Loại bỏ những rào cản phát triển

Rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính (TTHC) đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống người dân, đây là một yêu cầu trong Công điện số 131/CĐ-TTg mới đây của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, cũng là yêu cầu đặt ra khi thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Vẫn còn những “điểm nghẽn”

Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng bộ máy hành chính minh bạch, liêm chính và hiệu quả, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao mức độ hài lòng của xã hội, tạo niềm tin cho người dân và DN đối với cơ quan công quyền. Đó là những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua, cũng là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành chú trọng thực hiện liên tục, đặc biệt trong việc thu gọn đầu mối tiếp nhận hồ sơ, văn bản, số hóa để thực hiện các thủ tục trực tuyến, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức cho người dân, DN. Qua đó góp phần rất lớn tạo chuyển biến trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân. Thống kê của Chính phủ cho thấy, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, có hơn 3.000 quy định liên quan đến kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp cho địa phương gần 700 TTHC.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Người dân làm thủ tục hành chính tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhìn từ con số này, nhiều ý kiến nhận định, TTHC rườm rà trong kinh doanh chính là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân, DN. Từ thực tế đó, trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng liên tục đề cập đến những “điểm nghẽn” liên quan đến thể chế, TTHC. Dù đã được đơn giản hóa, nhưng một quy trình xin cấp phép hoặc hoàn tất thủ tục đầu tư đôi khi phải đi qua nhiều cơ quan, nhiều phòng ban khác nhau, gây mất thời gian và phát sinh chi phí không cần thiết. Điều này không chỉ tạo áp lực cho DN, mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, làm mất đi cơ hội kinh doanh. Thực tế cũng đã xảy ra thực trạng về tình trạng văn bản chạy lòng vòng do liên quan đến nhiều đơn vị, nhưng lại không đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. Hoặc không ít TTHC, người dân vẫn phải mệt mỏi khi phải đi photocopy các loại giấy tờ, chứng minh thông tin, trong khi hoàn toàn có thể đơn giản, tích hợp.

Trong bài viết "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ ra, sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” TTHC, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển.

Bởi thế, trong cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này, yêu cầu cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất cũng được đặt ra với nhiều kỳ vọng. Bởi như các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã nhận định, nếu tinh gọn bộ máy mà TTHC không gọn thì không hiệu quả. Tinh gọn bộ máy phải đồng thời với cải cách đồng bộ về TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn giúp cho cộng đồng DN, nền kinh tế. Trong đó, việc phân cấp, phân quyền giữa T.Ư và địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt” sẽ phát huy tính chủ động, tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm và bảo đảm sự thông suốt trong giải quyết TTHC.

Loại bỏ rào cản, hướng tới sự thông suốt thực chất

Trong Công điện số 131/CĐ-TTg ngày 11/12/2024 về việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, DN ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu cần loại bỏ ngay theo thẩm quyền những TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà, giảm chi phí tuân thủ ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy pháp pháp luật theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các phương án cắt giảm, đơn giản hóa...

Cùng với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Tư pháp cũng đã rà soát sơ bộ, có tới 184 luật, khoảng 200 nghị định liên quan tổ chức bộ máy cần phải sửa đổi, bổ sung. Như nhiều ý kiến nhận định, đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành theo chức năng của mình rà soát tổng thể về TTHC, cắt giảm những thủ tục chồng chéo, không cần thiết hoặc gây cản trở cho sự phát triển, để hướng đến một hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực hơn, với các cấu phần vận hành trơn tru, thông suốt, nhất quán, đồng bộ và nhịp nhàng ở mọi cấp độ. Tính hiệu quả không chỉ thể hiện ở việc giảm chi phí từ ngân sách cho hoạt động của hệ thống chính trị mà hơn thế, sự vận hành của bộ máy tổ chức phải trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự cải cách hành chính "thực chất", phục vụ người dân, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống, loại bỏ những rào cản của sự phát triển.

Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ), để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các TTHC rồi lại rà soát để cắt giảm, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng, ban hành quy phạm pháp luật. Từ những “điểm nghẽn” đã được chỉ rõ và rà soát về tổng thể, từ đó có những đề xuất chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, bảo đảm đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện công việc; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC không cần thiết hoặc chồng lấn, sẽ mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, DN khi thực hiện.

Dưới góc nhìn muốn đưa quy định của pháp luật nhanh chóng vào cuộc sống, phải đưa cuộc sống vào quy định pháp luật trước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng, đổi mới tư duy trong công tác xây dựng văn bản pháp luật phải kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" như Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu. Theo đó, phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Cùng với đó, rà soát, phát hiện những “điểm nghẽn” và tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, từ đó có cơ sở pháp lý, công cụ pháp lý để chúng ta thực hiện, tháo gỡ được trên thực tiễn.

Tinh gọn tổ chức bộ máy cũng là cơ hội để rà soát, đơn giản hóa TTHC, lấy người dân, DN làm trung tâm, thể hiện tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, thực sự chuyển phương thức quản lý mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đây chính là yêu cầu để kiến tạo sự phát triển trong thực tế hiện nay.

Những TTHC không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và DN; làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của DN. Con số hơn 3.000 TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học; nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương)

Hà Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/loai-bo-nhung-rao-can-phat-trien.html
Zalo