Làng nghề chuẩn bị hàng Tết

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các làng nghề truyền thống ở Hà Nội đang hối hả sản xuất, cung ứng sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Từ năm 2011, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống. Để có được kết quả này, các cơ sở sản xuất bánh chưng đã gìn giữ các kinh nghiệm sản xuất truyền thống và tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu. Bánh chưng Tranh Khúc có hệ thống mã vạch riêng để tăng cường quảng bá giới thiệu, bán hàng trực tuyến, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, góp phần khẳng định thương hiệu làng nghề.

Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân xã Duyên Hà cho biết, làng nghề đã tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, công suất sản xuất của làng nghề tăng gấp ba, bốn lần so với ngày thường, trong đó nhiều cơ sở sản xuất xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài. Không ít cơ sở sản xuất từ 3.000 đến 3.500 bánh chưng mỗi ngày, tạo việc làm, thu nhập khá cho hơn 100 lao động.

Còn tại làng nghề miến dong, bánh đa thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, người dân những ngày này đang hối hả sản xuất để phục vụ Tết Nguyên đán. Từ năm 2012, làng nghề này được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận Làng nghề truyền thống và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Việc này đã giúp các cơ sở sản xuất thêm cơ hội phát triển. Tất cả hộ sản xuất được tập huấn các quy định về an toàn thực phẩm.

Đại diện Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hữu Hòa cho biết, hiện nay làng nghề có gần 50 cơ sở sản xuất, trong đó 30% số hộ đầu tư máy móc thay thế dần sản xuất thủ công, rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. 80% số cơ sở gắn nhãn mác bao bì sản phẩm và nhiều cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP. Làng nghề sản xuất quanh năm, nhưng dịp cuối năm, các cơ sở sản xuất đã chủ động nâng công suất gấp hai đến ba lần để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Không khí lao động sản xuất tất bật cũng diễn ra ở nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố. Không ít cơ sở phải thuê thêm nhân công, làm việc ba ca để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố Hà Nội có nhiều làng nghề phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Từ tháng 9, tháng 10, các làng nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mộc, cơ khí, thực phẩm… đã bước vào cao điểm sản xuất để đáp ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân trên cả nước. Sản phẩm làng nghề ngày càng đạt chất lượng tốt, tiêu thụ ở thị trường trong nước và nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, các làng nghề có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Hơn 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm/làng nghề. Gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20-50 tỷ đồng/năm/làng nghề và khoảng 20 làng nghề có doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm/làng nghề. Một số làng nghề có doanh thu cao hàng nghìn tỷ đồng như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù, huyện Hoài Đức, gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm…

Trong dịp cuối năm, nhiều làng nghề, nhất là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm tăng công suất gấp hai, ba lần để phục vụ nhu cầu thị trường… Trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương và các quận, huyện mở nhiều điểm bán hàng để quảng bá, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

MINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lang-nghe-chuan-bi-hang-tet-post852170.html
Zalo