Đến Trường Sa nhớ Đô đốc Giáp Văn Cương

Tôi nhiều lần đi Trường Sa, nơi có các tuyến đảo nổi, đảo chìm từ những năm 1998, 2000… Khi ấy, đời sống, cơ sở vật chất trên đảo còn nhiều khó khăn nhưng đều thấy rất rõ tinh thần lạc quan của bộ đội ta khi nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Và rất kỳ lạ, không chỉ cánh văn chương, báo chí mà cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa ai cũng rất kính trọng và luôn nhắc đến vị Tư lệnh Hải quân huyền thoại - Đô đốc Giáp Văn Cương.

Chuyện kể rằng, trong một cuộc đi tuần biển, Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng Hải quân khi đó thấy các chiến sĩ cứ trần trùng trục, vai các cậu ấy đều hằn những vết cứa của đá san hô đã thành sẹo bóng đỏ dưới nắng biển. Các chiến sĩ cười hồn nhiên bảo: “Bố biết không? Chúng con dùng vai để khiêng vác đá san hô nên vai bị rách là chuyện bình thường. Vài vết sẹo xoàng càng thêm “chiến tích” để chúng con tán tỉnh các em ở đất liền bố ạ. Chúng con đã viết thư cho người yêu, bảo rằng chúng con đang dùng đôi vai của mình để kê cao Tổ quốc. Bố thấy có đúng không?”.

 Đô đốc Giáp Văn Cương gặp gỡ chiến sĩ công binh xây dựng đảo Tiên Nữ. Ảnh tư liệu.

Đô đốc Giáp Văn Cương gặp gỡ chiến sĩ công binh xây dựng đảo Tiên Nữ. Ảnh tư liệu.

Vị Tư lệnh lừng danh mắng yêu đám lính tếu táo mà nước mắt ông cứ thế ứa ra. Ừ thì đất nước còn nghèo. Lính tráng chúng mày nơi mịt mùng sóng gió canh giữ biển đảo áo quần nào chịu cho xuể nên phải dùng vai trần vác đá là đúng rồi. Lại còn biết đưa vào thư gửi người yêu ở đất liền hình tượng đến như vậy còn trách gì được nữa? Thôi hôm nay trời cũng sắp tối rồi, cho phép các cậu đi nghỉ sớm. Tớ sẽ gác đảo đêm nay!

Và Đô đốc Giáp Văn Cương đã ôm súng đứng gác trước sự ngạc nhiên đến tột độ của đám lính đảo.

Đô đốc Giáp Văn Cương sinh năm 1921 tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Vùng đất Bắc Giang là vùng đất cách mạng với rất nhiều huyền thoại trong các cuộc chiến tranh chống giặc phương Bắc. Giáp Văn Cương sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc. Ông được học hành cẩn thận từ nhỏ nhưng tính khí thích bay nhảy, kết giao nên đã sớm bôn ba, từ năm 1942, khi mới 21 tuổi đã vào tận vùng đất võ Bình Định làm công chức ngành Hỏa xa. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Giáp Văn Cương gia nhập đội ngũ Việt Minh. Tiếp đó, ông làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 Ba Tơ; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96, rồi sau đó tập kết ra Bắc.

Năm 1964, ông trở lại chiến trường đảm đương các chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, Sư đoàn 3, Sư đoàn 2, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Quảng – Đà; đầu năm 1974 được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 3 năm 1977, ông được bổ nhiệm là Tư lệnh Quân chủng Hải quân; tháng 2 năm 1980 trở về Bộ Quốc phòng. Đầu năm 1984, trước tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, ông được điều động trở lại làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân lần thứ hai. Năm 1988, ông được thăng cấp từ Phó Đô đốc lên Đô đốc Hải quân (hàm Thượng tướng). Tướng Giáp Văn Cương cũng là vị Đô đốc đầu tiên của Quân đội ta.

Là người con của vùng đất Bảo Đài, ông đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là giữ vai trò Tư lệnh Quân chủng Hải quân vào khoảng thời gian chúng ta vừa thống nhất hai miền Nam - Bắc, đất nước bộn bề công việc, tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp. Điều đó càng cho thấy niềm tin lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội với Đô đốc Giáp Văn Cương.

 Tác giả Phùng Văn Khai (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến công tác ra Trường Sa.

Tác giả Phùng Văn Khai (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến công tác ra Trường Sa.

Tôi rất nhớ khi thực hiện cuốn Hồi ký về Trung tướng Lư Giang - nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô - một người con ưu tú của vùng đất Lục Nam (Bắc Giang), Trung tướng đã nhiều lần nhắc đến Đô đốc Giáp Văn Cương với sự trân trọng hiếm thấy. Các ông đều sớm chỉ huy bộ đội Nam tiến sau Cách mạng Tháng Tám, đều chiến đấu lập công nơi mặt trận Quảng - Đà. Sau giải phóng miền Nam 1975, cả hai vị tướng đều nhận những trọng trách mà Đảng và Quân đội giao cho. Là những người con ưu tú đất Bắc Giang, cả hai vị đều đã dành cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng, là những tấm gương bình dị và cao quý.

Trong cuộc ra Trường Sa những ngày tháng Tư lịch sử gần đây, 10 tổ công tác chúng tôi được đặt tên theo các đảo nổi, đảo chìm như một bản hòa ca: Tổ Song Tử Tây; Tổ Đá Nam; Tổ Sơn Ca; Tổ Đá Thị; Tổ Sinh Tồn Đông; Tổ Len Đao; Tổ Tiên Nữ; Tổ Núi Le A; Tổ Đá Tây B; Tổ Trường Sa xuyên một dải hành trình biển trời mây nước. Lời hát trên tàu “…Biển này là của ta, đảo này là của ta - Trường Sa - Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ, ta vẫn vượt qua/ Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ/ Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…” càng khiến ai nấy trong đoàn công tác đều vô cùng xúc động.

