Đề xuất xem xét kỹ việc bổ sung nước giải khát có đường vào nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong tình hình mới
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc đề xuất cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, nước giải khát theo lộ trình phù hợp và mức thuế hợp lý, các doanh nghiệp cũng cần bắt kịp những xu thế mới để phát triển bền vững cũng như góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước.

Hội thảo thảo luận, khuyến nghị các giải pháp cân bằng giữa chính sách thuế nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt đối với ngành hàng nước giải khát
Ngày 22/4/2025, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Tham dự Hội thảo về phía Bộ Công Thương có Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước Bùi Nguyễn Anh Tuấn; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành; các đại biểu Quốc hội; các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn thuế, hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam.
Bước vào quý II năm 2025, kinh tế - xã hội nước ta dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động đan xen trước những biến động về kinh tế, chính trị thế giới, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạo.
Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc tháng 5/2025. Mục tiêu cốt lõi của sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.
Trên cơ sở đó, Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, đưa ra các khuyến nghị giải pháp cân bằng giữa chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững; góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng khoa học, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.

Hội thảo góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng khoa học, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã trình bày tham luận, cung cấp góc nhìn tổng quan về những thách thức nền kinh tế đang phải đối mặt cũng như giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng cũng như kích cầu tiêu dùng nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các chính sách hỗ trợ về thuế trong thời gian tới. Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng chia sẻ về những khó khăn thực tế đang gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách thuế.
Về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các ý kiến cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ gây ra tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát cũng như các ngành khác trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp ngành bia - rượu đề xuất cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia theo lộ trình phù hợp và mức thuế hợp lý, bảo đảm doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thể thích nghi, tránh gây sốc thị trường.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành đồ uống trong đó có các doanh nghiệp nước giải khát hiện đóng góp khoảng trên 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách Nhà nước, chiếm gần 3% tổng thu ngân sách, tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động trên cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước và ổn định an sinh xã hội, cũng như là lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Coca-cola, Suntory PepsiCo...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2026 trong đó có mặt hàng nước giải khát có đường, giảm giãn một số loại thuế phí…
Do đó, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng các chính sách nên được cân đối dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm các nguyên tắc của chính sách thuế là xác định đúng đối tượng, hợp lý, công bằng và hiệu quả, đồng thời kiến nghị các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung vào công tác kích cầu tiêu dùng trong nước.



Đại diện hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia thảo luận, trao đổi về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó có các vấn đề về chính sách thuế
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp cần bắt kịp những xu thế mới để phát triển bền vững như xu hướng xanh hóa, hướng tới kinh tế tuần hoàn, người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm ít đường, không đường, nguồn gốc thiên nhiên…
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư, tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định cũng như khả năng kích cầu tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam cần chủ động tiếp cận, nắm bắt công nghệ mới phục vụ quá trình sản xuất của ngành đồ uống, sử dụng phương pháp tái chế mới, vật liệu mới cũng như tối ưu hóa vật liệu để đảm bảo nền kinh tế tuần hoàn.
Ngày 10/3/2025, tại Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng 5, 6/2025.
Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận: "Đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến đối tượng chịu thuế (thuốc lá, cục nóng, cục lạnh điều hòa), nước giải khát có đường, xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô hybrid,... đề nghị Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trao đổi để có phương án thống nhất; trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức làm việc với các cơ quan có liên quan. Trường hợp sau khi rà soát vẫn còn có ý kiến khác nhau giữa Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo, đề nghị nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, ưu, nhược điểm đối với từng phương án trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân, tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo".