Bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống

ĐTO - Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương tích cực triển khai công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống trên địa bàn theo từng năm, giai đoạn sát với điều kiện thực tế của địa phương.

Tỉnh đang triển khai Dự án đầu tư “Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc” tọa lạc Phường 4, TP Cao Lãnh

Tỉnh đang triển khai Dự án đầu tư “Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc” tọa lạc Phường 4, TP Cao Lãnh

Theo đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống nói chung và việc tu bổ, nâng cấp di tích lịch sử - văn hóa nói riêng được quan tâm. Đồng thời thực hiện việc kiểm kê di tích, đến nay toàn tỉnh có 106 di tích được xếp hạng: cấp Quốc gia đặc biệt, cấp Quốc gia, lịch sử - văn hóa cấp tỉnh... Nhìn chung, các ngành hữu quan, huyện, thành phố trong tỉnh tích cực triển khai công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống trên địa bàn theo từng năm, giai đoạn sát với điều kiện thực tế của địa phương.

Tại huyện Cao Lãnh, năm 2024, địa phương thực hiện hoàn thành công tác trùng tu, sửa chữa Khu di tích Tràm Dơi tọa lạc xã Mỹ Thọ (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư hơn 13,6 tỷ đồng gồm các hạng mục: cải tạo nhà truyền thống, hội trường, văn phòng huyện ủy, cảnh quan, sản phẩm mỹ thuật, sa bàn tổng thể khu di tích... Việc trùng tu, sửa chữa Khu di tích Tràm Dơi đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Cùng với chiều dài lịch sử của huyện Cao Lãnh, nơi đây ghi dấu những chiến tích anh dũng, kiên cường của quân và dân Cao Lãnh dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Cao Lãnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sẽ là “Địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống, về nguồn và tôn vinh giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương.

Huyện Cao Lãnh đã tiến hành trùng tu, nâng cấp Đình Phong Mỹ tọa lạc xã Phong Mỹ (Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh). Theo Ban tế tự Đình Phong Mỹ, đình được vua Tự Đức phong sắc vào năm 1864, đây là công trình kiến trúc cổ nổi bật giữa làng quê thanh bình với diện tích gần 1.200m², là nơi ghi khắc những dấu ấn lịch sử của Nhân dân Phong Mỹ anh hùng. Ngày 20/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1192 công nhận Đình Phong Mỹ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đến nay, toàn huyện Cao Lãnh có 6 đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đây là điều kiện để phát huy thiết chế văn hóa cơ sở, nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động du lịch, lễ hội đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.

Thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 140 ngày 22/4/2022 về số lượng Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025 và nguồn vốn hỗ trợ địa phương để phù hợp với lộ trình và khả năng cân đối vốn của tỉnh.

Việc triển khai Kế hoạch số 140 được lồng ghép với Đề án phát huy giá trị đình làng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, là “Địa chỉ đỏ” để tổ chức sinh hoạt giáo dục truyền thống lịch sử và lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, nhiều di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng trên địa bàn tỉnh lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa của Đồng Tháp, mang nét đẹp đặc sắc, đậm chất lịch sử. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm hoạt động về nguồn của đồng bào cả nước và du khách quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng trên quê hương Đất Sen hồng.

Toàn tỉnh có hàng chục nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Trong đó, nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đa dạng tập trung chủ yếu vào 5 nhóm: chế biến và bảo quản nông, lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, thêu ren, đan lát... Các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 13.000 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/lao động/tháng. Đặc biệt, nhiều nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/van-hoa/bao-ton-ton-tao-va-khai-thac-gia-tri-di-tich-lich-su-van-hoa-lang-nghe-truyen-thong-129357.aspx
Zalo