Cú hích phát triển y tế tư nhân

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công có hạn, quá tải bệnh viện diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các TP lớn, thì y tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong công cuộc chăm sóc sức khỏe người dân.

Những năm qua, sự phát triển của y tế tư nhân tăng cả về số lượng và chất lượng. Đã có rất nhiều cơ sở tư nhân được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong điều trị, thậm chí có những thiết bị vào loại đứng đầu công nghệ. Cùng với đó, sự lan tỏa mạng lưới không chỉ ở các TP lớn, mà các cơ sở y tế tư nhân được xây dựng tại cấp huyện, các khu vực vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Tính đến hết tháng 9/2024, cả nước đã có 372 bệnh viện tư nhân hoạt động, chiếm 23,84% so với bệnh viện công lập. Nhiều kỹ thuật cao trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện nước ngoài, bệnh viện tuyến cuối hay bệnh viện công lập, thì nay đã được thực hiện thường quy ở nhiều bệnh viện tư nhân, tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, cơ sở.

Có thể nói, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước trong xã hội hóa y tế đã góp phần cho y tế tư nhân ngày càng phát triển. Đặc biệt, kể từ khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế. Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1576/QĐ-TTg ngày 16/12/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích phát triển các bệnh viện tư nhân chuyên sâu và chuyên sâu kỹ thuật cao cung ứng các dịch vụ chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến và một số bệnh viện tư nhân ngang tầm quốc tế. Khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng hướng tới mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân, phấn đấu tỷ lệ giường bệnh tư nhân ít nhất chiếm 10% vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050. Tuy nhiên, hiện tại y tế tư nhân mới đạt khoảng 8%, do vậy, để đạt mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW đặt ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ.

Ngoài ra, có cơ chế nhằm bảo đảm sự bình đẳng của y tế tư nhân với y tế công lập. Đó là bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận đất đai, nhà xưởng, địa điểm, nguồn bệnh nhân, thị trường, cơ chế giá hợp lý để phục vụ cho người bệnh. Có như vậy, hệ thống y tế tư nhân sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới, giảm áp lực cho hệ thống bệnh viện công lập cũng như đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích xã hội đầu tư vào lĩnh vực y tế, các ngành liên quan cũng cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát để hạn chế mặt trái của xã hội hóa, vừa tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các hệ thống y tế, vừa siết chặt việc lạm dụng các kỹ thuật, xét nghiệm nhằm tăng thu, nhanh thu hồi vốn... ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người bệnh.

Nhật Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cu-hich-phat-trien-y-te-tu-nhan.html
Zalo