'Dệt' bức tranh văn hóa xứ Mường

Ở vùng cao Mường Khương có 14 nhóm, ngành dân tộc cùng sinh sống và sở hữu những giá trị văn hóa độc đáo. Vào mỗi dịp tết đến, xuân về, khi đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi, nảy lộc thì nét đẹp văn hóa ấy lại càng có dịp bộc lộ và tô điểm cho mùa xuân xứ Mường thêm rực rỡ, sinh động những sắc màu.

Mùa lễ hội xuân ở vùng cao Mường Khương không thể thiếu tiếng khèn của đồng bào Mông. Từ xa xưa, khèn được coi là biểu tượng, linh hồn của văn hóa dân tộc Mông. Tiếng khèn kết nối giữa trời và đất, là thanh âm, tâm sự giữa con người với tự nhiên. Tiếng khèn vang cao, vang xa trong không gian hùng vĩ của đại ngàn, bày tỏ tinh thần kiên cường, lạc quan của đồng bào Mông giữa những khó khăn, thử thách khắc nghiệt, là ước vọng về một cuộc sống tương lai bình yên và ấm no.

Năm nào cũng vậy, ông Thào Sín Diu và ông Thào Seo Sèo ở xã Tả Ngài Chồ đều được mời tham gia biểu diễn múa khèn tại Lễ hội Gầu tào - lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của đồng bào Mông ở Mường Khương. Khi tiếng khèn vang lên, mọi người du xuân đều hướng về phía sân khấu chính của lễ hội. Tiếng khèn khai xuân, mừng xuân mới réo rắt, vui tươi mang ý nghĩa chúc tụng, mời dân làng và bạn bè bốn phương cùng vui hội. Tiếng khèn cổ vũ tinh thần đồng bào Mông sau một năm chăm chỉ lao động, ca ngợi tình đoàn kết, gắn bó keo sơn. Cùng với đó, điệu múa khèn với những động tác uyển chuyển, nhịp nhàng đầy kỹ thuật khiến người xem khó có thể rời mắt.

Được biểu diễn trong dịp lễ hội đối với ông Diu, ông Sèo là niềm vinh dự và tự hào bởi lẽ tiếng khèn thân thuộc với họ từ thủa còn thơ, giờ đây đã ngấm vào hồn cốt. Ông Thào Sín Diu chia sẻ: Lễ hội Gầu tào thu hút nhiều du khách thập phương, trong đó có cả du khách quốc tế, vì thế tôi rất vui khi được góp phần thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mông, để ngày càng nhiều người biết đến...

Lẫn trong tiếng khèn gọi mùa xuân, còn có tiếng khèn, tiếng sáo tỏ tình, gọi bạn. Những cô gái Mông xúng xính trong bộ váy thổ cẩm say điệu múa ô, múa khèn, e ấp nên duyên… Hình ảnh ấy tô thắm thêm nét đẹp ngày xuân trên vùng cao Mường Khương đậm đà bản sắc.

Tháng Chạp, sắc xuân đã lan tỏa trên khắp bản làng ở Tả Gia Khâu. Điểm xuyết lên núi rừng hùng vĩ là những tia nắng ấm áp, hoa trạng nguyên đỏ rực các lối dẫn vào bản; ven đường dã quỳ đua nhau khoe sắc vàng óng. Cánh rừng cấm La Hờ xanh ngắt màu của những tán cây sến, táu cổ thụ, chở che người dân ở bản Thải Giàng Sán từ bao đời. Nơi đây, cộng đồng người dân tộc Thu Lao sống quần tụ, đoàn kết phát triển kinh tế và nêu cao ý thức cao giữ gìn văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thủ công.

