Di sản Lễ hội đình Tường Phiêu: Đốt đuốc soi đường đưa Đức Thánh Tản hồi sơn
Đình Tường Phiêu nhìn về hướng Tây Nam - hướng người xưa chọn để nhìn được ngọn núi Ba Vì, nơi có đền thờ thánh Tản Viên.
![Di tích quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481235/5787009032dedb8082cf.jpg)
Di tích quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu.
Sau khi dạy dân đánh cá và trị thủy, Đức Thánh Tản trở về núi khi đêm đã muộn, dân lưu luyến dùng cây khô làm đuốc để soi đường và chiêm ngắm ngài được lâu hơn.
Sau 7 năm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, mới đây xã Tích Lộc (Phúc Thọ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu. Đồng thời, khai mạc lễ hội truyền thống độc đáo bậc nhất xứ Đoài.
Công phu đình Đoài
Theo hồ sơ di tích của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL), đình Tường Phiêu còn gọi là đình Cả - di tích kiến trúc còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu về vật thể và phi vật thể. Đình Tường Phiêu thờ 4 vị Thành hoàng làng: Ba vị Đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn.
Đình Tường Phiêu nhìn về hướng Tây Nam - hướng người xưa chọn để nhìn được ngọn núi Ba Vì, nơi có đền thờ thánh Tản Viên. Đình là một công trình kiến trúc cổ quy mô lớn, còn lưu dấu tích khởi dựng từ lâu đời, có nhiều mảng phù điêu độc đáo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.
Từ sân nhìn vào, đình như một ngôi nhà sàn lớn cách điệu uyển chuyển bởi hệ thống mái và các đầu đao cong. Trên bờ nóc đắp nổi hình tượng “lưỡng long chầu nhật”. Đầu bờ nóc đắp nổi con kìm, bờ giải có cặp sấu và nghê đối xứng nhau. Qua sân gạch tới tòa đại bái, là nơi thờ phụng cũng đồng thời là nơi hội họp, bởi đình không có hậu cung.
Đình Tường Phiêu được người xưa điêu khắc tinh xảo, tập trung ở tòa đại đình. Ở mỗi kẻ hiên được trang trí với các đề tài phong phú, như: Hình sóng nước, vân mây xen lẫn những con vật như ngựa, rùa cõng lạc thư, lân, rồng.
Kỹ thuật chạm theo lối kênh bong và chạm nổi, diễn tả rõ các chi tiết hình nét. Trên tám con chèn ngoài hiên đều được trang trí đề tài rồng bốn móng, miệng ngậm ngọc, con thì nắm tóc, con thì vuốt râu.
Các bức cốn đình còn được chạm trổ “rồng mẫu tử”, chim phượng, hươu, lân. Các đầu dư được tạo tác biến thể thành đầu rồng miệng loe, mắt lồi, có tai giống dơi, tóc râu đao mác mảnh, sắc bén, mềm mại và tinh xảo bay sang hai bên.
Giới nghiên cứu đánh giá đình Tường Phiêu nằm trong hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng và là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao. Hiện, ngôi đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý thuộc nhiều chất liệu và loại hình khác nhau, như: 3 kiệu rước phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 - 18; 3 bộ ngai thờ bài vị niên đại khoảng nửa đầu thề kỷ 18; 3 mâm ấu thế kỷ 19; 6 đạo sắc phong thời Nguyễn; 3 bát hương cổ bằng gốm Thổ Hà; áo phù giá và bộ đài nến bằng đồng.
Với giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật, đình Tường Phiêu được Thủ tướng xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2018. Ngày 21/2/2024, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa Lễ hội đình Tường Phiêu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
![Thắp sáng đuốc rồng soi đường cho đoàn rước trong Lễ hội đình Tường Phiêu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481235/e497be808cce65903cdf.jpg)
Thắp sáng đuốc rồng soi đường cho đoàn rước trong Lễ hội đình Tường Phiêu.
