Tướng Trần Ngọc Thổ kể chuyện hành quân ngày 30/4, nhớ 'bà má Nam Bộ nuôi bộ đội'
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên tham mưu trưởng Quân khu 7, nhắc nhớ lại ký ức ngày 30/4/1975 hào hùng cùng lòng biết ơn những bà má Nam Bộ mang gạo, thuốc, quần áo cho bộ đội.
"11h30 trưa 30/4, khi Đài phát thanh Giải phóng đưa tin Dương Văn Minh đầu hàng, chúng tôi tới Cầu Chữ Y (Quận 8, TP.HCM bây giờ). Nghe tin, chúng tôi ôm nhau, sung sướng chảy nước mắt.
Trước khi tiến quân về giải phóng Sài Gòn, tôi đã 3 lần vào thành phố trong chiến dịch Mậu Thân 1968, nên Sài Gòn với tôi không còn xa lạ. Vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, với tôi, là trận đánh cuối cùng”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ kể.
Tiến về Sài Gòn ngày 30/4/1975
Đầu tháng 3/1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã vào giai đoạn quyết liệt, tin chiến thắng từ các mặt trận được báo về từng giờ.
Ngày 30/3/1975, khi đó ông Thổ là Tham mưu phó tác chiến Trung đoàn 88, đang tập huấn tại Bộ Tham mưu Quân khu 8, thì được Trung đoàn gọi về chuẩn bị chiến trường gấp. Lúc đó Trung đoàn đóng tại huyện Cai Lậy tỉnh Mỹ Tho.

Được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói những gì ông nhận được là nhờ sự đùm bọc, che chở của nhân dân. (Ảnh: Hà Linh)
“Gặp Thiếu tướng Đồng Văn Cống - Tư lệnh Quân khu 8 và đồng chí Hai Nghiêm, là Tham mưu phó Miền xuống làm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 8, tôi hỏi: Đơn vị đang đánh tốt như thế tại sao lại rút để đánh vào Sài Gòn.
Anh Nghiêm giải thích, theo tính toán của Quân ủy Trung ương, đưa Trung đoàn 88 đánh vào Sài Gòn mục đích không phải là mặt trận Sài Gòn thiếu quân, mà truyền thống Trung đoàn 88 là quân tiên phong, từng đánh chiếm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Bây giờ, Trung đoàn 88 phải có mặt ở Sài Gòn để kết thúc chiến tranh. Đó là trách nhiệm vẻ vang của quân tiên phong trong trận đánh cuối cùng”, ông kể.
Ông được Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cùng các trợ lý tác chiến, trinh sát, cán bộ của các tiểu đoàn đi chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch tổng tiến công. Do thời gian quá gấp, chuẩn bị xong mục tiêu nào là phải tổ chức chiến đấu ngay, và mục tiêu cuối cùng là Sài Gòn.
Đường tiến quân và các mục tiêu cần tiêu diệt được xác định trên bản đồ: phải xuyên qua huyện Chợ Gạo, Châu Thành tỉnh Mỹ Tho; qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, huyện Tân Trụ, Cần Giuộc, tỉnh Long An đến Bình Chánh vào cầu Chữ Y (Quận 8, TP.HCM hiện nay). Điểm chấm cuối cùng là Tổng nha Cảnh sát và khu vực kho xăng Nhà Bè Sài Gòn.
Là chỉ huy có kinh nghiệm chiến đấu ở nhiều mặt trận, ông hiểu Trung đoàn 88 là một trong các cánh quân làm nhiệm vụ thọc sâu và nghi binh của chiến dịch từ phía Nam, để thu hút lực lượng địch, tạo thuận lợi cho các cánh quân lớn tiến vào Sài Gòn.
Cũng vì vậy, đường tiến quân vô cùng cam go. Địch trong đồn bốt trên trục đường tiến công vào Sài Gòn đang cố thủ và đánh trả quyết liệt.
“Chúng tôi hành quân suốt đêm. Đường về Sài Gòn, nếu không có nhân dân thì Trung đoàn 88 không thể hoàn thành nhiệm vụ từng trận đánh, không thể vào Sài Gòn được. Đi đến đâu cũng có sự hỗ trợ của địa phương, phối hợp với dân quân du kích, sự đùm bọc của nhân dân”, vị tướng với 51 năm gắn bó với quân ngũ xúc động.
8 giờ ngày 20/4/1975, Trung đoàn trưởng ra lệnh ông phải tổ chức đưa Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm Cỏ Tây (đoạn Thạnh Phú Long sang Nhựt Ninh), để kịp trong đêm đánh vào Chi khu Tân Trụ. Nhận lệnh xong, ông toát mồ hôi vì nhận thấy khúc sông này quá rộng, lại có một giang thuyền với 13 tàu chiến đấu của địch chỉ cách nơi bộ đội vượt sông khoảng 2km. Ông cố nghĩ cách để Tiểu đoàn 1 có thể vượt sông an toàn.
