Hoa Kỳ coi trọng đối thoại với Việt Nam về chính sách thuế quan

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia được Hoa Kỳ ưu tiên đối thoại và phối hợp đàm phán.

Động thái thuế quan từ Hoa Kỳ đang tạo ra không ít sức ép cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Động thái thuế quan từ Hoa Kỳ đang tạo ra không ít sức ép cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Thông tin này được ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cung cấp tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại do Bộ Công thương tổ chức, nhằm thảo luận các phương án chủ động thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu.

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng mức thuế đối ứng lên tới 46% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, với hiệu lực ban đầu từ ngày 9/4.

Mặc dù sau đó phía Hoa Kỳ đã thông báo tạm hoãn 90 ngày đối với các quốc gia, áp mức thuế cơ sở 10%, nhưng động thái này vẫn tạo ra không ít thách thức cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, thủy sản, nội thất và nông sản.

Trước tình hình đó, các hoạt động ngoại giao cấp cao giữa hai nước đã được xúc tiến một cách khẩn trương và có chiều sâu. Từ cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ, đến chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia bằng các biện pháp đối thoại thực chất.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, báo cáo trực tuyến tại hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, báo cáo trực tuyến tại hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đặc biệt, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cuộc điện đàm ngày 23/4 giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer để chính thức khởi động đàm phán vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã mang lại kết quả tích cực.

Chỉ một ngày sau, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã đăng tải thông cáo báo chí trên cổng thông tin chính thức - động thái cho thấy mức độ ưu tiên với Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho hay, phía Hoa Kỳ còn nghiêm túc xem xét đề xuất tổ chức họp song phương cấp cao, đồng thời mời đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sang họp khởi động đàm phán trong tuần này (ngay thời điểm nghỉ lễ).

Theo ông Hưng, điều này thể hiện sự quan tâm và coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng, nghiêm túc, có thiện chí.

Cũng theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Việt Nam nằm trong nhóm các nước Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán gồm: Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.

Trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 4,1 tỷ USD, tăng 21%, cho thấy sự bổ trợ và gắn kết giữa hai nền kinh tế.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tuy nhiên, việc áp thuế cao vẫn là nguy cơ hiện hữu, đặc biệt với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày - vốn nhạy cảm với giá cả và dễ bị tổn thương bởi các cú sốc chính sách.

Để ứng phó, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến nghị, bên cạnh việc tăng cường nỗ lực ngoại giao, các cuộc đàm phán để vận động xử lý vấn đề thuế đối ứng, cần tiếp tục triển khai lộ trình cụ thể để Việt Nam bảo vệ lợi ích thương mại trước các biện pháp thuế quan tiềm tàng từ chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong quan hệ song phương giữa hai nước, từ công nghiệp, đến thương mại, đầu tư, năng lượng, trí tuệ nhân tạo…

Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các biện pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các FTA thế hệ mới; thúc đẩy tiêu dùng nội địa; nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp; đơn giản hóa môi trường kinh doanh và đầu tư mạnh vào công nghệ-đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp cũng nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước, từ đó củng cố xuất khẩu thông qua đầu tư vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của các ngành công nghiệp quan trọng mang tính hỗ trợ, nền tảng, nâng cấp công nghệ, khuyến khích đổi mới, đơn giản hóa các quy định kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, cần tăng cường khả năng phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô, thúc đẩy xuất khẩu với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong nước, góp phần nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Theo ông Hưng, do các quốc gia bị áp thuế có thể tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, gây áp lực cạnh tranh lớn hơn cho thị trường Việt Nam, việc hợp tác đầy đủ với phía Hoa Kỳ trong quá trình cung cấp thông tin cho các vụ kiện thương mại cũng là điều quan trọng để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và tránh các rủi ro pháp lý.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoa-ky-coi-trong-doi-thoai-voi-viet-nam-ve-chinh-sach-thue-quan-post876253.html
Zalo