Dịch tả bùng phát trở lại: Đâu là nguyên nhân?

Số ca bệnh tả trên toàn cầu đã tăng vọt kể từ năm 2021, khi xung đột vũ trang và khủng hoảng khí hậu gây áp lực lên nguồn cung vaccine chống lại căn bệnh này.

Thiếu vaccine

Bệnh tả đang quay trở lại do xung đột và biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2024, có 804.721 ca bệnh tả và 5.805 ca tử vong, tăng gần 50% so với 535.321 ca bệnh và 4.007 ca tử vong vào năm 2023. Các nhà khoa học cho biết, dù số ca bệnh đã được xác định tăng vọt kể từ năm 2021, nhưng số liệu chính thức có lẽ còn rất thận trọng. Họ ước tính có từ 1,3 triệu đến 4 triệu ca bệnh và có từ 21.000 đến 143.000 ca tử vong do bệnh tả trên toàn cầu mỗi năm.

Ngay từ năm 2025, 6 quốc gia gồm: Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan, Nam Sudan, Angola và Ghana đã yêu cầu cung cấp liều lượng từ kho dự trữ vaccine phòng bệnh tả toàn cầu để giúp ngăn chặn các đợt bùng phát. Kho dự trữ được cho là có thể chứa 5 triệu liều, nhưng một loạt các yêu cầu và sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp vaccine phòng bệnh tả duy nhất đã khiến kho dự trữ này cạn kiệt hoàn toàn vào một số thời điểm trong năm 2024. Nhu cầu cao về nguồn cung khẩn cấp đã kéo theo việc không có chiến dịch tiêm vaccine phòng ngừa nào ở các quốc gia có nguy cơ cao kể từ năm 2022.

Nhân viên y tế khử trùng tại một đơn vị điều trị bệnh tả của MSF ở Juba, Nam Sudan.

Nhân viên y tế khử trùng tại một đơn vị điều trị bệnh tả của MSF ở Juba, Nam Sudan.

Trong cuộc họp báo vào tháng 1/2025, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) đã nêu bật rằng, bệnh tả là một “kẻ giết người” nguy hiểm trên lục địa. Giáo sư Ngashi Ngongo - Chánh văn phòng CDC châu Phi - cho biết, các đợt bùng phát thường dẫn đến tỷ lệ tử vong cao do hệ thống y tế yếu kém và thiếu các nguồn cung chính cần thiết để cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng. Tổ chức này đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân là do lũ lụt gia tăng liên quan đến khủng hoảng khí hậu, kết hợp với điều kiện nước và vệ sinh kém.

Ông Ngongo cho biết, tình trạng thiếu vaccine phòng bệnh tả ở châu Phi là thách thức chính, tuy nhiên, kế hoạch sản xuất vaccine tại lục địa này đang được CDC châu Phi thúc đẩy.

Bà Allyson Russell - một nhà dịch tễ học đồng thời là Giám đốc chương trình cấp cao trong nhóm bùng phát dịch bệnh có tác động lớn tại Gavi, liên minh vaccine chịu trách nhiệm về kho dự trữ toàn cầu - cho biết, nguồn cung vaccine hiện ở mức tốt hơn so với vài năm trước. Theo bà Russell, số ca bệnh tăng kể từ năm 2022 đã gây sức ép lớn lên hệ thống y tế, nhân viên y tế, vaccine, nguồn cung. Tuy nhiên hiện tại, kho dự trữ có thể được bổ sung đầy đủ trong 3 hoặc 4 tuần.

Bà Russell cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh như là tuyến phòng thủ đầu tiên, nhưng nói thêm: "Rất khó để kiểm soát bệnh tả khi bạn đang ở giữa chiến tranh, xung đột ... Đó là lúc vaccine trở nên hữu ích nhất".

Anh Sami Ahmed (35 tuổi) là một trong số hàng trăm người sống sót sau bệnh tả khi di dời đến Sawakin (miền Đông Sudan). Nhiều người khác - cũng phải di dời vì xung đột - đã mất con trong đợt bùng phát dịch tả vào mùa mưa hồi tháng 8 năm ngoái.