Đuốc sáng tiễn Thánh hồi sơn
Mỗi năm, đình Tường Phiêu tổ chức 4 lễ tiết, riêng lễ hội chính tưởng nhớ ngày sinh của thánh Tản Viên Sơn là lễ hội lớn nhất, diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng, là một trong những lễ hội đặc sắc bậc nhất của xứ Đoài, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Lễ hội bảo lưu nhiều hoạt động truyền thống, trong đó độc đáo nhất là tục rước đêm. Trước đó, từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng tại các thôn xóm, sau một năm chuẩn bị củi khô, phên nứa tạo thành những bó đuốc rồng và cây đình liệu dùng để thắp sáng cho lễ rước.
Theo thông lệ cổ truyền, sáng ngày 14 tháng Giêng, người dân nô nức trong tiếng trống rước Thánh từ đình Tường Phiêu lên đền Ngô Sơn (đền Ngo). Tối hôm đó, sau nghi lễ lấy lửa, khai hỏa, thắp sáng 4 cây đình liệu, bầu trời đêm rực sáng ánh lửa. Người dân xếp hàng chật kín trên con đê sông Tích, hân hoan rước Đức Thánh Tản hồi đình.
Trong đoàn rước từ đền Ngô Sơn về đình Tường Phiêu, kiệu đi tới đâu đuốc đình liệu rực sáng tới đó. Theo huyền tích, tục rước kiệu đêm của làng Tường Phiêu xuất phát từ truyền thuyết Đức Thánh Tản trong một lần ngự giá vi hành tới miền Ngô Sơn, mải mê với việc dạy dân đánh cá và tìm cách trị thủy, ngài và đoàn tùy tùng trở về núi khi đêm đã muộn. Bởi lưu luyến, dân làng đã dùng cây khô làm đuốc để soi đường và để được chiêm ngưỡng Đức Thánh Tản lâu hơn.
![Lửa là biểu tượng linh thiêng trong Lễ hội đình Tường Phiêu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481235/d118890fbb41521f0b50.jpg)
Lửa là biểu tượng linh thiêng trong Lễ hội đình Tường Phiêu.
Ngoài 4 cây đuốc khổng lồ, tại lễ hội còn có nhiều cây đuốc nhỏ gọi là đuốc rồng. Trải qua thời gian, lễ hội làng Tường Phiêu vẫn giữ được nét độc đáo nguyên bản. Quãng đường từ đình làng ra đền Ngô Sơn chỉ khoảng hơn 1 cây số nhưng vào đêm hội luôn kín người rước Thánh. Người xem hội rước ai cũng muốn len tới chui qua kiệu để cầu lộc, cầu tài, cầu may.
Theo các tài liệu nghiên cứu văn hóa dân gian, ven vùng Ba Vì có đến 5 ngôi đền nổi tiếng thờ thần Tản Viên, gồm: Đền Thượng, đền Trung (trên núi), đền Và (Sơn Tây), đền Hạ (xã Minh Quang) và đền Đá Đen (Tản Lĩnh). Trong các di tích lịch sử thờ Đức Thánh Tản thường có 3 bài vị hoặc 3 bức tượng - Thánh Tản ở giữa, hai bên là hai em trai hay hai bộ tướng theo ông đánh giặc.
Đây là một ảnh hưởng giao thoa văn hóa, cả văn hóa Hán, Phật giáo Ấn Độ cùng Đạo giáo bản địa đã tạo ra bộ ba Cao Sơn - Tản Viên - Quý Minh, chính từ khái niệm Ba Vì mà sinh ra bộ ba, mà ngày nay thường được thờ theo Tam vị Đức Thánh Tản trong một số ngôi đình làng nói chung, đình Tường Phiêu nói riêng.
Theo tín ngưỡng dân gian thì Tản Viên Sơn Thánh là vị thần có công lao rất lớn đối với dân làng Tường Phiêu, cho nên hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, nhân dân lại long trọng tổ chức tuần lễ hội để tưởng nhớ công lao to lớn đó.
Nếu như ở nhiều lễ hội truyền thống - nước là biểu tượng thiêng liêng, thì Lễ hội đình Tường Phiêu lại là lửa. Ánh lửa từ các bó đuốc trong hội rước như một con rồng lửa tiến về làng. Khi kiệu tới đình Thôn (đình Thái Giám), các phù giá bắt đầu chạy, kiệu bay vào đình Tường Phiêu nhằm tái hiện huyền tích dân làng đốt đuốc tiễn Thánh cưỡi đám mây hồng ngũ sắc bay về núi Tản.