Diện mạo mới nơi Trường Sa
Trải qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt, với sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời từ Đảng, Nhà nước, Trường Sa hôm nay không chỉ là một vùng biển đảo vững chãi mà còn là hình ảnh tỏa sáng của niềm tự hào dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau hơn 30 giờ lênh đênh trên biển, vượt qua hành trình 200 hải lý, nhóm phóng viên của Đài Hà Nội đã đặt chân đến quần đảo Trường Sa, nơi có những hòn đảo xanh tươi mọc lên giữa đại dương mênh mông. Điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây, một đảo nhỏ nhưng đầy sức sống, nơi mà cây cối vẫn xanh tươi dù mùa khô đang phủ lên toàn quần đảo.
Chị Đinh Thị Mỹ Hảo, một người dân sống lâu năm trên đảo, nhiệt tình chia sẻ: "Trước kia, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước ngọt. Nhưng giờ đây, nhờ vào sự đầu tư của Nhà nước với các công trình như khoan giếng, lắp đặt máy lọc nước biển và bể chứa nước mưa, người dân trên đảo đã không còn phải lo lắng về nước ngọt nữa".
Trẻ em ở Trường Sa không đông, nhưng mỗi em đều là niềm tự hào của đảo. Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh nơi đây vẫn còn lo lắng là không có trường cấp 2, khiến các em phải rời đảo để học tiếp.
Ông Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho hay: "Làm sao để có trường cấp 2 cho các em học, để người dân an tâm công tác lâu dài hơn mà không phải lo lắng khi đưa con vào bờ. Nếu mở được trường cấp 2, sẽ giúp các em ở lại đây, học và trưởng thành ngay trên đảo, đồng thời gắn kết gia đình với Trường Sa".
Mỗi điểm, đảo trên quần đảo Trường Sa đều là những dấu son chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong nhịp sống bình dị, tình đoàn kết quân dân gắn bó, mỗi người dân trên đảo đang cùng các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm gìn giữ từng tấc đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm từ Đảng và Nhà nước, các đảo lớn tại Trường Sa đều đã có các âu tàu rộng rãi, giúp tàu thuyền ngư dân trú bão, tránh được những cơn sóng dữ.
Ông Huỳnh Ngọc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá đảo Đá Tây chia sẻ: "Ngư dân trước đây phải quay về bờ sau 22 ngày, vừa mất chi phí lại mất thời gian. Nay có trung tâm hỗ trợ, bà con vào tiếp dầu, đá với giá như ở đất liền, được Nhà nước hỗ trợ đầy đủ, bà con không còn phải lo lắng nữa".
Giữa những điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, một trong những lo ngại lớn nhất của người dân trên đảo là bệnh tật hiểm nghèo. Nhưng trong những năm gần đây, được sự quan tâm sâu sắc từ đất liền, mỗi đảo lớn đã có đội ngũ y bác sỹ được luân phiên ra làm việc tại các bệnh viện, mang lại niềm tin và sự yên tâm cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân.
Trung úy Trần Xuân Cường, y sĩ tại đảo Đá Tây cho biết: "Nếu đủ người và trang bị, chúng tôi có thể trang bị đầy đủ các thiết bị như một viện cấp 4, với X-quang, siêu âm, phòng mổ và gây mê tự động. Điều này giúp mọi người yên tâm, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp".
Trường Sa hôm nay đang chuyển mình từng ngày. Nhìn lại quãng đường gian nan, từ những hòn đảo khô cằn, thiếu nước ngọt, đến nay đã trở thành những hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát, với cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển. Thành quả đó là nhờ vào sự hy sinh, sự cống hiến và quyết tâm của nhiều thế hệ quân và dân Trường Sa.
Phát huy truyền thống "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, xây dựng đảo Trường Sa trở thành một pháo đài vững chắc, đẹp về cảnh quan, mẫu mực về đoàn kết quân dân, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.