại thi đua vượt mức qua từng tuần/tháng/học kì/năm học. Giáo viên đạt thành tích chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp tỉnh là được ưu tiên trong đánh giá, xếp loại viên chức cuối năm.

Cuối cùng, trong một năm học, giáo viên nào được tặng danh hiệu, bằng khen của Bộ, ban, ngành,... là có lợi thế trong đánh giá, xếp loại.

Hoặc, giáo viên được tặng danh hiệu Nhà nước như Huân chương Lao động; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thường là những người được các thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng tín nhiệm để làm cơ sở xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giáo viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có quyền lợi gì?

Giáo viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở mà không cần sáng kiến.

Căn cứ pháp lí: khoản 7 Điều 30, Mục 3, Chương IV Nghị định 98/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, nêu rõ:

“Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở, Cờ thi đua của Bộ, ban ngành, Cờ thi đua của Chính phủ phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua, khen thưởng cấp trình khen thưởng từ 80% trở lên trên tổng số thành viên hội đồng”.

Cần biết thêm, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức tiền thưởng đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là 2.340.000 đồng.

Cùng với đó, giáo viên trung học phổ thông hạng II được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ sở để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng I.

Căn cứ pháp lí: Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học cho biết:

Giáo viên trung học phổ thông được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau (trích):

Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II và tương đương, có 05 năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 năm được xếp loại, chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Cần biết thêm, giáo viên trung học phổ thông hạng I được áp dụng hệ số lương 4,40 - 6,78.

Ngoài ra, giáo viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một trong những điều kiện để xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Căn cứ pháp lí: điểm e Khoản 1 Điều 44 Luật Thi đua, khen thưởng quy định một trong các tiêu chuẩn để tặng hoặc truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân như sau:

"Đã được tặng "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" và sau đó có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có từ 01 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 03 lần được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở".

Cần biết thêm, theo Điều 33 Luật Thi đua, khen thưởng 2022, mức tiền thưởng Huân chương Lao động” hạng Ba bằng 4,5 lần mức lương cơ sở.

Có thể nhận thấy, nếu việc đánh giá viên chức giáo viên cuối năm học được hội đồng thi đua khen thưởng làm đúng theo quy định thì thầy cô giáo được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực sự là những "tinh hoa" của nhà trường và tấm gương cho học sinh, đồng nghiệp noi theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-xep-loai-hoan-thanh-xuat-sac-nhiem-vu-tieu-chi-va-quyen-loi-post251042.gd
Zalo