Đẩy nhanh các chiến dịch phòng ngừa

Gavi đang triển khai các xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh tả, có thể cho kết quả trong khoảng 15 phút, tại 14 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các chuyên gia cho biết, chúng sẽ làm rõ nơi cần tập trung nỗ lực kiểm soát. Tổ chức này cũng đã đưa ra kế hoạch tạo ra nguồn cung vaccine phòng bệnh tả ổn định, bao gồm các chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa tại các khu vực dễ bị tổn thương, qua đó tạo ra nhu cầu được xác nhận và dự đoán được.

"Việc không dự báo được nhu cầu vaccine trong tương lai gần (1 năm) hoặc kế hoạch lâu dài (5 năm) khiến các nhà sản xuất vaccine bối rối, họ cần biết nên thiết lập cơ sở sản xuất như thế nào để hỗ trợ nhu cầu" - bà Russell cho biết và nói thêm rằng, 3 quốc gia có mức độ ưu tiên cao như: Bangladesh, Congo và Mozambique đã được chấp thuận triển khai khi nguồn cung cho phép.

Vào những năm 1990, Giáo sư Jan Holmgren của Đại học Gothenburg đã điều hành nhóm phát triển vaccine uống ngừa bệnh tả đầu tiên được WHO chấp thuận có tên Dukoral. Trong những năm gần đây, ông đã nhiều lần cho rằng, tình trạng thiếu vaccine là "mối đe dọa cấp tính nhất" đối với mục tiêu chấm dứt bệnh tả vào năm 2030 của WHO.

Trong bối cảnh thiếu hụt vaccine vào tháng 10/2022, Nhóm điều phối quốc tế (ICG) - đơn vị quản lý kho dự trữ vaccine uống ngừa bệnh tả khẩn cấp - đã thông báo rằng, loại vaccine này có thể được sử dụng với một liều duy nhất, thay vì 2 liều cách nhau khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, đối với Giáo sư Holmgren, quyết định này là "một bước đi thụt lùi". Mặc dù có bằng chứng cho thấy, ở những người có thể đã từng tiếp xúc với bệnh tả, một liều duy nhất có thể có tác dụng như một dạng tiêm nhắc lại, nhưng đối với trẻ nhỏ hơn, chắc chắn cần tiêm 2 liều để được bảo vệ. Giáo sư Holmgren cho biết, các thử nghiệm ban đầu ở Bangladesh đã chỉ ra rằng, một liều duy nhất được tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi không có tác dụng bảo vệ.

“Nếu bạn áp dụng cách tiếp cận này đối với những nhóm dân số chưa từng tiếp xúc với bệnh tả trong quá khứ, rõ ràng đây là một cách tiếp cận rủi ro” - Giáo sư Holmgren nói.

Theo bà Russell, bằng chứng cho đến nay cho thấy cách tiếp cận này đang chứng minh hiệu quả trong việc giảm sự lây lan của bệnh trong các trường hợp khẩn cấp, vì nó tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, các chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa sẽ vẫn ở mức 2 liều. “Chúng tôi hiểu rằng, việc sử dụng 2 liều vaccine mang lại khả năng bảo vệ lâu hơn và đó thực sự là mục tiêu, đặc biệt là ở những khu vực lưu hành bệnh này” – bà Russell nói.

Theo WHO, năm 2024, có 804.721 ca bệnh tả và 5.805 ca tử vong, tăng gần 50% so với 535.321 ca bệnh và 4.007 ca tử vong vào năm 2023. Các nhà khoa học ước tính, có từ 1,3 triệu đến 4 triệu ca bệnh và có từ 21.000 đến 143.000 ca tử vong do bệnh tả trên toàn cầu mỗi năm.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dich-ta-bung-phat-tro-lai-dau-la-nguyen-nhan-10299895.html
Zalo