Di Linh giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS
Bằng cách làm phù hợp với đặc thù địa phương, huyện Di Linh hướng tới mục tiêu chung giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Di Linh thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào DTTS
• “LÕI” NGHÈO TẬP TRUNG Ở VÙNG DTTS
Di Linh có dân số trên 166 ngàn người, trong đó hơn 42% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là bà còn DTTS gốc Tây Nguyên. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Di Linh, hiện nay, “lõi” nghèo đang tập trung ở vùng đồng bào DTTS. Bởi vậy việc giảm nghèo trong vùng dân cư này là yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển của toàn huyện. Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được xem là trụ cột trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở huyện Di Linh, nhất là trong vùng đồng bào DTTS.
Theo ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, trong những năm qua, địa phương đã tăng cường các giải pháp giảm nghèo, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, đồng thời vận động các nguồn lực hỗ trợ nhà ở, sinh kế và xây dựng các mô hình giảm nghèo.
Huyện Di Linh tập trung thực hiện công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, trong đó, cốt lõi là việc hướng dẫn bà con thay đổi tư duy, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Huyện Di Linh đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các mô hình liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như: sản xuất cà phê giống mới cho sản lượng cao, trồng bơ ghép, sầu riêng ghép, mắc ca... giúp bà con nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Để giúp bà con giảm nghèo nhanh và bền vững theo các đề án của Chính phủ, Di Linh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư giảm nghèo trực tiếp đến từng hộ nghèo… Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 1 - 1,5%.
• KHÔNG BỎ AI LẠI PHÍA SAU
Theo lãnh đạo huyện Di Linh, từ năm 2022 đến nay, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hằng năm đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, phòng, ban, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền, hỗ trợ giếng nước sạch, xây nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ học bổng, tặng xe đạp cho trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ sinh kế, tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho người khó khăn và đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” hàng năm. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các cụm khối thi đua của huyện vận động các nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, đã vận động được 550 triệu đồng và đã thực hiện hỗ trợ cho 14 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo thông qua các hoạt động hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, vật nuôi, phân bón… cho bà con; đồng thời hướng dẫn, định hướng cho người nghèo sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.
Các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo cũng được đảm bảo. Đơn cử như chính sách về Bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm được cấp đầy đủ theo quy định. Về giáo dục, địa phương đã làm tốt công tác vận động người dân cho trẻ đến trường đúng độ tuổi, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Thực hiện hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chính sách miễn giảm cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Di Linh đã huy động các nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; qua đó, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 648 căn nhà từ Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các ban, ngành, đoàn thể, các nhà tài trợ.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác, hướng dẫn lập hồ sơ cho vay, chỉ đạo thực hiện giải ngân kịp thời. Kết quả cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách trong giai đoạn đã cho vay số tiền là trên 275 tỷ đồng. Ngoài ra, các chính sách về hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, đào tạo nghề… được thực hiện đảm bảo.
Trong quá trình thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2022 - 2025, trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều cách làm hay, mô hình mới đem lại hiệu quả. Điển hình như các mô hình: Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ khay nuôi tằm, vật nuôi, cây giống cho phụ nữ nghèo; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện hỗ trợ đoàn viên, thanh niên nghèo thực hiện mô hình nuôi heo đen, nuôi gà; UBND xã Đinh Trang Thượng với mô hình trồng dâu, nuôi tằm, trồng lagim…
Phong trào thi đua thấm sâu và lan tỏa theo nhiều cách khác nhau từng bước đưa tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của huyện Di Linh đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Thống kê của UBND huyện Di Linh cho thấy, đầu năm 2022, thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 - 2025, huyện Di Linh có tỷ lệ nghèo đa chiều 11,9% tương ứng với 4.913 hộ; tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào DTTS là 19% tương ứng với 3.022 hộ. Đến năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 2,93% (giảm 8,97% so với năm 2021), trong đó, tỷ lệ đồng bào DTTS còn 4,74 % (giảm 14,53% so với năm 2021).
Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Phong trào thi đua Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau vẫn tiếp tục được huyện Di Linh triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình mới. Điều đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo cơ hội cho nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.