Ông đi tìm ông Hai Thuần, là cán bộ của huyện Tân Trụ, đề nghị 2 phương án. Một là huy động phương tiện của dân chở bộ đội qua sông an toàn; hai là đẩy mạnh công tác địch vận kìm giang thuyền địch tại chỗ, làm sao từ 10 -11 giờ trưa bộ đội phải qua sông.
Cán bộ huyện chỉ nói: “Anh yên tâm, tụi tui có chuẩn bị rồi”, sau đó bằng đủ cách lo cho bộ đội vượt sông thành công.
Ông nói ở thời điểm nào, nhân dân cũng đoàn kết, thương bộ đội, tất cả cho thống nhất Tổ quốc. Trên đường tiến vô Sài Gòn qua Quốc lộ 50, người dân tràn ra cổ vũ. Bà con mang sẵn những thùng nước mát, dừa tươi và cả cơm nắm để bộ đội ăn.
Qua đến Bình Chánh, người dân mang xe máy, xe đạp ra yêu cầu chở bộ đội về Sài Gòn cho nhanh. Nhưng bộ đội từ chối: Vì thắng rồi, mình tiến quân về thôi, không thể để nhân dân khổ thêm nữa.

Ban tham mưu Trung đoàn 88 chụp ảnh lưu niệm tại Cần Giuộc ngày 28/4/1975 trước khi tiến về Sài Gòn.
Sáng 30/4/1975, Trung đoàn 88 đã làm chủ toàn bộ đoạn đường từ cầu Ông Thìn (trên Quốc lộ 50 bắt qua sông Cần Giuộc, nối với huyện Bình Chánh) đến phía Nam huyện Bình Chánh, chuẩn bị đánh vào khu vực Cầu Chữ Y.
Khi còn cách Cầu Chữ Y gần 10 cây số, lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, Đài phát thanh Sài Gòn đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, từ chỉ huy đến chiến sĩ sung sướng trào nước mắt.
Trung đoàn của ông tiếp tục nhiệm vụ chiếm Tổng nha Cảnh sát, Bộ tư lệnh Hải quân; qua cầu Tân Thuận chiếm kho K18 Tổng bộ Hậu cần; cư xá ngân hàng và điểm cuối cùng là kho xăng Nhà Bè, ngăn không cho địch phá hoại.
Đến 22h tối 30/4, Trung đoàn đã chiếm giữ kho xăng Nhà Bè, tiếp quản Dinh Quận trưởng và chiếm giữ toàn bộ huyện Nhà Bè, phà Bình Khánh. Đây cũng là nơi ông cùng đồng đội ngủ giấc ngủ bình yên đầu tiên ở phố thị.
Bà má Nam Bộ nuôi bộ đội
Hỏi ông làm gì đầu tiên những ngày Sài Gòn giải phóng, ông nói sau khi tiếp quản Kho xăng Nhà Bè, làm nhiệm vụ tại đây, ông đi gặp bà con xung quanh nơi đóng quân, để hỏi thăm. Ông nhớ các má ở Cần Đước, ở Cai Lậy những ngày cưu mang bộ đội, và muốn nhanh chóng chia sẻ, hóa giải những đồn đoán, tuyên truyền không đúng về bộ đội giải phóng khiến người dân Sài Gòn hoang mang.
“Tôi nhớ mãi khi làm xong nhiệm vụ ở kho xăng Nhà Bè, tôi vô hỏi thăm nhà dân bên cạnh thì thấy nhà chỉ có 3 cô gái. Tôi hỏi hai bác đâu rồi, các cô nói mọi người sợ trả thù nên trốn hết. Các cô nói họ được tuyên truyền quân giải phóng về mà thấy các con gái, phụ nữ thành phố sơn móng tay thì sẽ bị rút móng tay.
Tôi cười: Bộ đội giải phóng hiền lành, đẹp trai như vầy làm sao mà ác được, các chị cứ làm đẹp, cứ sơn móng tay, không phải lo. Từ đó các nhà xung quanh dần vui vẻ, cởi mở nói chuyện với bộ đội, không còn tâm lý lo lắng, lảng tránh như những ngày đầu”.
Cuộc đời binh nghiệp trọn vẹn với miền Nam, hỏi ông vùng đất nào để lại cho ông nhiều thương nhớ nhất, ông nói Long An là nơi khiến ông thương nhất, nặng ân nghĩa nhất. Bởi thời điểm ông chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ, Long An bị tàn phá ác liệt, trở thành vùng trắng, bộ đội phải xuống làm nòng cốt. Nhưng người dân vẫn kiên cường, một lòng một dạ bám đất, che giấu bộ đội.