Bên hiên nhà, những phụ nữ Thu Lao đang mải miết thêu thùa những đường kim, mũi chỉ khéo léo để hoàn thành họa tiết thổ cẩm đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống. Bà Hồ Si Vín đã có hơn 40 năm gắn bó với khung dệt, từ năm 15 tuổi, bà đã học thành thạo các công đoạn tách hạt bông, kéo sợi, tách sợi và dệt vải. Đến nay, khi đã gần 60 tuổi, bà vẫn cần mẫn dệt lên những tấm vải bông và khéo léo thêu những họa tiết thổ cẩm độc đáo trên trang phục.

Bà Vín truyền dạy cho con, cháu trong làng kỹ năng dệt, trao truyền cho thế hệ trẻ cả tình yêu, niềm tự hào và đam mê với văn hóa truyền thống. Bà Vín chia sẻ: Để làm ra một bộ trang phục của người Thu Lao cần rất nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn. Người phụ nữ Thu Lao phải thật sự kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ mới có thể làm ra tấm vải và thêu được những họa tiết thổ cẩm sao cho đẹp, mềm mại. Hoa văn trên mỗi bộ trang phục tùy thuộc vào sự sáng tạo, thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Đó là những họa tiết cách điệu lấy cảm hứng từ thiên nhiên, từ cuộc sống cần cù của người Thu Lao như mặt trời, cây cối, hoa lá, chim muông, công cụ lao động…

Mỗi bộ trang phục thủ công ẩn chứa bao tâm tư, tình cảm của phụ nữ Thu Lao, bởi vậy, họ đều giữ gìn một bộ váy áo đẹp nhất, đính trang sức bạc quý giá để mặc trong dịp lễ, tết. Chị Tải Thế Sìn (hơn 20 tuổi) là đại diện cho thế hệ trẻ Thu Lao ở bản Thải Giàng Sán tiếp nối nghề truyền thống. Chị theo các bà, các mẹ học hỏi công đoạn của nghề dệt, thêu các họa tiết thổ cẩm và làm đôi giày vải cầu kỳ… Qua bàn tay chị, những sợi chỉ nhiều màu sắc óng ánh tạo thành sắc màu hoa văn độc đáo dần hiện hữu, nổi bật trên nền vải chàm như sắc xuân đang về.

Đồng bào các dân tộc huyện Mường Khương rất tự hào khi có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Trống trong nghi lễ đồng bào Mông; lễ cúng rừng (cấm bang) của dân tộc Thu Lao; nghệ thuật trang trí trên trang phục dân tộc Bố Y; nghệ thuật trang trí trên trang phục dân tộc Nùng Dín; nghệ thuật tranh cắt giấy (Chàng Slaw) của dân tộc Nùng; tết Sử giề pà (Lễ tạ ơn trâu) của dân tộc Bố Y; Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, xã Pha Long. Ngoài ra, huyện Mường Khương còn tự hào vì có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 5 Nghệ nhân Ưu tú.

Trong dòng chảy văn hóa, cộng đồng các dân tộc Mường Khương đang chung tay xây dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Không chỉ trong cộng đồng mà trong các trường học ở vùng cao, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng, qua đó góp phần nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ tự hào về truyền thống, về trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa trong mọi hoàn cảnh...

Khi muôn hoa khắp núi rừng bừng nở trong ngày xuân, khi ánh nắng vàng như đổ mật, những em nhỏ, phụ nữ, thanh niên dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… lại say mê trong điệu dân vũ, cùng ca vang giai điệu tình yêu quê hương tươi đẹp. Những ngày rộn ràng đón tết, các em được sống trong không gian lễ hội vui tươi, rộn rã với những điệu khèn, điệu múa, tiếng sáo, tiếng hát dân ca… và cùng chơi những trò chơi dân gian đặc sắc, như cù, ném pao, bắn nỏ, đu quay… Lớn lên trong không gian đậm đà bản sắc, các em sẽ là thế hệ tiếp nối, giữ gìn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Mường Khương đến mọi miền.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/det-buc-tranh-van-hoa-xu-muong-post395746.html
Zalo