Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều người thôi việc do sắp xếp tinh gọn bộ máy

Về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 12/5, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng đông người lao động thuộc nhóm lao động nghỉ hưu sớm, người thôi việc do sắp xếp tinh gọn bộ máy.

 Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, thảo luận

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, thảo luận

Như Báo PNVN đã đưa tin, ngày 12/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho biết: Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, có ý kiến cho rằng, phạm vi ưu đãi thuế TNDN chưa thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với quy định của pháp luật về đầu tư và một số luật chuyên ngành.

Theo giải trình của Cơ quan soạn thảo, dự thảo Luật đã tổng hợp và thu gọn phạm vi các ưu đãi thuế xuống còn 30 nhóm lĩnh vực so với gần 100 nhóm ngành, nghề được ưu đãi đầu tư đang quy định tại các văn bản pháp luật về đầu tư. Về cơ bản, dự thảo Luật đã kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời sắp xếp lại các ưu đãi đối với các ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể, bổ sung một số quy định về ưu đãi thuế TNDN được quy định tại các luật chuyên ngành.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Thực tế cho thấy, phạm vi ưu đãi thuế TNDN quy định tại dự thảo Luật và quy định của pháp luật về đầu tư và một số luật chuyên ngành đang chưa thống nhất, đồng bộ. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh việc quy định chính sách ưu đãi thuế dàn trải tại các văn bản Luật chuyên ngành và để xử lý các nội dung chưa thống nhất với quy định tại các Luật chuyên ngành, dự thảo Luật đã bổ sung vào khoản 1 Điều 12 quy định "trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế TNDN khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của Luật này".

Theo đó, các ưu đãi thuế cần được và chỉ nên được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế đồng thời, cần chấm dứt việc lồng ghép chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính tổng thể, nhất quán của hệ thống ưu đãi thuế TNDN.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung vào khoản 5 Điều 15 nội dung "tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận" thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế TNDN theo quy định của Chính phủ.

Thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, các trường hợp được miễn giảm thuế khác quy định tại Điều 15, đề nghị xem xét, bổ sung các lĩnh vực được áp dụng chính sách ưu đãi thuế như phát triển xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường để tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế.

Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh: Tại khoản 1 và khoản 2 thì mới quy định được 2 nhóm lao động yếu thế là lao động nữ và lao động là người dân tộc thiểu số, nếu mà doanh nghiệp sử dụng nhiều đối tượng lao động này sẽ được miễn giảm thuế.

Theo đó, đại biểu Tú Anh đề nghị xem xét, bổ sung thêm các đối tượng lao động khác cũng được xem xét chính sách ưu đãi thuế. Đặc biệt là có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng đông người lao động thuộc nhóm lao động nghỉ hưu sớm, người thôi việc do sắp xếp tinh gọn bộ máy, được hưởng ưu đãi thuế. Điều này phù hợp với chính sách của Nhà nước về việc làm với đối tượng bị tinh giản biên chế.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Tương tự như hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp thì việc ưu đãi chính sách miễn, giảm thuế đi đôi với việc hỗ trợ pháp lý sẽ giúp hộ kinh doanh tiếp cận tốt hơn với các chính sách của Nhà nước, góp phần tăng thu ngân sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, phần lớn các đại biểu bày tỏ đồng tình về miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều 14. Các đại biểu nhận định, Ban soạn thảo đã xây dựng một cơ chế miễn thuế, giảm thuế một cách khá chi tiết gắn với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn và từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt việc gắn miễn thuế, giảm thuế với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ dược, đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo là rất phù hợp với chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Đồng thời có chính sách ưu đãi dành cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng thể hiện đúng định hướng phát triển bao trùm, thu hẹp khoảng cách vùng miền.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-su-dung-nhieu-nguoi-thoi-viec-do-sap-xep-tinh-gon-bo-may-20250512171109522.htm
Zalo