Viết sách, ghi lại những chặng đường lịch sử của dân tộc là cách ông mong thế hệ trẻ hiểu và có trách nhiệm với đất nước mình. (Ảnh: Hà Linh)
Ông kể sống trong ấp chiến lược bị kìm kẹp, nhưng các má, các chị hàng ngày khi được đi ruộng thì luôn tìm cách mang theo đồ ăn, thuốc men, quần áo, đủ hết. Bộ đội cần gì là có cái đó. Đều đặn như vậy suốt từ 1969-1975, ông đã chiến đấu và sống trong vòng tay che chở, cưu mang của người dân ở vùng 4 Kiến Tường, bây giờ là huyện Tân Thạnh.
Vùng đất thứ hai ông nặng nghĩa tình là Củ Chi. Ông đã bám trụ ở đây 3 năm, từ 1967-1968, khi tham gia chiến dịch Mậu Thân, đó cũng là những năm vùng đất này chịu gian khó, ác liệt và 2 lần ông bị thương ở nơi này.
“Má Bảy (đã mất 2 năm trước) ở Phú Hòa Đông làm tôi xúc động vô cùng. Hôm trước khi phải vô ấp chiến lược, má gọi tôi lại, dặn: "Ở đằng sau ụ mối, má có chôn sẵn mấy khạp gạo, bột ngọt, cá hộp. Lúc nào cần ăn thì con đào lên nghen. Con chỉ cần đào xuống 30 phân là thấy khạp lớn".
Tôi hỏi: Má không nói mấy anh du kích mà sao nói với con. Má nói: Tụi bây ngoài Bắc vô đây, không có cha mẹ; tao mới lo cho tụi bây. Còn mấy thằng du kích nhà nó ở đây, tụi nó có cha có mẹ ở gần, lúc nào lấy mà không được. Cho nên má cho tụi bây, má không đưa cho du kích là có lý do vậy”.
Nghe má nói, mấy anh du kích hùa theo: Của má cho mấy ông, ông lấy đi. Chuyện của tụi tui là dẫn mấy ông đi lấy thôi. Nhẹ nhàng như không vậy mà tôi biết ơn rồi nhớ mãi”, ông kể.
Nhiều người khen ông có cuộc đời binh nghiệp trọn vẹn từ thời chiến đến thời bình, ông nói mình xin không nhận đó là lời khen, mà là nhiệm vụ phải hoàn thành.
"Chiến đấu là để tự do, để thống nhất đất nước. Tôi yêu tổ quốc tôi, yêu người dân và đồng đội của mình, nên việc gì tôi cũng làm và làm hết sức. 5 lần nhận bằng khen Dũng sĩ diệt Mỹ, 11 lần bị thương, những việc đó không phải là để người lính nhận huy chương, đó là trách nhiệm, là tình yêu với đất nước.
Tôi trọn vẹn với đất nước, với nhân dân từ trong kháng chiến đến bây giờ, là nhờ sự đùm bọc, che chở của nhân dân, nên chỉ vui khi được gọi là người lính của nhân dân. Những câu chuyện của tôi luôn là cảm ơn nhân dân".
50 năm hòa bình, vị tướng với 51 tuổi quân vẫn luôn đau đáu đi tìm hài cốt đồng đội; đòi công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam.
Mấy ngày trước tháng 4, ông phải cấp cứu vì bệnh tim tái phát, nhưng hết bệnh ông sẽ tiếp tục đi tìm đồng đội. Ông nói mình được nhân dân che chở, thương yêu nên dù 11 lần bị thương, trong đó 3 lần đồng đội chuẩn bị khâm liệm, nhưng ông vẫn sống, tiếp tục xây dựng, bảo vệ đất nước, đó là đặc ân, nên phải sống xứng đáng với đặc ân mình nhận.
Ông cũng sợ thời gian trôi đi vô tình, lãng quên đồng đội khi ông không còn sức kịp đưa họ về.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, là một trong 60 gương tiêu biểu có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến cho cộng đồng, xã hội trong chặng đường 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM, vừa được TP.HCM vinh danh ngày 24/4.
Ông tham gia chiến đấu ở miền Nam, gắn với chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ từ năm 1966. Sau năm 1975 thống nhất đất nước, ông tiếp tục tham gia chỉ huy trong chiến dịch biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc tại mặt trận Lạng Sơn năm 1979.
Nghỉ hưu, ông làm phó Chủ tịch Trung ương Hội nạn nhân chất độc Da cam/Đioxin Việt Nam kiêm Chủ tịch hội nạn nhân chất độc Da Cam/Đioxin TP.HCM; Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, TP.HCM...
Ông là đại diện lực lượng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.