ĐHĐCĐ Eximbank: Mục tiêu lãi cao nhất lịch sử hoạt động, không chia cổ tức, bầu người của Gelex vào HĐQT
'Ban điều hành ngân hàng đặt mục tiêu phát triển bền vững, đi nhanh nhưng không vội, tập trung vào các chỉ số an toàn để tạo nền tảng cho những năm tiếp theo', Tổng giám đốc Eximbank nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ thường niên 2025.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Eximbank.
Mục tiêu lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động, không chia cổ tức
Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – HOSE: EIB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Quyền Tổng giám đốc Eximbank Nguyễn Hoàng Hải nhận định: "2025 là một năm với mức độ biến động rất là cao, thậm chí là những cú sốc. Chỉ với một tweet, một bài đăng Facebook, một bài phát biểu của Tổng thống Mỹ hay các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng sẽ thay đổi hoàn toàn tình hình kinh tế, tác động đến hoạt động của ngân hàng".
Dự báo trong năm nay, các yếu tố như lãi suất, tỷ giá và rủi ro từ thị trường tài chính quốc tế sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức không nhỏ cho ngành ngân hàng.
Cụ thể, các biến động chính trị, xung đột địa chính trị và sự bất ổn của thị trường năng lượng toàn cầu có thể gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường tài chính quốc tế, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động của ngân hàng.
Về lãi suất và tỷ giá, dự báo lãi suất toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi tỷ giá có thể biến động mạnh do những tác động từ chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc.
Ở trong nước, năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8%. NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 16% để chuẩn bị cho mục tiêu tăng trưởng cao, đồng thời điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ổn định, ban lãnh đạo Eximbank nhận định các ngành xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn từ thị trường quốc tế. Đồng thời, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được theo dõi sát sao để hạn chế rủi ro.
"Trong bối cảnh như vậy, ban điều hành ngân hàng đặt mục tiêu phát triển bền vững, đi nhanh nhưng không vội, tập trung vào các chỉ số an toàn để tạo nền tảng cho những năm tiếp theo", Quyền Tổng giám đốc Eximbank nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, HĐQT Eximbank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.580 tỷ đồng, tăng 33,2% so với năm 2024. Trước đó, năm 2024, Eximbank đạt mức lợi nhuận trước thuế 4.188 tỷ đồng, mặc dù chỉ hoàn thành 81% kế hoạch năm nhưng đã tăng 54% so với 2023 và là mức lãi cao kỷ lục trong 35 năm.
Các chỉ tiêu chính khác trong kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Eximbank bao gồm tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thực hiện năm 2024. Huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%. Dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,99%, tương ứng giảm 0,54 điểm % so với tỷ lệ nợ xấu 2,53% tại thời điểm cuối năm 2024.
Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo trình cổ đông phương án không chia cổ tức, giữ lại toàn bộ 2.464 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối đến năm 2024 nhằm củng cố năng lực tài chính để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Năm nay, Eximbank cũng dự kiến tiếp tục triển khai phương án xử lý cổ phiếu quỹ Eximbank theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023. Theo ban lãnh đạo, trong năm 2024, do diễn biến thị trường không thuận lợi nên Eximbank chưa thực hiện việc bán cổ phiếu quỹ. Đến thời điểm hiện tại, Eximbank vẫn đang nắm giữ 6.090.000 cổ phiếu quỹ.
Trên cơ sở đó, HĐQT báo cáo cổ đông việc tiếp tục thực hiện bán toàn bộ cổ phiếu quỹ theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên đã được thông qua.
Khóa room ngoại ở mức 6%
Một tờ trình của ban lãnh đạo Eximbank tại đại hội liên quan đến việc khóa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức không vượt quá 6% vốn điều lệ, thay vì tỷ lệ 30% như hiện tại. Theo ban lãnh đạo, điều này nhằm ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Eximbank cũng như thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào ngân hàng.
Trên cơ sở đề xuất này, HĐQT dự kiến bổ sung thêm Khoản 6 vào Điều 20 Điều lệ của ngân hàng với nội dung: "6. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 06% (sáu phần trăm) vốn điều lệ của Eximbank từng thời kỳ".
Theo số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cập nhật đến ngày 28/4, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Eximbank là 4%.
Bầu người của Gelex vào HĐQT
Một trong những nội dung quan trọng tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ngân hàng Eximbank, theo tài liệu được công bố trước thềm đại hội là việc bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2025 – 2030 với 5 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.
Trong 5 ứng viên dự kiến bầu vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới, có 2 ứng viên là thành viên HĐQT đương nhiệm gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Cảnh Anh và Phó Chủ tịch HĐQT Đỗ Hà Phương.
Cùng đó là hai ứng viên HĐQT độc lập bao gồm ông Hoàng Thế Hưng (SN 1981) – Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Nhất Việt (HOSE: VFS) và bà Phạm Thị Huyền Trang (SN 1982) – cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng MB (MBB).
Danh sách cũng có sự xuất hiện của ông Phạm Tuấn Anh, người có 26 năm gắn bó vớiCTCP Tập đoàn Gelex (GEX). Tại thời điểm Đại hội diễn ra, ông Phạm Tuấn Anh đã từ nhiệm tất cả các vị trí tại Gelex để đảm bảo tuân thủ quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2024. Trước đó, ông Phạm Tuấn Anh từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại hệ sinh thái Gelex như Kế toán trưởng Gelex, Phó Tổng giám đốc CTCP Điện lực Gelex (Gelex Electric - GEE)...
Tại ĐHĐCĐ thường niên của Gelex hồi cuối tháng 3, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn thông tin rằng Gelex hiện nắm giữ 10% vốn của Eximbank và đây là "một khoản đầu tư dài hạn". Theo TGĐ Gelex, việc đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng không phải để phát triển hệ sinh thái mà để mang lại lợi nhuận dài hạn trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ không tham gia điều hành Eximbank. Tuy nhiên, nếu HĐQT Eximbank cần chúng tôi đóng góp để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thì chúng tôi sẵn sàng", ông Nguyễn Văn Tuấn nói tại ĐHĐCĐ Gelex. Cũng theo ông Tuấn, bản thân ông sẽ không ứng cử vào HĐQT Eximbank, mà công ty sẽ cử một đại diện khác.
Dừng xây trụ sở ở TP. HCM
Ngoài những nội dung trên, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua phương án chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. HCM. Trước đó, nội dung này đã được ban lãnh đạo Eximbank trình đại hội bất thường vào cuối năm 2024 xem xét, song tờ trình không được thông qua.
Cùng đó, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ việc sửa đổi Điều lệ ngân hàng cho phù hợp với nội dung thay đổi địa điểm đặt Trụ sở chính của Eximbank. Cụ thể, sửa đổi nội dung về “Địa chỉ” tại Khoản 3 Điều 2 Điều lệ Eximbank từ “Địa chỉ: Tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam" thành “Địa chỉ: số 27-29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam".