Di Linh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội
10 năm qua, huyện Di Linh đã triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 41- ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội' (gọi tắt Chỉ thị số 41).

Lễ hội Nhõ lir boong (mừng lúa mới) của người K’Ho ở huyện Di Linh
Di Linh là địa bàn có 42% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ngoài DTTS bản địa gốc Tây Nguyên như: K’Ho, Mạ, Churu, đây còn là địa bàn cư trú của một số dân tộc khác như: Nùng, Sán Dìu, Ra Glai, Tày, Mường… Mỗi dân tộc với những nét văn hóa và nhiều lễ hội khác nhau đã góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện Di Linh.
Tại Di Linh hiện có 2 loại hình lễ hội chủ yếu là: lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian) và lễ hội văn hóa. Các lễ hội thường xuyên được tổ chức trên địa bàn huyện hiện nay như: Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm tại thôn Hiệp Thành 2, xã Tam Bố; Lễ hội Tế Xuân và Tế Thu (Cầu quốc thái dân an) tổ chức hằng năm tại đình thị trấn Di Linh, đình Tân Lập - Di Linh và đình Đồng Lạc (xã Đinh Lạc). Lễ hội của bà con DTTS trên địa bàn: lễ hội Đại Phan của bà con dân tộc Hoa - Nùng ở xã Tân Châu, Liên Đầm và Tân Lâm tổ chức vào tháng 12 Âm lịch; Lễ hội Nhõ Wer (mừng vụ mùa), Lễ hội Nhõ lir boong (mừng lúa mới) của bà con DTTS gốc Tây Nguyên. Các lễ hội tôn giáo: Lễ Phật đản, Lễ Giáng sinh…
Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: Trên cơ sở nội dung Chỉ thị số 41, huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn lồng ghép triển khai nội dung của Chỉ thị vào chương trình, kế hoạch về kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; kế hoạch thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa và các chương trình liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ,… Việc triển khai các nội dung theo Chỉ thị số 41 càng giúp cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nền nếp; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc.
Cụ thể, sau khi Chỉ thị số 41 đi vào đời sống, việc chấp hành các quy định về tham gia lễ hội của cán bộ, đảng viên, người lao động trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm túc. Đánh giá của UBND huyện Di Linh cho thấy, thông qua các nội quy, quy chế, quy định của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động tự ý thức trong tham gia các hoạt động lễ hội, không xảy ra tình trạng vi phạm quy chế, quy định về giờ giấc công vụ như: không tham gia đi lễ chùa, lễ hội trong giờ hành chính, thực hiện tốt quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, không vi phạm việc mê tín dị đoan, đốt vàng mã,… Trong 10 năm qua, không có cán bộ, đảng viên bị phê bình, xử lý trong việc chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Huyện Di Linh cũng tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, các hoạt động lễ hội tại địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sai phạm, hoạt động mê tín dị đoan… trong các hoạt động lễ hội diễn ra trên địa bàn. Trong 10 năm qua, công tác kiểm tra các lễ hội trên địa bàn được tổ chức 27 lượt với 45 lượt lễ hội. Qua đó đã khắc phục tình trạng đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội. Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho đã không còn tổ chức đâm trâu trực tiếp, ở một số lễ quy mô nhỏ thì lễ vật cúng tế chủ yếu là dê, gà, lợn trong các lễ hội được tổ chức hằng năm. Các lễ hội đều xây dựng được các biện pháp, phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm đầy đủ lực lượng, các phương tiện phục vụ lễ hội.
Cũng theo ông Vũ Đức Nhuần, Di Linh là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch và việc đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị tiềm năng về tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững.
Từ năm 2015 đến nay, địa phương đã 3 lần tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng cấp huyện để Nhân dân các dân tộc giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc; phát triển mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo sự lan tỏa để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cùng với nguồn vốn đối ứng của UBND huyện Di Linh thực hiện đầu tư xây dựng Làng truyền thống dân tộc K'Ho tại thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré. Triển khai có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025” tầm nhìn đến 2030 và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn huyện. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện tổ chức 25 lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng cho 692 học viên.
Hiện nay, huyện Di Linh tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 41 phù hợp với đặc điểm, tình hình giai đoạn mới để đảm bảo các lễ hội trên địa bàn diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh.