Đề xuất đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP nhằm giảm áp lực ngân sách nhà nước
Dự án đường cao tốc Nha Trang - Đà Lạt với tổng chiều dài 80,8 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng, đang được đề xuất triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo loại hợp đồng BOT, nhằm huy động nguồn lực xã hội và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Theo đề xuất chung của UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án sẽ được ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, phương án đầu tư theo hình thức PPP sẽ được trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá phương thức PPP là phù hợp và khả thi trong bối cảnh ngân sách trung ương gặp nhiều khó khăn về cân đối vốn.
Bộ Xây dựng hiện đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, ưu tiên cho các dự án trọng điểm như mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Do đó, việc dành ngân sách cho cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trong kế hoạch này được đánh giá là khó khả thi nếu không có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Trong trường hợp được hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương, dự án đủ điều kiện triển khai theo mô hình PPP. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này có thể được khởi công trước năm 2030.
Bộ Xây dựng nhận định sơ bộ tổng mức đầu tư và suất đầu tư bình quân khoảng 233 tỷ đồng/km như đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ bản phù hợp. Đồng thời, Bộ cũng khuyến nghị địa phương cập nhật suất đầu tư theo hướng dẫn mới nhất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với mặt bằng chi phí thực tế.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xác định khả năng bố trí vốn và khả năng tham gia ngân sách nhà nước đối với dự án này.
Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt được xem là tuyến giao thông chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội cho 3 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang và Đà Lạt xuống còn khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ, so với 3 giờ 30 phút đến 4 giờ hiện nay. Cao tốc cũng sẽ hình thành trục kết nối quan trọng giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, đồng thời gia tăng khả năng kết nối với các trung tâm kinh tế và hệ thống cảng biển.
Hiện nay, quốc lộ 27C là tuyến đường duy nhất nối liền hai thành phố, song tuyến này đi qua đèo Khánh Lê dài khoảng 30 km với địa hình hiểm trở, thường xuyên sạt lở và không phù hợp cho xe tải trọng lớn, gây cản trở lớn cho lưu thông và phát triển giao thương.