Bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tiến hành kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào DTTS Chăm, Khmer. Từ đó, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
An Giang có đông đồng bào DTTS cùng sinh sống, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, toàn tỉnh có 28 DTTS. Trong đó, người Khmer chiếm 3,98%, người Chăm chiếm 0,59%, người Hoa chiếm 0,27%, còn lại là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái... sống nhiều nơi trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 90 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích là chùa Xvay-ton của dân tộc Khmer (huyện Tri Tôn) và Thánh đường Hồi giáo Mubarak của dân tộc Chăm (TX. Tân Châu) được xếp hạng cấp quốc gia; 2 di tích cấp tỉnh là chùa Snay Don Kum và chùa Svay Ta Nấp của dân tộc Khmer (huyện Tri Tôn). Song song đó, An Giang hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, có 6 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS Khmer, Chăm. Sở VH,TT&DL đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt 2 đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Hội Đua bò Bảy Núi và Tri thức, kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người DTTS Khmer.
“Thời gian qua, các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng đều được quản lý, trùng tu, tôn tạo để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định Luật Di sản văn hóa. Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia bảo tồn, giữ gìn bản sắc, kiến trúc nghệ thuật, nét văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, Sở VH,TT&DL đã tiến hành kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào DTTS Chăm, Khmer trên địa bàn 16 xã thuộc 5 địa phương: Huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, An Phú, TX. Tịnh Biên và TX. Tân Châu” - Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang Hồ Thị Hồng Chi cho biết.
Qua kiểm kê di sản văn hóa vật thể tại 16 cơ sở thuộc loại hình tôn giáo của đồng bào dân tộc Chăm (chưa bao gồm 1 thánh đường đã xếp hạng di tích) và 52 cơ sở thuộc loại hình tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer (chưa bao gồm 3 chùa đã xếp hạng di tích), kết quả cho thấy, các di tích chùa của đồng bào Khmer và thánh đường, tiểu thánh đường của đồng bào Chăm không chỉ là công trình phục vụ nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng, mà còn là biểu trưng văn hóa của cộng đồng, gắn liền với sinh hoạt đời sống, các lễ nghi, phong tục của đồng bào DTTS và là nơi dạy chữ viết cho đồng bào dân tộc. Hiện nay, các công trình đều được bảo tồn khá tốt, hạng mục công trình chính tương đối bền vững, việc tu sửa chống xuống cấp được thực hiện thường xuyên, đảm bảo giữ được yếu tố gốc là kiểu kiến trúc công trình theo mô-típ truyền thống đặc trưng, các hoa văn, họa tiết trang trí ảnh hưởng sâu sắc yếu tố tôn giáo và bản sắc văn hóa dân tộc. Việc quản lý các di tích chủ yếu do ban đại diện của chùa, thánh đường quản lý theo trật tự của mỗi tôn giáo, dưới sự định hướng của chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân, hoạt động theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.
Riêng đối với các di sản văn hóa phi vật thể, qua công tác kiểm kê, lấy thông tin đối với các loại hình, như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer, cho thấy hầu hết các loại hình di sản vẫn còn đang tồn tại nhưng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, tiếng nói, chữ viết được gìn giữ, sử dụng trong đời sống hàng ngày, kể cả trong sinh hoạt tôn giáo và truyền dạy thông qua việc mở lớp ở chùa, thánh đường; các phong tục, lễ nghi liên quan đến đời sống, sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng vẫn còn thực hành trong Nhân dân; lễ hội truyền thống tồn tại khá phong phú; tập quán xã hội có một số lễ thức được giản lược, mang tính tượng trưng.
Đối với ngữ văn dân gian, hiện nay chỉ số ít người cao tuổi còn nhớ, nguy cơ mai một khá cao; nghệ thuật trình diễn dân gian còn tồn tại, nhưng ít người biết thực hành; nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS Chăm, Khmer vẫn chưa thu hút giới trẻ theo học do thu nhập không cao, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định. Về tri thức dân gian là các bài thuốc gia truyền hầu như không còn, tuy nhiên, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên kinh lá buông của đồng bào Khmer và bí quyết tạo nên ẩm thực đặc trưng của đồng bào DTTS, cùng các trang phục truyền thống vẫn còn giữ gìn khá tốt.
Qua kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa của đồng bào DTTS cho thấy, hiện vật di sản văn hóa của đồng bào Khmer, Chăm vẫn còn sử dụng thường xuyên trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Một số hiện vật tuy không còn sử dụng nhưng vẫn được trân trọng, cất giữ, trao truyền lại cho con cháu. Điển hình, tại chùa Sà Lôn (huyện Tri Tôn) hiện còn lưu giữ, trưng bày các hiện vật nông cụ, vật dụng sinh hoạt truyền thống của đồng bào DTTS Khmer, với số lượng phong phú. Để phục vụ công tác nghiên cứu về di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, Sở VH,TT&DL đã hoàn thiện 1.053 mẫu phiếu ghi chép thông tin các loại hình di sản văn hóa. Hiện, các phiếu thông tin được số hóa, lưu trữ, đảm bảo truy xuất thông tin nhanh và chính xác.