'Vua tiếng động' Minh Khánh qua đời

Xếp sòng về foley tại Việt Nam là nghệ sĩ Minh Khánh. Ông bước vào thế giới âm thanh và để lại dấu ấn

Nghệ sĩ Minh Khánh

Nghệ sĩ Minh Khánh

Gia đình của nghệ sĩ Minh Khánh (tên thật Bùi Văn Khánh, sinh năm 1942) cho biết, ông đã qua đời vì bệnh già lúc 14 giờ 48 ngày 19-2, thọ 84 tuổi.

Ông đến với nghề tạo tiếng động cho phim Việt từ hãng Việt Phim tại Sài Gòn (trước năm 1975), dưới sự dẫn dắt của cố NSND Năm Châu. Ông từng tâm sự, lúc đó ông chỉ mới 18 tuổi, thầy Năm Châu đang làm người phụ trách toàn bộ phần lồng thoại và tiếng động cho một bộ phim được quay tại Sài Gòn, có sự tham gia của bà Năm Sa Đéc, Thẩm Thúy Hằng, Ba Vân…thì ông đã được tuyển làm một chân phụ việc.

Dần dà ông bị cuốn hút và chạy theo nghề bằng niềm đam mê. Bởi, chỉ với một dụng cụ rất nhỏ thôi, khi nó cất tiếng lên lại là một ngôn ngữ cần thiết cho một phân đoạn. Ông đã từng tâm sự, bản thân phải mường tượng được âm thanh trong đầu, tức là phải nhìn thấy âm thanh, nghe có vẽ trừu tượng nhưng ông đã làm nên chuyện.

NSND Đinh Bằng Phi một lần kể: "Thầy Năm Châu đi đường nhìn thấy đống sắt vụn, chỉ cho Minh Khánh đi nhặt, ban đầu chàng trai này không hiểu thầy mình có ẩn ý gì, nhưng rồi cả đêm khuya hai thầy trò cứ ngồi gõ, theo từng tốc độ, nhịp điệu để hình dung ra rất nhiều tiếng động mà áp dụng cho phim. Từ đó về sau Minh Khánh cứ đi đâu nhìn thấy vật gì rớt ngoài đường là nhặt, nhà anh riết như một cái kho ve chai. Mà anh thì rất vui…cứ chỉ vào đống sắt vụn đó mà nói: "Tụi nó có linh hồn đó nha". Ngay cả vào hậu trường các đoàn hát bội Minh Khánh cũng thích tìm tòi để buộc các vật dụng vô tri cất lên tiếng để anh đưa vào phim ảnh" – NSND Đinh Bằng Phi đã kể.

Đối với giới chuyên môn, nghệ sĩ Minh Khánh có một năng khiếu đặc biệt. Ông ngoài nghề làm tiếng động còn tham gia lồng tiếng, lúc nào gặp ông cũng cười nói về nghề của mình bằng hai chữ "dũng cảm".

Vì thu nhập rất bọt bèo không có mấy người chịu theo, nên học trò của ông cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tại TP HCM có Xuân Tâm, Hồng Tâm, Dị Thảo …đều là đệ tử ruột của ông, và ngoài Bắc có Mạnh Kiên, Minh Thu…

Một lần khi quay phim về đề tài chiến tranh, có cảnh nón sắt, súng ống rơi vãi trên đường. Tiếng động thật nhưng khi vào phim, nghe bị "thô". Vậy là phải dùng "đồ giả" mà hiệu quả hơn. Ông đã lấy muỗng dùa to, cưa đôi ra, làm rớt loảng xoảng, cùng lúc gõ muỗng dùa vào nón sắt. Hoặc sẽ phải làm cách nào tạo ra tiếng giày chạy bì bõm dưới nước, đồng thời có thêm tiếng lúa xào xạc để tái hiện một cánh đồng lúa nước? Làm sao nghe ra âm thanh của một trận đá banh, trong đó có tiếng của trái bóng khi chạm phải cú sút thần tốc?

Ông đã từng tâm sự, việc cải tiến công nghệ phim ảnh trên thế giới hiện nay chính là phần âm thanh, tiếng động. Từ khi sân chơi của nghề làm tiếng động có tư nhân nhảy vào và sử dụng công nghệ tiên tiến, nghề của này đã có nhiều hiệu ứng độc đáo, tạo cho phim ảnh Việt thăng hoa.

Nhưng một vài đạo diễn vẫn thích dùng âm thanh, tiếng động thủ công và nghề của ông đã có chỗ đứng. Ông thật sự tạo nên "ma thuật của cái giả", đem áp dụng vào cái thật diễn ra trên phim, từ đó cuốn hút công chúng.

Chính cái tâm và đạo đức làm nghề nghiêm túc của nghệ sĩ Minh Khánh được nhiều đồng nghiệp yêu mến. Ông ra đi là một mất mát lớn của điện ảnh Việt Nam khi mà chưa kịp ghi lại những kinh nghiệm, kiến thức và đúc kết giáo trình giảng dạy cho nghề tiếng động trong phim tại Việt Nam.

Tang lễ của nghệ sĩ Minh Khánh được tổ chức tại nhà riêng: 145/32 đường Ba Tháng Hai, phường 10, quận 10, TP HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 22-2, sau đó hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Thanh Hiệp (ảnh NSCC)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vua-tieng-dong-minh-khanh-qua-doi-196250219185602755.htm
Zalo