Địa ốc, ngân hàng 'dìm' sàn 200 tỷ USD, 'Anh trai chông gai' bứt phá
Nhiều cổ phiếu địa ốc của các ông lớn và các mã ngân hàng của đại gia Việt đã 'dìm' sàn chứng khoán 200 tỷ USD. Tuy nhiên, một số mã 'có câu chuyện' như Yeah1 với 'Anh trai vượt ngàn chông gai' lại tăng mạnh.
Cú lao dốc trên thị trường tài chính thế giới sau tín hiệu bất ngờ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng 19/12 đã khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên, lo ngại một cú sụp lớn trên thị trường chứng khoán Việt.
“Sáng sớm, mở máy thấy chứng khoán Mỹ đỏ rực liền tắt luôn màn hình, hy vọng cổ phiếu sẽ có một phiên không quá tệ”, ông Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư chứng khoán trên sàn SSI chia sẻ.
Theo nhà đầu tư này, chứng khoán Mỹ đã giảm quá mạnh trong phiên hôm qua, mất hơn 1.100 điểm, sau khi đã có 9 phiên giảm trước đó. Giá vàng và Bitcoin cũng lao dốc, thị trường tài chính chao đảo.
“Fed đã phát tín hiệu khá bất ngờ, sẽ chỉ giảm lãi suất 2 lần trong năm 2025, thay vì kỳ vọng 4 lần như trước đó. Đây là một bước ngoặt mới trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Một tín hiệu rất thận trọng. Nó có thể khiến dòng tiền rút nhanh khỏi nhiều loại tài sản, trong đó có cổ phiếu và trở về tìm nơi trú ẩn ở đồng USD”, ông Hưng lo ngại.
Mối lo của ông Hưng sớm là sự thật, khi TTCK Việt Nam chao đảo ngay từ lúc mở cửa. Chỉ số VN-Index có lúc thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 1.250 điểm. Đa số các mã trụ cột giảm mạnh, trong đó có nhóm bất động sản và ngân hàng.
Tuy nhiên, tới cuối phiên, hoạt động bắt đáy của các nhà đầu tư cá nhân đã giúp VN-Index không giảm sâu, thậm chí HNX-Index còn “xanh vỏ” trở lại. Thị trường đã không quá tiêu cực, VN-Index chỉ giảm hơn 11 điểm xuống 1.254,67 điểm.
Nhóm ngân hàng giảm khá mạnh. HDBank (HDB) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 300 đồng xuống 23.500 đồng/cp. TPBank (TPB) giảm 250 đồng xuống 16.000 đồng/cp. SHB giảm 150 đồng xuống 10.200 đồng/cp. Vietcombank (VCB) giảm 700 đồng xuống 92.400 đồng/cp…
Ông lớn ngành thép Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long giảm 500 đồng xuống 26.850 đồng/cp. Cổ phiếu công nghệ FPT của ông Trương Gia Bình giảm 600 đồng xuống 148.100 đồng/cp…
Trên thị trường, số mã giảm giá cao gấp gần 2 lần so với số tăng giá. Lực bán mạnh là dễ hiểu do ảnh hưởng tâm lý từ chứng khoán Mỹ và châu Á sau phát phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Tuy nhiên, thanh khoản tăng khá mạnh, vọt lên gần 20.700 tỷ đồng nhờ hoạt động bắt đáy của các nhà đầu tư cá nhân, áp đảo mức bán ròng 560 tỷ đồng của khối ngoại và hơn 1.200 tỷ đồng của nhóm tự doanh công ty chứng khoán.
Một số mã tăng khá ấn tượng, trong đó có YEG, SAM và TDH.
Cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 tiếp tục tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp theo dư âm của concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”, lên 17.800 đồng/cp, mức cao nhất trong 3 năm qua. Cách đây chưa tới 1 tháng, YEG còn ở mức hơn 10.000 đồng/cp.
Concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã đón hơn 130.000 lượt khách trong ngày diễn ra đêm nhạc hôm 14/12 tại Hưng Yên. Thủ tướng vừa có gợi ý nhân rộng mô hình văn hóa như hai concert "Anh trai say hi" hay "Anh trai vượt ngàn chông gai".
Yeah1 là doanh nghiệp nắm bản quyền và sản xuất hai chương trình truyền hình "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Chị đẹp đạp gió". Yeah1 kêu gọi được nhiều nhà tài trợ lớn cho các show này, và ghi nhận lợi nhuận bùng nổ trong quý III vừa qua.
Đánh giá về phiên 19/12, chuyên gia từ Chứng khoán CSI cho rằng, cú sụt giảm trên thị trường Mỹ đã tác động tiêu cực đến tâm lý của giới đầu tư nội. Cho dù đã hồi lại vào cuối phiên nhưng VN-Index đã thủng mốc hỗ trợ 1.260 điểm, tương ứng với giá trung bình động 200 ngày (MA200 ngày).
Theo đó, với thanh khoản tăng cao là một tín hiệu xấu cho sự hồi phục đã hình thành trước đó. Tuy nhiên, chuyên gia CSI cho rằng, phiên giảm điểm 19/12 chưa phải là điểm nhấn đảo chiều xu hướng tăng trước đó. Vì mức giảm không quá lớn và đã có nỗ lực hồi phục trở lại khi đóng cửa. Hơn nữa là thanh khoản dù cao và đột biến nhưng vẫn thấp hơn phiên bùng nổ ngày 5/12/2024.
Về triển vọng chung, nhiều tổ chức có cái nhìn tích cực đối với chứng khoán Việt, với kỳ vọng VN-Index lên mốc 1.400 điểm vào cuối năm 2025 nhờ “sóng nâng hạng thị trường”, nhiều khả năng vào tháng 9 tới.
Những dự báo vĩ mô tích cực, với GDP 2025 có thể đạt 7-7,5% và dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam… có thể hỗ trợ cho chứng khoán Việt.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam đang có nền định giá thấp và dự báo tốc độ tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được vẫn khả quan, có thể đạt 25-30%.
Dù vậy, dòng tiền vẫn khá thận trọng, chờ đợi những tín hiệu từ chính sách trong và ngoài nước, trong đó có chính sách từ chính quyền ông Donald Trump.