Eximbank ra mắt HĐQT nhiệm kỳ 2025 - 2030, dời trụ sở từ TP.HCM ra Hà Nội
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Eximbank ngày 29/4 thông qua việc bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030.
Bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới
Theo đó, cơ cấu HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 đề cử có hai thành viên độc lập nhằm đảm bảo yêu cầu mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đảm bảo hoạt động của HĐQT độc lập, khách quan và minh bạch.
Danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ của Eximbank nhiệm kỳ này gồm 5 thành viên. Trong đó có ông Nguyễn Cảnh Anh, hiện là Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025 và bà Đỗ Hà Phương, Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025. Ba ứng viên mới được đề cử trong danh sách này là ông Phạm Tuấn Anh, ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.
Ông Phạm Tuấn Anh sinh năm 1976, là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kế toán và đã có 26 năm làm việc tại hệ thống GELEX. Ông từng là Kế toán trưởng Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (nay là CTCP Tập đoàn GELEX), từng đảm nhiệm thành viên HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT tại nhiều công ty thành viên trong hệ thống GELEX.

HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới của Eximbank.
Hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh là Phó tổng giám đốc CTCP Điện lực GELEX (GELEX Electric), Tổng giám đốc CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM). Được biết, ông Phạm Tuấn Anh sẽ từ nhiệm tất cả các vị trí trong hệ thống GELEX trước thời điểm đại hội Eximbank tiến hành bầu thành viên HĐQT nhằm đảm bảo đúng yêu cầu không cùng đảm nhận các chức vụ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. GELEX hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Hai ứng viên HĐQT độc lập còn lại là ông Hoàng Thế Hưng (sinh năm 1981) và bà Phạm Thị Huyền Trang (sinh năm 1982). Bà Phạm Thị Huyền Trang có trình độ thạc sĩ tài chính ngân hàng, cao cấp lý luận chính trị. Bà từng có 12 năm công tác tại VietinBank và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng này như Phó giám đốc chi nhánh TP.Hà Nội, Trưởng phòng phê duyệt tín dụng, Phó giám đốc khối phê duyệt tín dụng… Bà Trang cũng từng công tác tại Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Đèo Cả…
Ông Hoàng Thế Hưng là kỹ sư công nghệ thông tin với hơn 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và giải pháp số. Ông Hưng từng là Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Điện lực. Hiện, ông Hưng là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Nhất Việt.
Khóa room ngoại ở mức 6%, dời trụ sở ra Hà Nội
Bên cạnh danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ, Eximbank cũng công bố danh sách ứng viên Ban Kiểm soát được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận với 5 thành viên gồm: bà Doãn Hồ Lan, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, ông Nguyễn Trí Trung, bà Trần Thị Minh Lý và ông Hoàng Tâm Châu. Ngoài ra, Eximbank cũng trình cổ đông thông qua tờ trình của HĐQT về việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và sửa đổi.
Quyền Tổng giám đốc Eximbank ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc củng cố quản trị, minh bạch cổ đông và nâng cao hiệu quả hoạt động không chỉ là nhiệm vụ 3-5 năm tới, mà là sứ mệnh dài hạn của Eximbank.
Theo ông Hải, Eximbank mong muốn kết thúc nhiệm kỳ 7 và bước sang nhiệm kỳ 8 với những bước đi vững chắc, có sự đồng hành của các cổ đông lớn có tiềm lực, hướng tới xây dựng một Eximbank minh bạch, phát triển bền vững, loại bỏ tâm lý đầu tư ngắn hạn "ăn xổi ở thì".
Ngoài vấn đề nhân sự cấp cao, đại hội Eximbank Eximbank cũng trình cổ đông thông qua tờ trình của HĐQT về việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 6%.
Trước câu hỏi của cổ đông thắc mắc về việc tại sao Eximbank lại khóa room ngoại ở mức 6%, thấp hơn mức tối đa mà pháp luật cho phép tối đa 30%? Ông Hoàng Hải cũng cho rằng, Ngân hàng đang bước vào quá trình phát triển mới, các đối tác nước ngoài đang rất quan tâm và để ý đến tiềm năng của cổ phiếu EIB trong thời gian tiếp theo. Exibmank đã có tiếp cận sơ bộ với các tổ chức nước ngoài trong đó có nhiều tổ chức lớn mang tầm vóc thế giới.
Theo ông Hải, kỳ vọng của họ và mong muốn đồng hành cùng Ngân hàng dưới vai trò là đối tác chiến lược, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn và cổ đông gần lớn. Trong đó, cổ đông chiến lược có mức gốn góp khoảng 15%, cổ đông lớn là 5% và đối tác gần lớn là 4%, tổng ước khoảng 24%. Eximbank lấy con số 30% trừ đi 24% này ra mức còn lại là 6%. Ngân hàng mong muốn để lại 6%, phần còn lại để dành cho các nhóm đối tác nói trên. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào tinh thần ý chí của các cổ đông.
Đối với việc di dời trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội cũng là vấn đề được ĐHĐCĐ Eximbank quan tâm, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ nhân viên. Theo Eximbank, nguồn nhân lực luôn là tài sản quý giá nhất của ngân hàng. Do đó, trong quá trình chuyển đổi, chúng tôi luôn đặc biệt chú trọng yếu tố con người.
Khi việc di dời trụ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cho phép thực hiện, ngân hàng chắc chắn sẽ có phương án phân công, bố trí nhân sự sao cho hợp lý nhất, phù hợp với nhu cầu hoạt động và chiến lược phát triển của ngân hàng trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng số phát triển rất mạnh, nhiều vị trí công việc hoàn toàn có thể được tổ chức linh hoạt.
Do đó, tùy tính chất từng vị trí, sẽ có cán bộ làm việc trực tiếp tại Hà Nội, nhưng cũng có thể có cán bộ được bố trí làm việc từ TP.HCM hoặc từ xa nếu phù hợp với yêu cầu công việc. Ngoài ra, Eximbank sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cán bộ nhân viên. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ xây dựng phương án bố trí nhân sự hài hòa nhất - vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động, vừa đáp ứng quyền lợi, điều kiện và mong muốn của người lao động. Ban điều hành và toàn hệ thống Eximbank sẽ làm hết sức để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển ngân hàng và quyền lợi của cán bộ nhân viên.
Về vấn đề không chia cổ tức trong năm nay, theo ông Nguyễn Cảnh Anh, Chủ tịch HĐQT Eximbank, HĐQT thấu hiểu mong muốn của tất cả các cổ đông về vấn đề chia cổ tức. Tuy nhiên, năm 2025 là một năm có nhiều yếu tố bất ổn, cả ở bối cảnh quốc tế lẫn trong nước. Về định hướng chiến lược dài hạn, Eximbank đang chuẩn bị nhiều bước quan trọng nhằm tăng năng lực quản trị rủi ro và an toàn hoạt động, để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất theo chuẩn Basel III và những yêu cầu ngày càng nâng cao.
Vì vậy, HĐQT đã cân nhắc rất kỹ và đưa ra một quyết định chủ động là thống nhất là trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương không chia cổ tức trong năm 2025. Việc không chia cổ tức không phải là một dấu hiệu tiêu cực, mà là một quyết định rất chủ động nhằm củng cố nền tảng tài chính vững chắc cho ngân hàng, để chủ động ứng phó với biến động thị trường và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
HĐQT Eximbank tin rằng, với định hướng như vậy, Eximbank sẽ phát triển một cách an toàn, hiệu quả và bền vững, từ đó gia tăng giá trị cho cổ đông không chỉ qua cổ tức, mà còn qua giá trị cổ phiếu và vốn hóa thị trường.