Trong các câu chuyện nơi khoang tàu chật chội, đêm đêm anh em trải nệm xuống sàn tàu mặn mòi hơi muối biển nằm trở đầu đuôi, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhớ đến Đô đốc Giáp Văn Cương. Tàu bây giờ đã lớn hơn, sóng gió dẫu chẳng khác xưa song tiện nghi hôm nay đã đầy đủ hơn nhiều. Ngày trước, đã có hàng tuần Đô đốc Giáp Văn Cương cùng chiến sĩ lênh đênh trên những chiếc tàu nhỏ với hành trình ngàn dặm biển. Vậy mà bây giờ, khi các đảo khang trang, ông đã đi xa. Đi xa mà vẫn thật gần gũi, hiển hiện tường đồng vách sắt trên đôi vai và trong trí tuệ mỗi người chiến sĩ.

Tại các đảo nổi, đảo chìm, 6 giờ sáng các chuyến xuồng đã nối nhau đưa đoàn lên đảo. Ai cũng muốn được đi chuyến đầu tiên. Trường Sa hôm nay cái gì cũng mới. Trường Sa cái gì cũng trẻ. Gương mặt người chiến sĩ ai cũng tươi tắn lạ thường. Chiến sĩ Trường Sa hôm nay vững vàng, cuộc sống đủ đầy mọi mặt. Thảo thơm nghĩa tình trăm miền với Trường Sa. Một tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sừng sững giữa biển trời đảo Song Tử Tây. Tượng Bác Hồ lồng lộng dưới sắc cờ Tổ quốc. Tượng các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng cho mỗi người trong đoàn công tác những cảm nhận sâu sắc, vẹn toàn. Ai cũng muốn làm điều gì đó thật tốt lành cho non sông gấm vóc. Đó cũng là tâm nguyện đã trở thành hiện thực của Đô đốc Giáp Văn Cương cách đây hàng chục năm.

Anh em bộ đội Hải quân kể lại, trong các chuyến đi tuần biển, Đô đốc Giáp Văn Cương bao giờ cũng cho tập hợp bộ đội trên đảo lại và hỏi: “Tớ ra đầu đề cho các cậu: Nếu kẻ địch muốn chiếm đảo, chúng sẽ đánh như thế nào?”. Cán bộ chiến sĩ trên đảo và cả các sĩ quan tác chiến tháp tùng ông đều đưa ra các phương án một cách thẳng thắn theo tư duy của mình. Thường là vị tướng lắng nghe, gật gù và lại hỏi: “Vậy địch đã đổ bộ lên đảo, các cậu sẽ đánh như thế nào để giữ được đảo?”.

Mọi người cùng sôi nổi đưa ra các phương án đánh địch. Vị tướng đầu bạc phơ chất vấn từng người, từng cách đánh, khi thì đưa ra những phản biện, khi bồi đắp thêm ý tưởng chiến đấu. Mọi thứ đã hòm hòm, bấy giờ ông mới xúc động hỏi: “Cuộc sống của các cậu ở đây khó khăn đến mức nào? Khó khăn lắm phải không? Tớ làm đến chức Tư lệnh mà cũng chẳng giúp được gì nhiều kể ra cũng có lỗi với các cậu. Thôi chúng ta hãy cùng nhau tháo gỡ”.

Đô đốc Giáp Văn Cương là như vậy đấy. Trước khi rời đảo, ông nhắc anh em tác chiến viết lại tất cả các phương án, cả những câu chuyện đời thường. Khi tàu đã rời đi, trong màn đêm buông xuống mịt mùng, vị tướng già ngồi mãi trên boong lặng im như pho tượng.

Đô đốc Giáp Văn Cương cùng với các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án xây dựng hệ thống Nhà giàn DK1 trên các bãi san hô ngầm trên vùng biển thềm lục địa của ta từ rất sớm. Đề xuất đó được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ủng hộ. Đến nay, hệ thống Nhà giàn DK1 đã trở thành một trong những biểu tượng khẳng định chủ quyền và có những đóng góp quan trọng về kinh tế - xã hội trong khai thác nguồn tài nguyên biển.

Trong các cuộc điền dã tại mảnh đất Lục Nam và cả các chuyến đi Trường Sa, cánh văn nghệ sĩ, báo chí chúng tôi thường xuyên nhắc đến các bậc tiền nhân có công với nước, với dân, với cách mạng, với Quân đội, trong đó có Đô đốc Giáp Văn Cương. Bản thân ông chưa một giây phút nào được ngơi nghỉ. Ông đột ngột từ trần năm 1990 khi bao dự định vẫn còn bộn bề đợi ông phía trước. Đô đốc Giáp Văn Cương đã nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Ngày 7 tháng 5 năm 2010, Đô đốc Giáp Văn Cương đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Một cuộc đời khép lại song đã mở ra những trang đời tươi mới, khang trang. Cái tên Giáp Văn Cương đã trở thành tên đường, tên phố ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Giang, Kon Tum… Đó cũng là sự tri ân, ghi nhận với Đô đốc Giáp Văn Cương - vị Tư lệnh Hải quân huyền thoại.

Tùy bút của Phùng Văn Khai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/den-truong-sa-nho-do-doc-giap-van-cuong-postid416943.bbg
Zalo