Độc đáo làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu, Hà Nội
Bằng sự nhạy bén của người thợ, ý tưởng xây dựng du lịch làng nghề đã trở thành hiện thực tại nơi làng làm hương Quảng Phú Cầu, Hà Nội.
Xã Quảng Phú Cầu thuộc huyện Ứng Hòa, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km về phía Nam. Thời gian gần đây, Quảng Phú Cầu trở thành điểm check in được nhiều người yêu thích bởi khung cảnh làng quê rực rỡ sắc màu độc đáo.
Vào đầu thế kỉ XX, người dân Quảng Phú Cầu chủ yếu mưu sinh với nghề đan lát rổ rá, quạt, cót... Trong một lần, ông Lê Xuân Vịnh thôn Phú Lương Thượng đi mua tre về chẻ nan gặp một vị thương lái mua tăm hương.
Ông Lê Xuân Vịnh đã đặt vấn đề nhận chẻ tăm bán cho thương lái. Những mô hình chẻ tăm hương nhỏ lẻ từ thôn Phú Lương Thượng được mang sang thôn Phú Lương Hạ (quê vợ ông Lê Xuân Vịnh), rồi dần dần phát triển mạnh mẽ, lan rộng ra 6 thôn trong toàn xã với sự tham gia của hàng ngàn lao động trong và ngoài địa phương.
Nghề làm tăm hương được cha truyền con nối, duy trì và phát triển đến ngày nay, trở thành nghề thu nhập chính của người dân và hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động các xã lân cận.
Để phục vụ thị hiếu của người dân, các chủ cơ sở đã xếp chân hương thành những biểu tượng, như bông hoa, ngôi sao 5 cánh... cho du khách check-in.
Kể từ đó, người Quảng Phú Cầu thay đổi phương thức sản xuất. Thay vì chẻ tăm bằng tay, mỗi ngày người thợ chẻ được khoảng 50-60kg tăm ướt nhưng bằng máy móc, một ngày có thể cho ra 2-3 tạ tăm khô.
Que tăm đạt chất lượng được đem đi nhuộm trước khi đưa vào sản xuất hương. Chân hương thường được nhuộm màu hồng sen hoặc đỏ tươi, thân hương màu vàng. Vàng và đỏ theo quan niệm người phương Đông là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, phúc lộc.
Làm hương là nghề phụ thuộc nhiều vào thời tiết, hương sau khi se xong phải được phơi kỹ, các nén hương được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ, tránh nước ẩm. Nếu vào mùa mưa dầm gió bấc thì phải dùng lò sấy.
Cây hương phơi nắng phơi gió sẽ an toàn và đảm bảo, bất đắc dĩ mới phải dùng lò sấy. Nắng hanh là thời tiết "vàng" cho người làm hương và tăm hương. Những sân phơi tăm hương rực rỡ sắc màu cũng từ đó thu hút sự chú ý của các vị khách đến thăm làng. Các nhiếp ảnh gia, khách du lịch rủ nhau tìm đến với Quảng Phú Cầu ngày một nhiều hơn.
Từ một cơ duyên của ông Lê Xuân Vịnh, nghề sản xuất hương và tăm hương Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển, trở thành đặc trưng của làng nghề Hà Nội. Sản phẩm hương và tăm hương Quảng Phú Cầu có mặt khắp các tỉnh thành và xuất khẩu ra các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia...
Hương là sản phẩm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng, nén hương thơm ngát, nhẹ nhẹ tạo không khí linh thiêng, nhưng đằng sau đó là bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, tình yêu nghề và là cái tâm của người làm nghề. Trước làn sóng công nghiệp hóa, rất nhiều làng nghề truyền thống đã dần mai một nhưng nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.
Nghệ nhân Nguyễn Thu Phương (thôn Quảng Nguyên) được biết đến là điển hình cho thế hệ trẻ tiếp nối ngọn lửa truyền thống quê hương. Xưởng sản xuất hương của chị đã được công nhận 4 sản phẩm OCOP phân hạng 3 sao gồm hương trầm Từ Bi Hương, hương quế Từ Bi Hương, hương bồ kết Từ Bi Hương, hương thảo mộc Từ Bi Hương; 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là nụ trầm Từ Bi Hương, nụ trầm Từ Bi Hương, nụ quế Từ Bi Hương và hương vòng Từ Bi Hương. Đây là các sản phẩm đầu tiên được công nhận sản phẩm OCOP của xã Quảng Phú Cầu.
Bằng sự nhạy bén của người thợ làng nghề, ý tưởng xây dựng du lịch làng nghề đã trở thành hiện thực tại nơi làng quê Quảng Phú Cầu. Cuối năm 2022, điểm chụp ảnh tăm hương đầu tiên xuất hiện ở thôn Cầu Bầu, thu hút đông đảo khách du lịch về tham quan, chụp ảnh, đánh dấu bước ngoặt trong phát triển kinh tế địa phương, mở ra hướng đi mới của kinh tế làng nghề.
Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu có hai điểm du lịch làng nghề, thu hút 150-300 khách mỗi ngày, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Một nét đẹp văn hóa được khắc họa rõ nét ở ngôi làng ven đô Hà Nội.